Vào nội dung chính
PHÁP - NÔNG NGHIỆP - BIỂU TÌNH

Nông dân Pháp phong tỏa 8 đường cao tốc dẫn vào Paris để gây sức ép với chính phủ

Tám đường cao tốc dẫn vào thủ đô Paris bị « phong tỏa hoàn toàn » từ 14 giờ ngày 29/01/2024. Nghiệp đoàn nông nghiệp FNSEA và hội Nông dân trẻ vùng thung lũng Paris quyết định gây sức ép « vô thời hạn » với chính phủ để đòi có thêm biện pháp hỗ trợ.

French farmers use their tractors during a go-slow operation near Roissy Charles-de-Gaulle airport as they protest over price pressures, taxes and green regulation, grievances shared by farmers across
Đoàn xe kéo của các nông dân Pháp tiến vào phong tỏa gần sân bay quốc tế Roissy Charles-de-Gaulle, ngoại ô Paris, ngày 27/01/2024. REUTERS - BENOIT TESSIER
Quảng cáo

Ngày 23/01, chính phủ Pháp đã thông báo một số biện pháp hỗ trợ nông dân, như bỏ dự án giảm dần trợ cấp đối với dầu diesel được dùng nhiều trong nông nghiệp. Tuy nhiên, công đoàn nông nghiệp FNSEA, nghiệp đoàn chính, đánh giá là chưa đủ và kêu gọi tiếp tục gây sức ép với chính phủ.

Theo Cyrille Milard, chủ tịch nghiệp đoàn nhà nông Pháp FNSEA tỉnh Seine-et-Marne, hôm nay, 29/01, hàng trăm máy kéo, máy cày được huy động từ 17 tỉnh quanh Paris để chặn hai chiều giao thông tại 8 điểm. Nghiệp đoàn vùng thung lũng Paris lên kế hoạch chặn « nhiều trục quốc lộ » ở vùng Ile-de-France, nhưng không nêu rõ thời điểm.

Khoảng 15.000 cảnh sát được huy động trên khắp nước Pháp để bảo đảm lưu thông, cũng như an toàn cho người biểu tình. 

Nhiều nghiệp đoàn khác cũng đổ về vùng Paris hiệp lực, trong đó có nghiệp đoàn Coordination rurale tỉnh Lot-et-Garonne (miền nam) dự định phong tỏa khu chợ đầu mối quốc tế Rungis (ngoại ô Paris).

Quá trình chuẩn bị chi tiết được đặc phái viên RFI Baptiste Coulon ghi nhận qua phóng sự :

« Từ tỉnh Lot-et-Garonne đến Rungis, có nghĩa là phải ngược 700 km từ miền nam Pháp lên miền bắc với hành trình dài 15 tiếng. Bà Aurélie Armand, giám đốc nghiệp đoàn Coordination rurale tỉnh Lot-et-Garonne, giải thích về công tác tổ chức chi tiết để giữ được nhịp độ : « Chúng tôi có những nhà cung cấp nhiên liệu đi cùng để nạp cho máy kéo ». 

Có 50 máy kéo tham gia lúc xuất phát và hy vọng đến đích vào chiều thứ Ba 30/01 nếu không gặp khó khăn từ giờ đến lúc đó. Nhưng mọi thứ đã được chuẩn bị trước. Bà Armand cho biết tiếp : « Chúng tôi cũng có các công ty vận tải cử thợ máy đi theo vì chúng tôi biết là máy móc sẽ bị hỏng trên đường đi ».

Thế còn việc đồng áng như nào khi ở tận đầu bên kia nước Pháp ? Câu trả lời gói gọn trong từ : « Tương ái ». Bà giải thích : « Họ thu xếp giữa các thế hệ, giữa hàng xóm với nhau. Những người không thể tham gia biểu tình vì con cái chẳng hạn làm hộ hàng xóm để đoàn biểu tình được đông đảo ».

Đoàn máy kéo có thể sẽ mở rộng khi tiến gần đến Paris. Họ dự tính ở lại nhiều ngày. « Bám trụ » sẽ là khẩu hiệu và nhiều nghiệp đoàn ở các tỉnh khác đã dự kiến thay nhau tiếp sức ». Ông Jean-Pierre Clipet, tổng thư ký FNSEA tỉnh Pas de Calais, cho biết thứ Năm 01/02 là đến lượt họ : « Chúng tôi đã lập thời gian biểu. Ý tưởng là mỗi người có thể dành một ngày để bày tỏ bất bình, đồng thời vẫn có thời gian làm việc ở trang trại ». Nhà chăn nuôi bò sữa này báo trước là với cách làm này, họ có thể duy trì lâu dài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.