Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khủng hoảng Ukraina : Trước thượng đỉnh Scholz-Putin, Đức tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Nga

Vào đúng ngày thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Matxcơva để “hòa đàm” với tổng thống Nga Vladimir Putin, Matxcơva đã chính thức loan báo việc bắt đầu rút bớt quân đội ra khỏi vùng giáp giới với Ukraina.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022. AP - Mikhail Klimentyev
Quảng cáo

Dù Điện Kremlin vẫn khẳng định đây chỉ là diễn biến của một “tiến trình bình thường”, nhưng giới quan sát đã gắn liền động thái này với lập trường cứng rắn rõ rệt của Berlin đối với Matxcơva trên vấn đề Ukraina, đặc biệt là sự thay đổi thái độ thường bị gán là thân Nga của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, đảng của chính thủ tướng Scholz. 

Kể từ khi từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng với Ukraina, chính phủ Đức thường xuyên bị hoài nghi là thiếu quyết đoán trước các đe dọa xâm lược Ukraina của Nga, vốn bị cả phương Tây lên án. Thái độ gọi là “khoan dung” này của Berlin bị cho là xuất phát từ việc đảng Dân Chủ Xã Hội Đức - đảng chủ chốt trong liên minh đang cầm quyền - luôn bị cáo buộc là thân Nga.  

Chính trong bối cảnh đó mà thủ tướng Olaf Scholz đã phải liên tiếp chứng tỏ rằng nước Đức không hề quỵ lụy trước áp lực của Nga và luôn luôn sát cánh cùng các đồng minh trên vấn đề Ukraina.  

Động thái gần đây nhất chính là tuyên bố cứng rắn của ông Scholz tại Kiev một hôm trước ngày đến Matxcơva. Thủ tướng Đức đã cảnh cáo rằng Nga sẽ bị những biện pháp trừng phạt kinh tế thật nặng nề nếu tấn công Ukraina. Sức ép của thủ tướng Đức được cho là rất có trọng lượng đối với Nga vì lẽ Berlin là đối tác thương mại số một của Matxcơva ở châu Âu và là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga.  

Ngoài áp lực đến từ đương kim chính phủ Đức, Nga còn bị áp lực từ chính đảng SPD đang cầm quyền tại Đức, với một sự kiện hiếm hoi là chính tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một nhân vật rất uy tín trong đảng, vừa tái đắc cử hôm 13/02 cho một nhiệm kỳ mới, đã không ngần ngại lên tiếng kêu gọi đồng nhiệm Nga Putin lui binh. 

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 14/02, trong diễn văn nhậm chức của mình, ngoài những lời cảm ơn thông thường, ông Steinmeier đã kêu gọi tổng thống Nga là hãy “nới lỏng giây thòng lọng khỏi cổ Ukraina” để cùng với Đức “tìm ra cách để gìn giữ hòa bình ở châu Âu”. Tổng thống Đức còn nói thêm: “Nếu chẳng may nổ ra một cuộc chiến tranh ở Đông Âu, Nga phải chịu trách nhiệm”. 

Đối với Le Monde rất hiếm khi một tổng thống Đức, với vai trò chủ yếu là danh dự - lại can dự vào chính sách đối ngoại của đất nước, thậm chí, ông còn công khai thách thức một nguyên thủ quốc gia khác. 

Việc ông lên tiếng chứng tỏ quyết tâm của Berlin trong việc gây sức ép trên Matxcơva, một sức ép càng hiệu quả hơn khi bản thân ông Steinmeier lại là một người từ lâu đã được xếp vào nhóm “Russlandversteher” (“những người thông cảm với Nga”), một thuật ngữ thường được sử dụng ở Đức để chỉ trích các lãnh đạo chính trị bi cho là khoan dung quá mức đối với Điện Kremlin. 

Theo Le Monde, trước hai chuyến công du của thủ tướng Olaf Scholz đến Kiev rồi đến Matxcơva, bài phát biểu của ông Steinmeier có mục đích kép. Trước hết phản bác những người, trong những tuần gần đây, đã đánh giá rằng chính phủ Đức thiếu đoàn kết với Ukraina bằng cách từ chối giao vũ khí cho nước này và không nói rõ tương lai của đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ ra sao trong trường hợp một cuộc tấn công của Nga. 

Mục tiêu thứ hai là nhằm khẳng định lập trường đoạn tuyệt với một nhân vật quan trọng khác trong đảng SPD, là cựu thủ tướng Gerhard Schröder, một người thân Nga đến mức mà vào ngày 28 tháng 1 vừa qua đã cáo buộc NATO chịu trách nhiệm cho sự leo thang, trong khi Nga thì "không có lợi ích gì khi can thiệp quân sự vào Ukraina”. 

Tuyên bố này của ông Schröder từng bị phó chủ tịch SPD, Kevin Kühnert, miêu tả là “nhảm nhí”, và bị thủ tướng Scholz phủ nhận khi cho rằng: “Ông  Schröder không làm việc cho chính phủ và không phát biểu nhân danh chính phủ”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.