Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Di tản khỏi Afghanistan: Phương Tây chạy đua với thời gian

Từ khi thủ đô Afghanistan bị phe Taliban chiếm hôm 15/08/2021, sân bay Kabul trở thành lối thoát cuối cùng ra khỏi đất nước này của hàng ngàn kiều dân nước ngoài và người Afghanistan. Chiến dịch di tản chủ yếu do các nước phương Tây tiến hành. Các nước này đang phải chạy đua với thời gian, vì cuộc di tản ngày càng trở nên rối ren hỗn loạn, có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế.

Hàng rào thép gai được lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ dựng lên để bảo đảm an ninh cho các chuyến bay di tản ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20/08/2021.
Hàng rào thép gai được lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ dựng lên để bảo đảm an ninh cho các chuyến bay di tản ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20/08/2021. AP - Lance Cpl. Nicholas Guevara
Quảng cáo

Có thể vì Kabbul thất thủ quá nhanh mà chiến dịch di tản hiện nay do các nước phương Tây tiến hành ở Afghanistan đã diễn ra bị động, thiếu phương tiện, không có tổ chức, điều phối đồng bộ. Một tuần sau khi Taliban kiểm soát Kabul, hàng nghìn người Afghanistan muốn chạy khỏi đất nước bằng các chuyến bay của các nước phương Tây đến sơ tán kiều dân của mình. Đó là những người từng làm việc cho các cơ quan, tổ chức của phương Tây, cùng gia đình của họ, và cả nhiều người cảm thấy sẽ bị đe dọa tính mạng dưới chế độ Taliban. Dòng người di tản ngày thêm đông này đổ về sân bay Kabul với hy vọng tìm được chỗ trên các chuyến bay chật kín người. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu tuần trước đã đánh giá « đây là chiến dịch di tản bằng đường hàng không lớn nhất lịch sử » và đồng thời cũng khó khăn nhất.

Từ hôm 15/08, sân bay Kabul là điểm nóng nhất tại Afghanistan, với không khí hỗn loạn không kiểm soát được. Trong khi đó sức ép về phương tiện vận tải ngày càng đè nặng lên các nước tổ chức di tản. Đã có nhiều người chết trên đường ra sân bay cuối tuần qua.

Theo AFP, tổng cộng 6.000 quân Mỹ kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul. Đây là trung tâm đầu não của hàng không dân dụng cũng như quân sự của Afghanistan. Từ khi Taliban chiếm Kabul, tất cả các chuyến bay thương mại bị ngừng. Toàn bộ hoạt động không lưu do quân đội Mỹ kiểm soát. Chỉ có các máy bay quân sự được đi đến sân bay để tổ chức di tản thường dân nước ngoài hay Afghanistan. Có thể nói toàn bộ hoạt động sơ tán người nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chỉ còn hơn một tuần nữa đến ngày 31 tháng 8, trên nguyên tắc là hạn cuối cùng quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Điều này đang gây lo lắng cho các đồng minh, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm 21/08, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu đã bày tỏ lo ngại : « Nếu người Mỹ ra đi, các nước châu Âu không có khả năng quân sự để chiếm lĩnh và bảo đảm an ninh sân bay, và Taliban sẽ nắm quyền kiểm soát ». Về phần mình, thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập khẩn cấp một cuộc họp trực tuyến giữa các nước thành viên G7 vào ngày mai 24/08 để tìm giải pháp cho cuộc di tản lớn tại Afghanistan. Theo ông Johnson, « điều sống còn là cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hợp tác để bảo đảm các đợt di tản an toàn ».

Vấn đề ở chỗ là quân Hoa Kỳ hiện đang phải kiểm soát rất chặt lối vào sân bay, vì sợ khủng bố trà trộn trong dòng người di tản, tấn công người Mỹ.

Trước mối lo và sức ép của các nước đồng minh, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã tuyên bố để ngỏ khả năng duy trì quân Mỹ tại Afghanistan sau ngày 31/08.  Một thách thức khác đó là chiến dịch di tản phải thực hiện bằng các máy bay vận tải quân sự, nên dẫn đến tình trạng thiếu máy bay.  Lấy thí dụ trường hợp của Pháp, từ khi lập cầu không vận đặc biệt để di tản kiều dân và người Afghanistan, mới chỉ có 4 chuyến bay về Paris với tổng cộng 500 người.

Từ ngày 14/08, đã có khoảng 30.300 người được di tản khỏi Afghanistan, theo con số của Nhà Trắng. Trong khi đó Washington hy vọng đưa được 15.000 người Mỹ và từ 50.000 đến 60.000 người Afghanistan cùng với gia đình của họ ra khỏi đất nước giờ đã nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Hôm qua, bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo đã ra lệnh trưng dụng các máy bay của nhiều hãng hàng không tư nhân để hỗ trợ chiến dịch di tản.

Lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu Josep Borrell nhận định : « Người Mỹ muốn đưa 60 nghìn người ra khỏi đó trước khi hết tháng 8. Chắc chắn là không thể được ». Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thừa nhận « chúng tôi đang chiến đấu với cả thời gian và không gian ».

Trong khi đó, hôm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phải ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Afghanistan, vì trong số đó có thể có những « chiến binh » khủng bố giấu mình trong dòng người chạy khỏi Afghanistan, mà theo đánh giá của ông có thể lên đến hàng triệu người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.