Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina: Belarus sẽ tham chiến bên cạnh Nga?

Lệ thuộc hoàn toàn vào Nga từ chính trị đến kinh tế, chính quyền của tổng thống Alexandre Loukachenko đã sẵn sàng dành một phần lãnh thổ Belarus làm hậu cứ để tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông tại Ukraina. Từ nhiều ngày qua, trong bối cảnh cuộc chiến tại vùng miền đông Ukraina diễn ra khốc liệt, đã có nhiều động thái cho thấy Minsk có thể sẽ còn đi xa hơn trong việc giúp Kremlin đạt được mục tiêu ở Ukraina.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tiếp xúc với đồng nhiệm Belarus Alexander Lukachenko tại Saint Petersburg (Nga), ngày 25/6/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tiếp xúc với đồng nhiệm Belarus Alexander Lukachenko tại Saint Petersburg (Nga), ngày 25/6/2022. via REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Không có gì ngạc nhiên về sự ủng hộ không lay chuyển của Alexandre Loukachenko đối với Vladimir Putin ngay từ đầu cuộc tấn công Ukraina. Ông Loukachenko vẫn mang món nợ lớn với chủ nhân điện Kremlin. Lên cầm quyền từ năm 1994, nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống bị cho là gian lận hồi tháng 8/2020, ông Loukachenko bị phong trào dân chúng nổi dậy đòi lật đổ.

Đúng thời điểm đó, Kremlin đã ném chiếc phao cứu sinh, giúp Loukachenko giữ được sinh mệnh chính trị và quyền lực. Matxcơva còn hứa sẵn sàng đưa quân đội vào nếu cần thiết. Chính quyền độc tài Minsk đã thoát hiểm nhưng suy yếu, sự tồn tại dựa hoàn toàn vào điện Kremlin.

Trên tuần báo Pháp L’Express, chuyên gia về nước Nga hậu Xô Viết Galia Ackerman nhận định: “Ông Alexandre Loukachenko biết rõ là nhân dân không còn muốn ông lãnh đạo nữa, sự tồn tại chính trị của ông giờ nằm trong tay Vladimir Putin”.  

Sau 4 tháng, Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh không hề đơn giản. Các nguồn lực huy động cho cuộc chiến tranh tại Ukraina bị hao tổn đáng kể, để đạt được mục tiêu đề ra, khả năng Matxcơva kéo Minsk vào cuộc chiến cùng với Nga giờ đang là một giả thuyết rất nghiêm túc được giới chuyên gia đặt ra.  

Vài giờ trước cuộc gặp giữa ông Loukachenko và Putin tại Saint Petersbourg hôm 25/06 vừa rồi, hàng loạt tên lửa Nga từ đất Belarus đã oanh kích căn cứ quân sự Desna ở miền bắc Ukraina. Cùng ngày tổng thống Nga thông báo “trong những tháng tới “ sẽ giao cho Belarus loại tên lửa Iskander-M, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Viễn cảnh Belarus được trang bị vũ khí hạt nhân giờ hoàn toàn có thể, vì Hiến Pháp mới mà chính quyền Minsk cho thông qua hôm 27/02 năm nay bằng trưng cầu dân ý giả tạo, đã xóa bỏ điều khoản Belarus thuộc “vùng phi hạt nhân”. Tuy nhiên việc Nga có trang bị vũ khí hạt nhân cho Belarus hay không là chuyện lâu dài và khác. Không dễ gì Matxcơva để một chính quyền chưa thể tin cậy được, hoàn toàn lại kiểm soát thứ vũ khí chiến lược này.  

Những ngày gần đây khi chiến sự ở miền đông đang bước vào giai đoạn quyết định với Nga, xuất hiện thêm nhiều động thái cho thấy tổng thống Loukachenko quyết tâm kề vai sát cánh với Putin trong cuộc xâm lược Ukraina. Trong diễn văn nhân ngày kỷ niệm Liên Xô giải phóng Minsk trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ II, ông Loukachenko khẳng định lại: Belarus “đang và sẽ tiếp tục ủng hộ toàn diện Nga” trong cuộc chiến tranh với Ukraina và rằng Nga và Belarus trên “ thực tế là một  quân đội thống nhất “. 

Tổng thống Ukraina Zelensky cho biết những tuyên bố của lãnh đạo Belarus là một “tín hiệu nguy hiểm”,  cần chú ý theo dõi sát hành động của Minsk. Một số quan chức Ukraina đã nêu khả năng Belarus sắp tới có thể trực tiếp can dự vào cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên một quan chức của tình báo Ukraina tuần trước đã nhận định rằng nguy cơ Belarus trực tiếp đưa quân vào Ukraina là thấp.

Theo chuyên gia Franak Viacorka, cố vấn của lãnh đạo đối lập Belarus, Svetlana Tsikhanovskaïa, đang lưu vong,  được Le Monde trích dẫn , “gây áp lực để buộc Loukachenko đưa quân vào Ukraina là trò bịp. Quân đội Belarus ít kinh nghiệm cũng như động cơ chiến đấu. Cung cấp hạ tầng cơ sở cho hậu cần phục vụ chiến tranh hiệu quả hơn là đưa vài nghìn binh sĩ rệu rã vào chỗ chết”.  

Theo giới quan sát, bản thân ông Loukachenko và chính quyền Minsk không thực sự quyết tâm tham chiến bên cạnh Nga còn vì lý do nội bộ. Một cuộc can thiệp quân sự  trực tiếp của Belarus có nguy cơ làm dấy lên làn sóng nổi dậy của dân chúng chống lại tổng thống.  

Hiện đang phải dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraina, liệu Matxcơva có còn bận tâm đến việc giữ chính quyền cho Loukachenko? 

Vẫn nằm trong vòng kiểm soát của Kremlin nhưng ông Loukachenko cố gắng không đi quá xa để rồi không có đường lùi.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.