Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khi không có viện trợ của Mỹ, Ukraina có thể trông cậy vào châu Âu?

Khoản viện trợ hơn 60 tỷ đô la của Mỹ cho Ukraina vừa được thông qua sau hơn nửa năm bị chặn ở Quốc Hội là một nỗ lực lớn của Washington nhằm giải cứu Kiev giữa lúc khó khăn nhất kể từ đầu cuộc chiến tranh. Phần đông giới quan sát dự báo có thể đây sẽ là khoản viện trợ lớn sau cùng của Mỹ để giúp Ukraina không bị thua trong cuộc chiến tranh và cũng để tránh một thất bại chiến lược của phương Tây trong cuộc đọ sức với Nga. 

Ukraine's President Volodymyr Zelenskiy inspects newest samples of military equipment and weapons, amid Russia's attack on Ukraine, in Kyiv region, Ukraine, April 13, 2024
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy đi kiểm tra thiết bị và vũ khí của quân đội ở vùng Kiev, ngày 13/04/2024. via REUTERS - Ukrainian Presidential Press Ser
Quảng cáo

Việc dự luật viện trợ cho Ukraina chật vật được thông qua ở Hạ Viện trong khi đa số nghị sĩ đảng Cộng Hòa vẫn chống đối (112 nghị sĩ chống, 101 bỏ phiếu thuận), cùng với viễn cảnh bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay với sự quay trở lại của Donald Trump đang là là nỗi lo tiềm ẩn cho Kiev, dù tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Khi nguồn viện trợ của Mỹ có thể cạn tương lai cuộc kháng chiến Ukraina sẽ đi về đâu? Kiev có thể trông cậy vào đồng minh châu Âu ?

Thực tế, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraina nổ ra hồi tháng 02/2022, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã phân chia gánh vác nhiệm vụ hậu thuẫn cho Kiev về trang thiết bị quân sự, cũng nhưng các nguồn tài chính cần thiết để vận hành Nhà nước Ukraina với ngân khoản lên tới hàng trăm tỷ đô la, mà cuộc kháng chiến của Ukraina chống Nga ngày thêm khó khăn.

Mặc dù đã có rất nhiều tuyên bố của các lãnh đạo châu Âu bày tỏ quyết tâm đi cùng người Ukraina đến chiến thắng cuối cùng, nhưng hành động cụ thể thì lại thiếu. Có thể đơn cử một ví dụ mới nhất liên quan đến việc chia sẻ hệ thống phòng không hiện đại cho Kiev, vào lúc mà tên lửa và drone của Nga oanh kích hàng ngày vào các thành phố và hệ thống hạ tầng cơ sở trọng yếu của Ukraina.

Nhận thức được mối nguy hiểm đang đe dọa Ukraina, các nước châu Âu đang cố gắng tập hợp để giúp Kiev. Nhưng dường như các nỗ lực không dễ thành hiện thực. Trong cuộc họp Hội Đồng Châu Âu hôm 17 và 18 tháng 4, những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ của các nước trong Liên Hiệp tỏ ra thận trọng, chỉ đưa ra hứa hẹn tối thiểu. Chỉ có thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, Mark Rutte, cho biết ông sẵn sàng mua lại thiết bị do một số quốc gia nắm giữ để chuyển chúng sang Ukraina.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh này, Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cũng khuyến khích các nước thành viên châu Âu của Liên minh lấy trong kho vũ khí của họ để và chuyển đến Kiev. Ông khẳng định hỗ trợ phòng không của Ukraina là một ưu tiên lúc này.

Cho đến giờ, mới chỉ có Đức đã cung cấp 2 trong số 12 hệ thống Patriot của họ và bảo đảm cấp thêm một hệ thống thứ ba cho Ukraina. Thủ tướng Olaf Scholz khuyến khích các đồng minh châu Âu làm điều tương tự.

Tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng châu Âu hôm qua (22/04) ở Luxembourg, vấn đề chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraina đã được đặt ra, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở thảo luận. Không một quyết định hay cam kết rõ ràng nào được đưa ra. Theo các nguồn tin ngoại giao, các nước đang có các hệ thống Patriot như vậy, khoảng một chục nước, đều lảng tránh đề nghị hoặc từ chối với lý do phải duy trì khả năng phòng không của chính mình, mặc dù tất cả đầu nhận thức được cần phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

Khả năng châu Âu thay thế Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraina đã được chứng minh trong những tháng qua. Một nửa năm gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la bị chặn lại ở Quốc Hội Mỹ, cũng là thời gian ở trong châu Âu quyết tâm hậu thuẫn Ukraina có vẻ chùng xuống. Tiến độ cung ứng vũ khí, đạn dược bị chậm lại, không bảo đảm về thời hạn và số lượng như đã hứa.

Trả lời phỏng vấn trên trang tin bienpuplic.com, ông Léo Peria-Peigne, nhà nghiên cứu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri, nhận định : « Châu Âu đã thất bại trong việc thay thế Mỹ để giúp Ukraina. Kết quả là Ukraina giờ đây đang trong tình trạng khó khăn, tình hình mặt trận còn tồi tệ nữa vì thiếu trầm trọng nguồn viện trợ Mỹ mà châu Âu không thể bù đắp được. Hiện tại, châu Âu không có khả năng để chuyển giao đủ đạn pháo và đạn phòng không để giúp Ukraina tự vệ, cũng như bẻ gẫy các cuộc tấn công của của Nga ».

Không có viện trợ của Hoa Kỳ, châu Âu sẽ phải lo cho Ukraina, đó gần như là một trách nhiệm mặc định cho Liên Hiệp Châu Âu. Trong trường hợp Hoa Kỳ để lại khoảng trống ở Ukraina, liệu châu Âu có thể lấp đầy ? Đó vẫn là câu hỏi không có lời giải. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.