Vào nội dung chính
PHÁP - CHÂU ÂU

Ngày Châu Âu: Tổng thống Pháp đề cao ''sức mạnh của các nền dân chủ tự do''

Tổng thống Pháp có hai chuyến đi quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng đúng vào « Ngày Châu Âu » 09/05/2022, trong bối cảnh Nga tổ chức duyệt binh mừng « Ngày Chiến Thắng ». Ông Emmnanuel Macron đến Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg để dự buổi bế mạc « Hội nghị về Tương lai châu Âu », sau đó tổng thống Pháp đến Berlin gặp thủ tướng Đức.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch luân phiên Liên Âu tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, 09/05/2022.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch luân phiên Liên Âu tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, 09/05/2022. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Theo điện Elysée, nguyên thủ Pháp đến Nghị Viện Châu Âu để đề cao một châu Âu mạnh mẽ hơn, sẵn sàng cải cách để đáp ứng những trông đợi của công dân. Bài phát biểu của tổng thống Pháp « tập trung vào việc đón nhận những đề xuất của công dân và nêu ra một số thách thức trong bối cảnh chiến tranh Ukraina ».

Theo AFP, tổng cộng có khoảng 325 biện pháp tạo thành 49 đề xuất đã được phê chuẩn hôm 30/04. Các đề xuất nói trên là kết quả làm việc của « Hội nghị về Tương lai châu Âu », một cơ chế tham vấn ý kiến công dân của Liên Âu, được thành lập từ năm 2021. Quá trình làm việc nói trên có sự tham gia của khoảng 800 công dân, dân biểu và các đại diện xã hội dân sự.

Chiều 09/05, báo cáo của quá trình tham vấn này được chính thức trao cho chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang giữ chức chủ tịch luân phiên châu Âu.

Thông qua « Ngày Châu Âu », nguyên thủ Pháp muốn so sánh « hai mô hình đối lập », một bên « khẳng định sức mạnh của các nước dân chủ » với bên kia là « một mô hình xét lại lịch sử đang gây đổ máu trên lãnh thổ Ukraina » do tổng thống Nga chủ trương.

Sau Strasbourg, nguyên thủ Pháp đến Berlin gặp thủ tướng Olaf Scholz, khẳng định tình hữu nghị Pháp-Đức, theo đúng truyền thống hai nước dành cho nhau chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi có chính phủ mới. Hai nhà lãnh đạo dự kiến tiếp tục bàn về tình hình Ukraina, các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cũng như vấn đề an ninh châu Âu. Khả năng tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đến Kiev cũng có thể được nêu trong chương trình nghị sự, mặc dù điện Elysée nhắc lại là « đến giờ chưa dự kiến một chuyến công du như vậy ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.