Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Bạo động tại Pháp: Thiệt hại và mức độ nghiêm trọng đã vượt quá “kỷ lục” của năm 2005

Tính đến hết ngày hôm qua, 02/07/2023, số nạn nhân trực tiếp của các vụ phóng hỏa, đập phá, hôi của trong các vụ bạo động bùng lên tại Pháp từ hôm 27/06 sau vụ một thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết ở Nanterre, ngoại ô Paris, đã lên đến hàng nghìn người. Theo nhiều nhà quan sát, thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo động lần này trong không đầy 1 tuần lễ, đã vượt quá “kỷ lục” đáng sợ của năm 2005 với ba tuần bạo loạn.

Cảnh sát chống bạo động triển khai tại Paris, Pháp ngày 02/07/2023.
Cảnh sát chống bạo động triển khai tại Paris, Pháp ngày 02/07/2023. © REUTERS / JUAN MEDINA
Quảng cáo

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde, các vụ bạo động trong những ngày gần đây ở Pháp không còn liên quan nhiều đến cái chết của thiếu niên 17 tuổi tại Nanterre, và kể từ hôm 30/06, bạo loạn bùng lên tại hàng trăm thành phố và thị xã đã thay đổi về bản chất, với mức độ bạo lực cực kỳ cao, cường độ chưa từng thấy, từ những vụ cướp bóc cửa hàng, tấn công đập phá các cơ sở dịch vụ và phương tiện công cộng, thậm chí tấn công cả các đại biểu dân cử, tạo ra hàng nghìn nạn nhân trực tiếp của các vụ hỏa hoạn, hành hung, đập phá hoặc trộm cắp.

Theo tờ báo Pháp, các số liệu tuy nhiên không ghi nhận được những khoảng thời gian rất dài khi các nhóm bạo loạn chiếm lĩnh cả một khu phố, tấn công vào các dịch vụ công cộng hoặc các cơ sở thương mại ở trung tâm thành phố, gây hoảng loạn tại các thành phố lớn như Marseille, Lyon, Toulouse hay Strasbourg, ban đêm đã đành, mà thậm chí cả ban ngày, bất chấp một lực lượng cảnh sát đáng kể, với hơn 40.000 người được huy động, bao gồm cả các đơn vị đặc nhiệm như RAID hay GIGN, dùng đến cả xe bọc thép chống bạo loạn.

Bộ Nội Vụ Pháp ngày hôm qua (02/07) đã thống kê được hơn 5.000 chiếc xe bị đốt cháy, 10.000 vụ cháy thùng rác, gần 1.000 tòa nhà bị phóng hỏa, đập phá hoặc cướp phá, 250 vụ tấn công vào đồn cảnh sát hoặc hiến binh, hơn 700 nhân viên công lực bị thương. Điều chưa từng thấy là những kẻ bạo loạn cũng tấn công các đại biểu dân cử, như ở Pontoise (Val-d'Oise), Montluçon (Allier) hay L'Haÿ-les-Roses (Val-de-Marne).

Marseille ở miền nam nước Pháp là một trong số các thành phố lớn bị bạo loạn lần này. Trái với năm 2005, khi thành phố được bình yên vô sự, Marseille lần này đã bị ba đêm bạo động liên tiếp, với hơn 400 cửa hiệu bị đập phá và cướp bóc trong những ngày cuối tuần.

Theo đặc phái viên RFI Siam Spencer tại Marseille, vào sáng nay, nhiều chủ cửa hàng đã bị chấn động khi chứng kiến cơ sở của mình bị đập phá tan hoang:

“Ở trung tâm thành phố Marseille, trong tiếng máy khoan không ngớt, người ta đóng ván che lại những cửa kính bị đập vỡ hoặc bảo vệ những cửa sổ chưa bị phá. Đứng trước tủ kính của cửa hàng bị phá hủy vào cuối tuần, ông Xavier không khỏi giận dữ: “Tôi rất tức giận. Có người đã bị mất mạng rồi. Cửa hàng của tôi cũng chung số phận bị rút ruột giống như tất cả các cửa hàng khác. Đây là một vụ cướp bóc có tổ chức”.

Một người chủ khác là cô Sonia, ngồi một mình trong một góc của cửa hàng bán quần áo may sẵn cho nam giới của mình. Cửa hàng trống rỗng, các tủ kính vỡ tan. Những kẻ cướp chỉ để lại duy nhất một chiếc móc áo trên mặt đất. Cô Sonia cho biết: “Tôi rất bị sốc. Tôi không hiểu được là việc phá cửa hàng giúp ích gì cho họ”.

Đối diện với cửa hàng của cô Sonia, ở phía bên kia đường là một cửa hàng bán quần áo khác, nhưng lại không bị cướp. Anh Jérôme, chủ cửa hiệu tuy nhiên đã cho dọn hàng hóa đi nơi khác. Anh xác nhận: “Chúng tôi dọn hàng đi. Họ có thể phá cửa, nhưng sẽ không có gì để cướp”.

Cửa hàng bên cạnh bán vật dụng văn phòng cũng không bị cướp phá, nhưng bà chủ tên Dominique cho biết bị sốc trước số phận của các cơ sở kinh doanh trên con phố của bà: “Tôi đã ở đây 36 năm rồi. Khi tôi nhìn thấy mảnh kính vỡ ở khắp mọi nơi, những ma-nơ-canh hình nộm vương vãi mọi chỗ, tôi thấy thật thảm hại. Tôi đã bật khóc khi đến đây.

Chủ các cửa hàng không bị đập phá có kế hoạch mở cửa lại vào hôm nay, nhưng họ thú nhận cũng sợ bị mất tất cả trong những ngày tới.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.