Vào nội dung chính
PHÁP - KINH DOANH

Khi các hiệu thời trang mở rộng kinh doanh sang ngành nhà hàng

Trong một thập niên gần đây, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang đa dạng hóa các hoạt động, chuyển sang kinh doanh thêm trong các ngành phục vụ như khách sạn nhà hàng. Phía Ý có các thương hiệu lớn như Versace, Bulgari hay Gucci. Về phía Pháp, sau hiệu Chanel, đến phiên Dior và nhất là Louis Vuitton lấn sân ngành ẩm thực, qua việc khai trương các quán rượu và tiệm ăn sang trọng.

Một cửa hàng của Louis Vuiiton trên đại lộ Champs - Elysée, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 16/05/2021.
Một cửa hàng của Louis Vuiiton trên đại lộ Champs - Elysée, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 16/05/2021. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Vào đầu mùa hè năm nay, Louis Vuitton vừa khai trương nhà hàng đầu tiên ở châu Âu. Tiệm ăn này nằm cùng một chỗ với khách sạn White 1921, ở trung tâm trạm nghỉ mát sang trọng Saint-Tropez ở miền Nam nước Pháp. Nhà hàng do đầu bếp trẻ tuổi người Pháp gốc Mali Mory Sacko điều hành. Thành danh cách đây hai năm nhờ tham gia chương trình thi nấu ăn Top Chef, Mory Sacko được tặng một sao Michelin vào năm 2021. Gương mặt của anh cũng khá quen thuộc với khán giả ở Pháp thông qua chương trình ''Cuisine Ouverte'' (Nấu ăn ngoài trời), được phát sóng trên kênh France 2 vào mỗi thứ bảy hàng tuần.

Pháp, Nhật, Hàn : Những tiệm ăn mang dấu ấn Vuitton

Vào năm 29 tuổi, Mory Sacko đạt tới một tầm cao mới khi được mời về quản lý và lên toàn bộ thực đơn (kết hợp nhiều nét đặc sắc ẩm thực Pháp với ảnh hưởng của Nhật Bản) cho nhà hàng mới của hiệu Louis Vuitton tại Saint-Tropez. Tất cả được lồng vào một không gian tinh tế, ngoài hiên ngập nắng nhưng vẫn thoáng mát, sân thượng dung hòa nhiều chi tiết vùng Provence với màu sắc Địa Trung Hải, ngoài giàn cây leo và tường treo thảm thực vật, còn có nhiều vật dụng trang trí làm bằng gỗ tự nhiên hay mây tre, kết hợp thêm với bộ sưu tập nội thất ''Objets Nomades'' của Louis Vuitton, gợi hứng từ các chuyến viễn du trên khắp thế giới.

Nhà hàng tại Saint-Tropez là nhà hàng thứ ba của Louis Vuitton. Tiệm ăn đầu tiên đã được khai trương tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2020. Nhà hàng thứ hai mở cửa đón khách vào mùa xuân năm 2022 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, do đầu bếp hai sao Michelin Pierre Sang điều hành. Louis Vuitton gần đây cũng có mở một cửa hàng bán đồ da ở thành phố Lille, những vào giờ chót, đã không phát triển thêm một không gian ẩm thực theo kiểu tiệc trà trong cửa hiệu.

Về phía Cheval Blanc, thương hiệu khách sạn nổi tiếng của tập đoàn LVMH cũng được khánh thành vào mùa thu năm ngoái, chiếm vị trí lý tưởng tại thủ đô Paris, nơi có cửa hàng lớn Samaritaine, ngay trước chân Cầu Mới (Pont Neuf). Chưa đầy một năm sau khi mở cửa, nhà hàng sang trọng này đã nhận được ba sao trên danh sách năm 2022 của sách hướng dẫn bìa đỏ Michelin.

Trước Louis Vuitton, thương hiệu thời trang Dior cũng đã mở cửa hàng kinh doanh ẩm thực. Nhà hàng cao cấp ''Dior / Des Lices'' chủ yếu nhắm vào giới có tiền đến nghỉ dưỡng tại Saint-Tropez vào mỗi mùa hè. Trạm nghỉ mát này chỉ có vài ngàn dân nhưng mỗi năm lại đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch. Đây cũng là nơi tập trung thành phần du khách cực kỳ giàu sang ghé thăm miền Nam nước Pháp ''French riviera'' bằng những du thuyền xa hoa đắt tiền.

Trong vài năm qua, hầu như tháng nào cũng có một thương hiệu thời trang thông báo rầm rộ ngày khai trương hàng quán có gắn logo của mình. Dường như đối với ngành thời trang, lãnh vực ẩm thực là một sân chơi ''mới'' có nhiều tiềm năng thu lợi, trong bối cảnh giới có tiền háo hức tiêu xài, sau hơn hai năm đại dịch, ít được đi chơi xa ở nước ngoài. Chuyện các hiệu thời trang cao cấp mở rộng kinh doanh sang ngành ẩm thực cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, nhưng chưa bao giờ hiện tượng này lại diễn ra rầm rộ như hiện nay.

Trường hợp gần đây nhất là Boss, thương hiệu thời trang Đức vừa mở quán cà phê có phục vụ thức ăn đầu tiên tại thủ đô Roma, hợp tác với quán bánh ngọt nổi tiếng lâu đời ''Vitti dal 1898'' gần quảng trường Piazza San Lorenzo in Lucina. Theo các khảo sát gần đây về thị trường hàng cao cấp, thành phần người tiêu dùng có sức mua cao, có xu hướng chi tiêu mạnh hơn trong các lãnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ lưu trú và nghệ thuật ẩm thực. Thêm vào đó, sự trỗi dậy của các mạng xã hội cũng nuôi dưỡng các trào lưu ẩm thực, thông qua các món ăn hay thức uống thời thượng. Điều đó thúc đẩy một số hiệu thời trang chuyển đổi các điểm kinh doanh kém hiệu quả thành tiệm ăn, nhà hàng. Việc đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh cũng tạo cơ hội cho các thương hiệu thời trang củng cố hình ảnh và vị trí của mình như một biểu tượng của nghệ thuật sống.

Dior trên đại lộ Montaigne : Trải nghiệm đa giác quan

Hiệu thời trang Dior của Pháp nắm bắt khá nhanh các xu hướng mới nơi người tiêu dùng, sau khi mở quán cà phê và nhà hàng tại Saint-Tropez, Tokyo, Seoul và Miami, tập đoàn Dior trong dự án trùng tu cửa hàng mẹ trên đại lộ Montaigne ở Paris, chẳng những đã mở thêm không gian triển lãm các bộ sưu tập thời trang như trong viện bảo tàng, mà còn khánh thành nguyên một ''nhà hàng cao cấp" mang tên Monsieur Dior, triệu mời nhà đầu bếp trứ danh Jean Imbert về điều hành đội ngũ làm bếp có tay nghề nhiều năm. Sau y phục thời trang, mỹ phẩm, đồ nội thất, trang sức đồng hồ, Dior mở thêm một cách khác trong lối trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống.

Trước Dior và Louis Vuitton, hiệu thời trang đầu tiên dấn thân mạo hiểm vào ngành ẩm thực chính là Armani, vào năm 1998. Trong hơn hai thập niên qua, hiệu thời trang Ý Armani đã mở khoảng 20 hàng quán trên toàn thế giới. Ngay sau đó Versace và Bulgari, sau khi thành công trong hai lãnh vực thời trang và mỹ phẩm, cũng đa dạng hóa các mảng hoạt động sang lãnh vực khách sạn và nhà hàng. Riêng thương hiệu ''Bvlgari'' tuy chỉ có 6 khách sạn trên thế giới, nhưng tập trung vào phân khúc cao nhất mỗi phòng  giá khoảng 1.500 euro/đêm. Việc chuyển sang lãnh vực ẩm thực cũng là một lựa chọn hiển nhiên đối với hiệu Chanel. Hiệu thời trang Pháp này đã hợp tác với đầu bếp trứ danh Alain Ducasse để mở một nhà hàng trên tầng cuối cửa hàng Chanel lớn nhất tại phố Ginza, thủ đô Tokyo. Tuy nhiên, Chanel chủ yếu khai thác thêm ngành ẩm thực đối với khách châu Á cách đây một thập niên, chứ không mạo hiểm trên các thị trường Âu Mỹ.

Sau Armani và Chanel, đến phiên Prada và Ralph Lauren cũng đã thực hiện những bước đầu tiên vào ngành ẩm thực và chủ yếu khai thác song song với các cửa hàng thời trang. Năm 2015, hiệu Burberry mở quán cà phê Thomas ở Luân Đôn, hoạt động một cách độc lập, chứ không nằm trong một quần thể đa năng hỗn hợp : nửa thời trang, nửa ẩm thực. Ngoài ra, phải kể đến trường hợp của Gucci. Công ty Ý đã mở rộng các dịch vụ ẩm thực của mình tại 4 thành phố quan trọng Los Angeles, Firenze, Tokyo và Seoul.

Tạo thêm doanh thu cho các thương hiệu thời trang

Ngoài việc gầy dựng uy tín, củng cố thương hiệu, mảng ẩm thực cũng là một cách để tạo thêm nguồn doanh thu cho các công ty, một yếu tố cần thiết trong thời kỳ hậu đại dịch. Ẩm thực cũng là một cách để chinh phục thêm khách hàng, nhất là thế hệ luôn có kết nối và thành thạo về các mạng xã hội. Thu hút được sự quan tâm của đối tượng này sẽ tạo thêm điều kiện kinh doanh. 

Giới trẻ có tầm ảnh hưởng quan trọng: họ thường hay đăng hình ảnh hay video trên mạng và điều đó có hiệu quả hơn nhiều so với các đợt quảng cáo truyền thống, khuyến khích người quen biết trong việc tiêu dùng sản phẩm. Tận dụng các trào lưu mới khá thịnh hành trong giới trẻ trên các mạng xã hội như Instagram hay TikTok, các hiệu thời trang sang trọng có thêm cơ hội để thu phục cảm tình của thành phần người tiêu dùng rất chú trọng đến trải nghiệm cá nhân về sức khỏe, du lịch hay ẩm thực. 

Hiện tượng các hiệu thời trang xâm nhập vào ngành ẩm thực cũng là một phần trong chiến lược mới của các công ty đầu tư. Các hiệu thời trang muốn chuyển đổi các điểm bán hàng truyền thống của họ thành những điểm đến khác lạ, không còn chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm thời trang, mà lại được thiết kế như một không gian đa chức năng, tạo ra những điểm nhấn thú vị, do thoạt nhìn không dễ gì kết hợp. Thông qua không gian ẩm thực, các hiệu thời trang, tiêu biểu là cửa hàng lớn của Dior ở Paris, mang đến cho khách hàng một kiểu trải nghiệm đa giác quan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.