Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Miến Điện : Nguy cơ nội chiến và hướng đến công bằng sắc tộc ?

Khoảng hai mươi lực lượng nổi dậy vũ trang của cộng đồng thiểu số Miến Điện bắt đầu ủng hộ phong trào « bất phục tùng dân sự » chống cuộc đảo chính. Những tộc người này luôn xung đột với chính quyền trung ương, do quân đội kiểm soát, từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948 để đòi tự chủ hơn và hưởng một phần tài nguyên dồi dào hoặc nguồn thu từ buôn bán ma túy.

Các thành viên Liên Minh Quốc Gia Karen tham gia phong trào biểu tình phản đối cuộc đảo chính, tại Papun, bang Kayin, Miến Điện, ngày 05/03/2021.
Các thành viên Liên Minh Quốc Gia Karen tham gia phong trào biểu tình phản đối cuộc đảo chính, tại Papun, bang Kayin, Miến Điện, ngày 05/03/2021. KIC NEWS PAGE via REUTERS - KIC NEWS PAGE
Quảng cáo

Liệu sự ổn định tạm thời nhờ thỏa thuận ngừng bắn từ vài năm nay có nguy cơ tan vỡ và đẩy Miến Điện đến nguy cơ nội chiến ?

Nguy cơ « nội chiến » ?

Từ bắc xuống nam, trụ sở cảnh sát lại trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng nổi dậy vũ trang như cách đây nhiều năm. Lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tấn công một đồn cảnh sát ở bang Kachin (cực bắc Miến Điện, giáp Trung Quốc) ngày 31/03. Trước đó một hôm, một đồn cảnh sát khác ở vùng Bago (phía đông nam) cũng bị trúng rocket khiến 5 cảnh sát bị thương. Chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng có nghi ngờ hướng về lực lượng Liên minh Quốc gia Karen (KNU) vì vào cuối tuần trước, lực lượng này tấn công một căn cứ quân sự ở bang Kayin (giáp Thái Lan) sát với vùng Bago.

Ba lực lượng nổi dậy khác, trong đó có lực lượng Quân đội Arakan (AA) hùng hậu, cũng đe dọa « hợp tác với người biểu tình và trả đũa » nếu tập đoàn quân sự « tiếp tục giết thường dân ».

Đoàn kết dân tộc chống tập đoàn quân sự

Cuộc đảo chính và hành động tàn bạo của tập đoàn quân sự đang đẩy những tộc người Miến Điện xích lại gần nhau, đoàn kết hơn. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với quá khứ khi người Bamar (chiếm đa số) luôn tự nhận là dân tộc thượng đẳng. « Hơn 1.000 nạn nhân chính trị », trong đó có « rất nhiều thủ lĩnh phong trào bất phục tùng dân sự » đang được lực lượng Liên minh Quốc gia Karen bảo vệ, theo phát ngôn viên của KNU được trích trong phóng sự ngày 30/03 của báo Libération. Vài nghìn người khác, chủ yếu là thành viên của « Quốc Hội ngầm » CRPH, giờ trở thành người tị nạn trong nước, đang ẩn náu tại nhà của người dân tộc Shan và Kachin ở miền bắc Miến Điện.

Saw Jay, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Miến Điện bảo vệ người Karen, nhận định với phóng viên của Libération, « việc người Bamar (dân tộc chiếm đa số) nằm dưới sự bảo vệ quân sự của các tộc người thiểu số làm thay đổi cán cân quyền lực truyền thống ở đất nước chúng tôi (Miến Điện). Kể từ giờ, một phần lớn cuộc đấu tranh chống tập đoàn quân sự dựa vào người thiểu số. Họ thường bị lãng quên nhưng giờ trở thành trung tâm bàn cờ chính trị ».

Những biểu ngữ « xin lỗi người anh em Rohingya », nạn nhân của tình trạng thanh lọc sắc tộc từ năm 2017 và bị làm ngơ dưới chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, cũng được giương cao trong các cuộc biểu tình chống đảo chính. Bác sĩ Sasa, người được bổ nhiệm làm đại diện của CRPH ở nước ngoài, hứa trả lại « công lý cho người Rohingya ». Nhiều người Bamar như tỉnh ngộ : « Người Rohingya bị trấn áp » không hoàn toàn là chính sách tuyên truyền của phương Tây. Nếu quân đội sẵn sàng bắn từ phía sau lưng người biểu tình, giết cả phụ nữ, trẻ em dưới 5 tuổi, thì họ có thể làm mọi chuyện ở những vùng hẻo lánh.

Hướng đến một nền dân chủ công bằng hơn cho mọi sắc tộc ?

Phong trào phản kháng không còn dừng lại ở xã hội dân sự. Trước một tập đoàn quân sự không tỏ ý nhân nhượng, coi thường trừng phạt quốc tế vì chỉ tập trung vào quyền lực, người biểu tình « đành phải kêu gọi các lực lượng vũ trang (của các sắc tộc thiểu số) trợ giúp ». Theo nhận định với AFP của bà Debbie Stothard, thuộc Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH), sự đoàn kết giữa các sắc tộc khác nhau để chống lại tập đoàn quân đội có « nguy cơ trở thành một cuộc nội chiến toàn diện ».

Đối với Thant Myint-U, nhà văn kiêm sử gia người Mỹ về Miến Điện, một kiểu cách mạng đang được hình thành. Chấm dứt chế độ của tập đoàn quân sự sẽ chỉ là bước đầu. Miến Điện cần một chương trình thay đổi tiến bộ hơn, vượt qua mọi chia rẽ sắc tộc để hướng đến một xã hội công bằng, tự do hơn cho mọi tộc người. Về phía những tộc người thiểu số, sát cánh với phong trào chống Tatmadaw có thể là cơ hội để họ được đối xử công bằng hơn và được công nhận là một phần của nhà nước liên bang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.