Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2022 - PHẢN ỨNG QUỐC TẾ

Bầu cử tổng thống Pháp : Mỹ, Đức thở phào nhẹ nhõm

Vì những lý do khác nhau, Mỹ và Đức thở phào nhẹ nhõm sau kết quả vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp. Washington lo ngại chiến thắng của bà Le Pen thân Nga làm rạn nứt mặt trận đoàn kết chống Matxcơva xâm lăng Ukraina và sẽ là một thắng lợi chính trị của Vladimir Putin. Berlin kỳ vọng nhiều vào ông Macron đưa châu Âu vượt khỏi khủng hoảng trước thách thức chiến tranh Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp đồng nhiệm Mỹ Joe Biden (T) tại đại sứ quán Pháp ở Rome, Ý ngày 29/10/2021.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp đồng nhiệm Mỹ Joe Biden (T) tại đại sứ quán Pháp ở Rome, Ý ngày 29/10/2021. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Thông tín viên thường trực tại Washington Guillaume Naudin phân tích về quan điểm của Nhà Trắng về cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong bối cảnh Nga đe dọa an ninh của toàn châu Âu : 

« Hai tuần trước bầu cử ở Pháp, Nhà Trắng đã lo lắng khi thấy tỷ lệ ủng hộ bà Marine Le Pen tăng lên. Chính quyền Biden không mấy hào hứng trước viễn cảnh phải làm việc chung với nhân vật này trong trường hợp bà đắc cử.

Trước hết về mặt cá nhân, ứng cử viên cực hữu luôn tỏ thiện cảm với cựu tổng thống Donald Trump thậm chí là còn muốn được các cộng tác viên của cựu tổng thống Mỹ hỗ trợ. Marine Le Pen có lập trường gần gũi với Vladimir Putin và đó là điều khiến Nhà Trắng lo ngại.

Đành rằng bà Le Pen đã giữ khoảng cách với điện Kremlin kể từ khi Matxcơva tấn công Ukraina, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nếu như nữ ứng viên này đắc cử thì Washington sẽ hiểu rằng, đây là một thắng lợi vẻ vang của Vladimir Putin về mặt chính trị từ khi cuộc chiến Ukraina khai mào. Hoa Kỳ cũng rất lo ngại trước khả năng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Pháp và đây là một điều chính quyền Mỹ đặc biệt theo dõi ».

Còn nhìn từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho rằng Emmanuel Macron không còn có sức thu hút đối với công luận và báo giới Đức cao như 5 năm trước đây. Nhưng khả năng tổng thống Pháp tái đắc cử bảo đảm cho một sự ổn định tại châu Âu vào thời điểm này :

« Trước vòng một, công luận Đức ủng hộ rộng rãi ông Macron, xem ứng viên này là người bảo đảm cho sự tiếp nối trong chính sách của Liên Hiệp Châu Âu vào lúc mà châu lục này đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên Emmanuel Macron không có sức thu hút lớn như hồi 2017. Truyền thông Đức cũng ít quan tâm đến bầu cử tổng thống Pháp hơn bởi mọi chú ý đang dồn về chiến tranh Ukraina. Dù vậy ở đây, mọi người thực sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy Emmanuel Macron về đầu. Một vài phản ứng trong giới chính khách tại Berlin phấn khởi tin rằng với Macron trong cương vị lãnh đạo, tương lai của Liên Hiệp Châu Âu được bảo đảm.

Thậm chí một số tiếng nói cho rằng cuộc bầu cử ở vòng 2 sắp tới được coi như một cuộc bỏ phiếu « ủng hộ » hay « chống lại » Liên Âu. Một phần tương lai của châu Âu tùy thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Pháp lần này. Nhưng cũng phải nói là Berlin lo ngại, trong trường hợp Marine Le Pen đắc cử, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.