Vào nội dung chính
MACRON - TẬP CẬN BÌNH - CÔNG DU

Lãnh đạo Trung Quốc công du Pháp: Ukraina và Trung Đông là chủ đề trọng tâm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Pháp ba ngày, kể từ hôm nay, 05/05/2204. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc đến châu Âu kể từ đầu đại dịch Covid-19 năm 2019. "Các khủng hoảng quốc tế", trước hết là cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraina và xung đột Israel - Hamas, là các chủ đề trọng tâm.

Ảnh lưu trữ : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại khuôn viên dinh thự, từng là nơi ở và và làm việc của thân phụ lãnh đạo Trung Quốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 07/04/2023.
Ảnh lưu trữ : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại khuôn viên dinh thự, từng là nơi ở và và làm việc của thân phụ lãnh đạo Trung Quốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 07/04/2023. AFP - JACQUES WITT
Quảng cáo

Ông Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên (Peng Liyaun) đến Paris tối hôm nay. Sáng ngày mai, 06/05, một cuộc họp ba bên giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Trung Quốc sẽ diễn ra tại điện Elysée. Phủ tổng thống Pháp ra thông báo cho biết, chiều mai, sau phần nghi lễ tiếp đón chính thức, lãnh đạo cùng phái đoàn hai bên sẽ họp tại điện Elysée.

Pháp và Trung Quốc sẽ trao đổi về "các khủng hoảng quốc tế, trước hết là chiến tranh tại Ukraina và tình hình tại Trung Đông". Hai bên cũng sẽ thảo luận về "các hành động chung để đối phó với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là đại khủng hoảng khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái và tình hình tài chính của các quốc gia dễ tổn thương nhất". Các thảo luận Pháp - Trung cũng sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại, đặc biệt liên quan đến việc rào cản với doanh nghiệp Pháp tiếp cận thị trường Trung Quốc.

AFP dẫn lại các nguồn tin từ Paris cho hay trong các đối thoại giữa Pháp và cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, "điều then chốt" là nhấn mạnh với Bắc Kinh : thách thức số một trong quan hệ Âu - Trung là lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga chống Ukraina. Quan điểm của tổng thống Pháp là thuyết phục Trung Quốc tham gia "xây dựng hòa bình", bởi "Trung Quốc cũng không có lợi, nếu nước Nga phá hoại trật tự thế giới", điều mà lãnh đạo Pháp khẳng định trong bài trả phỏng vấn báo Anh, đăng tải ba ngày trước chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc.

Thứ Ba, 08/05, trong ngày cuối cùng của chuyến công du, điện Elysée cho biết tổng thống Pháp và phu nhân Brigitte Macron có kế hoạch mời chủ tịch Trung Quốc cùng phu nhân đến Bagnères-de-Bigorre, một ngôi làng ở vùng núi Pyrénées, miền nam nước Pháp, địa điểm gắn bó với tuổi thơ của ông Macron. Đây vừa là hành động đáp lễ việc tổng thống Pháp trong chuyến công du Trung Quốc năm 2023, được mời dùng tiệc trà tại nơi ở và làm việc của thân phụ lãnh đạo Trung Quốc ở Quảng Đông, cũng vừa "để tạo một không khí trao đổi thẳng thắn và thân tình giữa hai lãnh đạo và hai phu nhân", theo điện Elysée.

Trung Quốc muốn tránh quan hệ với châu Âu thêm căng thẳng

Về phía Bắc Kinh, vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này cho chuyến công du của lãnh đạo Tập Cận Bình ? Theo thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh, mục tiêu của Bắc Kinh là tránh để quan hệ với châu Âu thêm căng thẳng, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử Mỹ, do chiến tranh Ukraina và tranh chấp thương mại:  

‘‘Trong dịp kỉ niệm này, truyền thông Nhà nước Trung Quốc không phát đi những hình ảnh đen trắng thời tổng thống Pháp de Gaulle công nhận chế độ Mao Trạch Đông cách nay 60 năm, thay vào đó là chân dung về những người Pháp hợp tác với Trung Quốc, ví dụ như nhà công nghiệp Alain Mérieux, người vừa được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp trao tặng Huân chương Hữu nghị.

Thông qua các quan hệ mang nhiều tính cá nhân giữa chủ tịch Trung Quốc với người Pháp, Bắc Kinh muốn làm lu mờ đi một thực tế là tương lai của quan hệ song phương sẽ không xán lạn như thời điểm 1964. Sản phẩm Made in China của Trung Quốc tràn ngập thị trường đe dọa nền công nghiệp châu Âu, chiến tranh tại Ukraina, liên hệ mật thiết Trung - Nga khiến châu Âu giờ đây coi Trung Quốc như một mối đe dọa đối với thịnh vượng và an ninh của châu lục.

Để thay đổi một hình ảnh như vậy, Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến tình hữu nghị Pháp - Trung. Ông Shen Shiwei, làm việc tại đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN, chuyên về Dự án Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, nói: ‘‘Một cuộc gặp trực tiếp như vậy cho phép củng cố niềm tin song phương giữa Trung Quốc và Pháp, nhưng cũng là cả giữa Trung Quốc với châu Âu. Điều quan trọng là giúp cho quan hệ này được ổn định hơn’’.

Trung Quốc đang cần đến một quan hệ ổn định với châu Âu trong bối cảnh châu Âu chuẩn bị bầu cử Nghị Viện, và nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11. Theo bà Abigael Vasselier, giám đốc bộ phận châu Âu của viện tư vấn Đức chuyên về Trung Quốc Metrix (Mercator Institute for China Studies), ‘‘ông Tập Cận Bình muốn đưa quan hệ Trung Quốc - châu Âu đi theo chiều hướng tốt. Điều rất quan trọng đối với Bắc Kinh là có được một quan hệ tốt với các nước châu Âu trước cuộc bầu cử Mỹ.’’

Trong vòng công du châu Âu này, tiếp theo Pháp, ông Tập Cận Bình sẽ đến các nước có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Serbia và Hungary, vốn là hai quốc gia mà Bắc Kinh đánh giá cao, do thái độ giữ khoảng cách với khối NATO.’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.