Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga tranh thủ khủng hoảng Ukraina để kiểm soát Belarus ?

Trong cuộc khủng hoảng Ukraina đang diễn ra, không ai còn nghi ngờ về mục tiêu sau cùng của tổng thống Vladimir Putin là « hút lại » các nước cựu thành viên Xô Viết và thiết lập ảnh hưởng độc tài đối với các nước Trung Âu. Cách thức thực hiện của Putin là lựa lách giữa những ràng buộc và cơ may ông phải đối mặt. Chiến thuật này được nguyên thủ Nga áp dụng một cách linh hoạt : trong khi chờ xâm chiếm Ukraina, thì « nuốt chửng » Belarus.  

Ảnh tư liệu: Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Belarus, Alexandre Loukashenko sau cuộc gặp tại Kremlin, Matxcơva ngày 09/09/2021.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Belarus, Alexandre Loukashenko sau cuộc gặp tại Kremlin, Matxcơva ngày 09/09/2021. REUTERS - Shamil Zhumatov
Quảng cáo

Trên trang mạng the Heritage Foundation, ông Silvie Nate, giám đốc Global Studies Center tại trường đại học Lucian Blaga, ở Sibiu, Rumani và James Jay Carafano, phó chủ tịch Viện Kathryn and Shelby Cullom Davis, trước hết lưu ý, Vladimir Putin là một người rất thực tế và thực dụng.   

Chủ nhân điện Kremlin hiểu rằng các đời Nga hoàng chưa bao giờ áp đặt được điều gì phương Tây. Các nhà lãnh đạo Xô Viết cũng vậy, từ thời Lênin, đã ý thức được những giới hạn về quyền lực của họ. Nhưng Putin lại ở trong thế yếu nhất trong số họ, dù ông có trong tay một quân đội hùng mạnh, đông đảo khách hàng khí đốt và dầu hỏa, và nhất là lúc này có một người bạn « thân thiết » Bắc Kinh.   

Nhưng trong bối cảnh thế giới ngày càng có xu hướng phân hóa thành hai cực, cuộc đọ sức Mỹ - Trung mỗi lúc một gay gắt, Vladimir phải tìm cách đạt được điều mình muốn và tránh bị cô lập địa chính trị cũng như bị rơi vào thế ngoại vi. Do vậy, chủ nhân điện Kremlin phải tìm cách thách thức an ninh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương, buộc khối này phải có một thỏa hiệp địa chính trị mà không vượt quá khả năng của mình.   

Hơn nữa, Vladimir Putin chia sẻ cùng một quan điểm với ông Alexandre Dugin, nhà phân tích chính trị và chiến lược gia, nhà sáng lập đảng Bôn-sê-vic Quốc gia, cho rằng « một châu Âu hội nhập, tự do và hòa bình » là phi tự nhiên, phi thực tế và không bền vững. Vị chuyên gia này luôn ám ảnh về sự phân chia ý thức hệ và văn minh giữa không gian Á-Âu với phương Tây. Và từ nhiều năm qua, ông cho rằng Ukraina phải bị chia cắt.  

Thế nên, đối với Vladimir Putin, thời gian cho hành động không còn nhiều. Đây là quãng thời gian lý tưởng cuối cùng và tuyệt vời nhất để biến mục tiêu đó thành hiện thực. Tổng thống Nga cho rằng đồng nhiệm Mỹ Joe Biden là một vị lãnh đạo yếu đuối và kém cỏi. Nguồn dự trữ ngoại tệ của Mỹ chưa bao giờ cao hơn của Trung Quốc, vốn dĩ cũng chia sẻ cùng một quan điểm là châu Âu suy yếu, chia rẽ và đã chín muồi để khai thác.  

Trong hoàn cảnh này, Putin sẽ làm mọi cách tránh làm suy yếu nước Nga. Và chiến lược thấy rõ của ông là tìm cách tối đa hóa các kết quả địa chính trị. Nghĩa là Vladimir Putin sẵn sàng làm thay đổi các chế độ - hoặc qua đàm phán hoặc bằng vũ lực nếu cái giá phải trả là chấp nhận được. Do vậy, ông muốn sự thay đổi này phải được diễn ra với một chi phí thấp nhất có thể và tối đa hóa lợi ích địa chính trị trong mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Hoa Kỳ.   

Từ tầm nhìn này, chân trời hành động của tổng thống Nga rộng hơn rất nhiều, không chỉ có ở Ukraina. Trong khi chờ đợi, trước hết Belarus đã phải nằm trong « túi áo » Nga. Lấy danh nghĩa tiến hành tập trận chung, Matxcơva huy động đến 30 ngàn quân nhân và triển khai dàn tên lửa Iskander, có tầm bắn xa đến 400 km, có một quy mô lớn chưa từng có. Hệ thống phòng không này còn có thể đe dọa một phần lớn lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu.   

Việc tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko tuyên bố quân đội nước này là « sự mở rộng của quân đội Nga » cũng như việc ông thay đổi lập trường cho rằng bán đảo Crimée là thuộc Nga đủ cho thấy Belarus đã « bị mất chủ quyền về chính trị và quân sự » như nhận định của Pavel Usov, nhà chính trị học người Belarus hiện ở Vac-xa-va với tuần báo Pháp L’Express. Nhà chính trị học này còn lưu ý thêm rằng từ một năm qua, Nga đã hoàn thành nhiều mục tiêu chiến thuật ở Belarus. Nếu như việc sáp nhập bán đảo Crimée chỉ mất có một tháng, thì sự hội nhập của Belarus vào Nga là một tiến trình chậm rãi và bị che giấu.  

Từ những quan sát này, giới phân tích cho rằng bất kể kết quả cuộc khủng hoảng ở Ukraina có như thế nào, ông Putin cũng không rời khu vực này với bàn tay trắng. Với việc kiểm soát được Belarus, nước Nga của ông Putin vẫn sẽ tiếp tục quấy rối Ukraina, ở toàn bộ phần biên giới phía bắc. Thế nên, không có gì bảo đảm là căng thẳng sẽ hạ nhiệt, Nga sẽ dừng lại. Ngược lại, Nga sẽ có nhiều không gian hơn để gắn kết các mối đe dọa, như kết luận của hai nhà nghiên cứu trên trang mạng the Heritage Foundation.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.