Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Việt Nam : Bất ổn nhân sự lãnh đạo tác hại đến môi trường đầu tư ?

Tiếp theo sau vụ từ chức của hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, chính trường Việt Nam trong những ngày đầu năm 2023 lại bị rúng động bởi một sự kiện chưa từng có tiền lệ: chủ tịch nước, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, buộc phải “xin thôi” các chức vụ, thậm chí xin “nghỉ công tác và nghỉ hưu", rút hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị. 

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (G) cùng thủ tướng Phạm Minh chính (P) và chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ tới một phiên họp Quốc Hội ngày 20/10/2022.
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (G) cùng thủ tướng Phạm Minh chính (P) và chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ tới một phiên họp Quốc Hội ngày 20/10/2022. AFP - NHAC NGUYEN
Quảng cáo

Sau ông Nguyễn Xuân Phúc, câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra : nhân vật nào sẽ nằm trong danh sách kế tiếp? Nói cách khác, cùng với đà tăng tốc của chiến dịch “chống tham nhũng” do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, tình hình chính trị Việt Nam chắc là sẽ còn gặp nhiều xáo trộn, khi mà ngay cả chủ tịch nước mà cũng không giữ được chiếc ghế của mình. 

Nhưng liệu có nguy cơ là bất ổn về nhân sự lãnh đạo tối cao sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế hay không? 

Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt đến 8%, mức tăng cao nhất ở vùng Đông Nam Á, một phần chính là nhờ Việt Nam cho tới nay được đánh giá ổn định hơn một số nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện hay Malaysia, nên thu hút được nhiều đầu tư. 

Nhưng trong một bài viết đăng trên trang Nikkei Asia ngày 17/01/2023, nhà phân tích người Mỹ Zachary Abuza cho rằng những thay đổi chưa từng có trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phân vân, không biết sự ổn định chính trị đó có sẽ được duy trì lâu dài không. 

Theo đánh giá của Abuza, ông Nguyễn Xuân Phúc, từng là thủ tướng vào thời kỳ mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, được xem là một lãnh đạo vững chắc hơn là người kế nhiệm Phạm Minh Chính, bị xem là thiếu kinh nghiệm.

Hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng được xem là những nhà quản trị đầy năng lực, đã đóng vai trò then chốt trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, được coi là một trong những quốc gia chống Covid tốt nhất thế giới. 

Phần lớn chính nhờ thành công chống đại dịch mà kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng năm 2022 đạt mức cao như thế. 

Nhưng cả hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam rốt cuộc bị xem là chịu trách nhiệm về hai vụ tai tiếng tham nhũng có liên quan đến Covid là vụ Việt Á và vụ “chuyến bay giải cứu”, tuy rằng bản thân hai ông không dính líu vào những vụ này.

Nhà phân tích Abuza nhấn mạnh, những nhân vật như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và những người trước đó cũng bị mất chức là những nhà kỷ trị thực dụng, đã góp phần giúp bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho Việt Nam. 

Trong số các ứng viên có triển vọng nhất cho chức chủ tịch nước, có đương kim bộ trưởng Công An Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm được lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, như vậy là trong “tứ trụ” sẽ có hai nhân vật xuất thân từ bộ máy an ninh. Thế lực của công an trong guồng máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam sẽ tăng thêm.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm qua, chuyên gia Bill Hayton, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nhận định như vậy là bộ Công An sẽ giành lấy quyền kiểm soát đảng từ những nhân vật vẫn chủ trương là tốt hơn nên để cho chính phủ thi hành chính sách. Ông ghi nhận : " Các nhân vật chủ trương tự do hóa, các bộ trưởng có năng lực, hoặc như quý vị gọi, các “ngôi sao”, đều đã bị tống ra ngoài."

Nhà phân tích Abuza cũng có nhận định tương tự. Theo ông, chiến dịch chống tham nhũng đang gây bối rối cho các nhà đầu tư ngoại quốc, vì những nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này lại là các nhà quản trị có năng lực. Do hiện nay đang có cạnh tranh gay gắt giữa các nước châu Á để thu hút những nhà đầu tư đang tìm một nơi thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ bị mất lợi thế nếu bộ máy cầm quyền không còn được xem là ổn định và có năng lực.

Đó là chưa kể, sau Tết Nguyên Đán, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều người bị bắt giữ hoặc bị điều tra vì tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Đấu đá nội bộ sẽ ngày càng gay gắt vì các phe sẽ tranh nhau chức vụ lãnh đạo tối cao thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc sẽ rời chiếc ghế tổng bí thư khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.