Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khủng hoảng di dân Belarus-Ba Lan, thêm một thử thách cho sự đoàn kết Liên Âu

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng ở châu Âu liên tục phát đi những hình ảnh thảm cảnh của hàng nghìn người tị nạn đổ về biên giới phía tây Belarus cố tìm đường vào Ba Lan nhưng bị hàng rào quân đội chặn lại. Làn sóng di dân đổ từ Belarus sang, kéo dài từ nhiều tháng nay, giờ không còn là chuyện của hai nước mà là vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu, khiến Bruxelles không còn có thể thờ ơ.

Di dân dựng lều ở gần biên giới Ba Lan và Belarus để chờ cơ hội vượt biên vào Liên Âu, ngày 10/11/2021.
Di dân dựng lều ở gần biên giới Ba Lan và Belarus để chờ cơ hội vượt biên vào Liên Âu, ngày 10/11/2021. via REUTERS - BelTA
Quảng cáo

Từ mùa hè năm nay, các nước Litva, Latvia và Ba Lan bỗng nhiên bị áp lực lớn bởi làn sóng dân di cư đổ từ Belarus sang. Đã có hàng nghìn người vượt qua biên giới Belarus vào được các nước trong Liên Âu. Đến giờ, dòng người di dân tiếp tục đổ về biên giới, nhưng họ đang bị kẹt lại giữa những cánh rừng bên kia biên giới Ba Lan. Làn sóng di dân lần này gợi nhắc lại cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria ùn ùn kéo vào châu Âu năm 2015. Nhưng lần này có sự khác biệt cả về quy mô cũng như tính chất.

Ngay từ đầu, NATO và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã nhận ra rằng tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko sử dụng vấn đề di dân như là công cụ gây sức ép với phương Tây. Theo các nhân chứng trong đoàn người nhập cư đến từ Afghanistan hay Trung Đông, họ đến được Minsk bằng đường hàng không rồi sau đó được chính quyền Belarus hướng dẫn để đến tận cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu. Không có gì khó hiểu cho hành động như vậy. Chính quyền của Alexandre Loukachenko muốn trả đũa các trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Belarus từ hồi tháng 5/2021, sau vụ Minsk ép hạ cạnh chiếc máy bay của hãng hàng không Ryanair để bắt một nhân vật đối lập. Hàng loạt các tuyến hàng không nối với Minsk đã bị hủy do lệnh trừng phạt của phương Tây, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho Belarus.

Chế độ Minsk biết rõ là cách tốt nhất với họ bây giờ là gây áp lực, hay trả thù Bruxelles bằng cách khơi dậy mối lo sợ làn sóng di dân. Cuộc khủng hoảng di dân 2015 với quy mô lớn hơn nhiều, cả triệu người người tràn vào châu Âu đã làm cho Liên Âu chia rẽ sâu sắc và tốn kém rất nhiều tiền bạc mới xử lý cho tạm yên.

Trước tình hình có thể biến chuyển thành cuộc hoảng mở về di dân, Bruxelles đã ý thức làn sóng nhập cư này không dừng lại ở biên giới Belarus-Ba Lan. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, hôm thứ Hai (08/11) đã kêu gọi các nước thành viên thông qua loạt trừng phạt mới đối với chính quyền Belarus. 

Lập trường cứng rắn của Liên Âu ngay lập tức đã được nhiều nước thành viên như Đức, Pháp hưởng ứng và nhìn nhận ý đồ của Minsk như là hành vi « buôn người nhập cư » nhằm làm mất ổn định Liên Âu. Trong cuộc họp tới vào ngày 15/11, các ngoại trưởng của 27 nước châu Âu sẽ bàn về các trừng phạt mới đối với Belarus.

Nhiều nước kêu gọi trừng phạt hãng hàng không Belarus Belavia và các hãng bay của một số nước khác trong đó chủ yếu của Thổ Nhĩ Kỳ và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã can dự vào chuyên chở người nhập cư đến Minsk. Liên Âu cũng sẽ kéo dài danh sách trừng phạt quan chức Belarus.

Những biện pháp trừng phạt không bao giờ giải quyết được căn nguyên vấn đề. Như mọi cuộc khủng hoảng khác, Liên Âu cần sự phối hợp thống nhất trong các nước thành viên, mà khởi đầu là với Ba Lan. Là nạn nhân và là nước trên tuyến đầu bảo vệ sự ổn định và an ninh của cả khối, nhưng Ba Lan lại đang có những mâu thuẫn sâu sắc với cả Liên Hiệp về vấn đề Nhà nước pháp quyền.

Đến lúc này, Vacxava vẫn từ chối sự trợ giúp của châu Âu, đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan nhìn thấy cuộc khủng hoảng như là cơ hội để khẳng định sự tự chủ tư pháp đối với Liên Hiệp. Chính phủ Ba Lan quay sang cầu viện NATO hỗ trợ, đồng thời chủ trương các biện pháp mạnh : ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới, cấm các tổ chức nhân đạo và truyền thông vào hiện trường hay tăng cường quân đội để đẩy người nhập cư ra khỏi lãnh thổ …

« Chính phủ Ba Lan đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng này khi biến nó thành vấn đề an ninh quốc gia và đa số các quốc gia thành viên thì nhắm mắt làm ngơ trước việc Ba Lan vi phạm luật pháp châu Âu và quốc tế », nhà nghiên cứu Matthieu Tardis, thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp (Ifri) phân tích trên nhật báo La Croix. Chuyên gia này khẳng định « để đối phó với hành động bắt chẹt bằng di dân, cách tốt nhất để trả lời sẽ phải là một chính sách chung của châu Âu trong lĩnh vực tiếp nhận và quyền tị nạn, di cư ».

Hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đến Vacxava để thảo luận với Ba Lan về « cuộc khủng hoảng ở biên giới EU ». Liên Âu có xử lý được cuộc khủng hoảng di dân nhạy cảm này không ? Đa phần giới quan sát đều nhận thấy, điều tồi tệ nhất sẽ là sự chia rẽ lại xuất hiện trong Liên Hiệp và nạn nhân đầu tiên sẽ vẫn là số phận của những con người tuyệt vọng đang bị kẹt trong cái bẫy di dân ở biên giới Belarus-Ba Lan. Kẻ thắng lớn vẫn lại là chế độ độc tài ở Minsk. Cuộc khủng hoảng lần này còn trong diện hẹp, nhưng là bài trắc nghiệm thực địa lớn về địa chính trị cho Liên Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.