Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mỹ, Nhật đẩy mạnh hợp tác an ninh do kịch bản chiến tranh đang cận kề?

Hiếm khi nào Hoa Kỳ và Nhật Bản nêu đích danh Trung Quốc là « thách thức lớn nhất » về chiến lược. Trong cuộc họp báo chung hôm 11/01/2023 tại Washington, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng hai nước công bố kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh để đối phó với hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên và nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Trước khi hội kiến tổng thống Biden, thủ tướng Kishida đã công du nhiều nước châu Âu và Canada để trình bày về học thuyết an ninh mới Nhật.

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa (T) và đồng nhiệm Hoa Kỳ Antony Blinken lắng nghe trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao (Washington) ngày 11/01/2023.
Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa (T) và đồng nhiệm Hoa Kỳ Antony Blinken lắng nghe trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao (Washington) ngày 11/01/2023. AP - Alex Brandon
Quảng cáo

Trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp 2+2, hai ngoại trưởng Antony Blinken và Yoshimasa Hayashi và hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Nhật, Lloyd Austin và Yasukazu Hamada, ghi nhận Trung Quốc là « mối đe dọa chưa từng thấy » đối với trật tự quốc tế. Chính sách « ngoại giao của Bắc Kinh là nhằm kiến tạo lại trật tự quốc tế có lợi cho Trung Quốc (…) Bắc Kinh vận dụng từ sức mạnh chính trị đến kinh tế, quân sự và kỹ thuật để đạt được mục tiêu này. Đây là « một mối quan ngại nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế » và là « thách thức chiến lược lớn nhất vượt ra ngoài khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương ».

Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nhật đã đưa ra hai thông báo quan trọng, một là mở rộng hiệp ước phòng thủ chung sang lĩnh vực không gian, bao gồm cả mục tiêu đối phó với hiểm họa bị tấn công tin học và những đe dọa xuất phát từ các phương tiện công nghệ mới, và hai là tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.

Về điểm thứ nhì này, bước đầu tiên là « bố trí lại » các lực lượng của Mỹ đang đồn trú tại đảo Okinawa, cách Đài Loan hơn 100 km, trong đó có việc bố trí lại trung đoàn thủy quân lục chiến 12 thành trung đoàn duyên hải chỉ có 2000 binh sĩ, bao gồm một đơn vị chiến đấu được trang bị tên lửa chống hạm, một tiểu đoàn hậu cần và một tiểu đoàn phòng không. Theo tướng Austin, đội hình mới này sẽ thích hợp hơn và được trang bị tốt hơn để « bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực ». Đây sẽ là điều cần thiết trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, hay có những hành động thù nghịch khác tại Biển Đông và Hoa Đông.

Theo một số nhà quan sát, hiếm khi nào Tokyo và Washington lại « đẩy mạnh hợp tác quân sự » như lần này. Tướng Austin khẳng định « Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trước mọi thử thách bằng mọi phương tiên, kể cả hạt nhân ». Hãng tin Mỹ AP nhấn mạnh, lãnh đạo Lầu Năm Góc còn nêu lên khả năng khởi động điều khoản 5 trong hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Nhật để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền. 

Về phía Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Yasukazu Hamada cũng đã đến Tokyo với một số thông báo quan trọng. Thứ nhất, từ cuối 2022 Nhật Bản đã quyết định tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 5 năm  tới, tăng cường khả năng tự vệ, kể cả khả năng phản công nhắm vào các mục tiêu ngoài Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công. Với học thuyết phòng thủ mới đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tương lai sẽ « lớn thứ ba trên thế giới ». Không những thế, học thuyết phòng thủ mới của Tokyo còn gián tiếp cho phép Hoa Kỳ can thiệp khẩn cấp trong trường hợp cần thiết như ghi nhận của nhà nghiên cứu Pháp, Guibourg Delamotte, thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO, khi trả lời đài RFI.

Thông báo quan trọng thứ nhì bộ trưởng Quốc Phòng Nhật đem đến Washington lần này liên quan đến dự án xây dựng hai đường băng trên đảo Mageshima. Hòn đảo này không người ở nằm tại phía nam Kagoshima, trên đảo Kyushu. Đây là nơi quân đội Mỹ Nhật dự trù mở các cuộc thao diễn chung, huy động nhiều phương tiện, từ chiến đấu cơ F-35B đến tàu lội nước và các bài tập bắt chận tên lửa. Theo nghi nhận của hãng tin Mỹ AP, Mageshima sẽ là một địa điểm « then chốt » trong việc triển khai quân, và tiếp tế đạn dược trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự ở Đài Loan.

Vậy phải chăng là tình hình tại khu vực Thái Bình Dương đã nóng lên đến mức mà cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ cùng hối hả đề xuất các biện pháp để đối phó với kịch bản xấu nhất, hay tất cả tuyên bố « tăng cường hợp tác an ninh, quân sự » mạnh mẽ này chỉ là chiến thuật cảnh cáo Bắc Kinh chớ vượt qua lằn ranh đỏ ? Trước mắt chỉ biết rõ một điều : năm 2014, khi công bố chiến lược an ninh quốc gia, Tokyo đã đánh giá Trung Quốc là « mối quan ngại đối với cộng đồng quốc tế, kể cả Nhật Bản ». Tám năm sau, Bắc Kinh đã trở thành « thách thức nghiêm trọng nhất và chưa từng có » theo quan điểm của Tokyo. Điều đó không cấm cản Nhật Bản và Trung Quốc vẫn rất lệ thuộc vào lẫn nhau về kinh tế và thương mại. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.