Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Đối thoại Mỹ Trung về vũ khí hạt nhân: Một bước tiến nhỏ nhưng "quan trọng"

Lần đầu tiên kể từ thời tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Mỹ và Trung Quốc nối lại đối thoại về vũ khí hạt nhân vào hôm qua, 06/11/2023 tại Washington. Bước tiến tuy nhỏ này được nhiều nhà quan sát đánh giá là quan trọng. Hoa Kỳ tạm thời tránh rơi vào thế "lưỡng đầu thọ địch", cùng lúc phải chạy đua vũ trang với hai cường quốc hạt nhân Nga - Trung. Washington và Bắc Kinh muốn giảm thiểu nguy cơ "tính toán sai lầm" do hiểu lầm đối phương. 

Du khách tham quan các phương tiện quân sự chở tên lửa đạn đạo Đông Phong ( Dong Feng ) 41 và DF-17 tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/10/2022.
Du khách tham quan các phương tiện quân sự chở tên lửa đạn đạo Đông Phong ( Dong Feng ) 41 và DF-17 tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/10/2022. © AP - Andy Wong
Quảng cáo

Đứng đầu đoàn Trung Quốc là vụ trưởng vụ Kiểm soát Vũ khí Tôn Hiểu Ba (Sun Xiaobo), bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Đại diện phía Mỹ là ông Mallory Stewart, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao. Việc Mỹ, Trung Quốc tổ chức đối thoại về vũ khí hạt nhân là một kết quả cụ thể của chuyến công du Hoa Kỳ của ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) hồi tháng trước, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc hội kiến giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC, từ ngày 15 đến 17/11 tại San Francisco, Hoa Kỳ.

Tuy đã có một số nỗ lực ngoại giao song phương trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo hai nước cho đến nay chưa được Bắc Kinh xác nhận. Theo hãng tin Pháp AFP, không có bất cứ một kết quả cụ thể nào được trông đợi từ cuộc đối thoại đầu tiên về vũ khí hạt nhân này. Hãng tin Mỹ Bloomberg cũng lưu ý đây chỉ là một cuộc họp ở ‘‘cấp thấp’’ giữa hai nước mà mục tiêu không nhằm giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trả lời báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Vedant Patel nhấn mạnh: ‘‘Vấn đề chủ yếu là tiếp tục các nỗ lực nhằm quản lý quan hệ (song phương) một cách có trách nhiệm, bảo đảm là các cạnh tranh không làm bùng phát xung đột’’.

Trung Quốc tăng tốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Theo giới quan sát, phiên họp hôm qua tạo cơ hội để Mỹ thăm dò ‘‘học thuyết hạt nhân của Bắc Kinh’’, quan niệm của Trung Quốc về ‘‘ổn định chiến lược’’, và chiến lược xây dựng kho vũ khí hạt nhân đầy tham vọng của đại cường này. Trong nhiều thập niên, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với của Mỹ và Nga. Điều khiến Mỹ lo ngại là Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển kho vũ khí này. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng trước, tính đến tháng 5/2023, Trung Quốc đã có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được sử dụng, có khả năng trang bị hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030, và có kế hoạch tiếp tục phát triển lực lượng này cho đến năm 2035.

Báo cáo của một ủy ban Quốc Hội Mỹ hồi tháng trước cảnh báo: “Mỹ đang trên đà hướng đến đối mặt không chỉ với một mà với cùng lúc hai đối thủ hạt nhân ngang hàng’’, đặc biệt trong bối cảnh hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ New Start sắp hết hiệu lực vào năm 2026, và Nga nhiều lần để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraina. Theo Hiệp ước New START, Mỹ và Nga hiện bị giới hạn ở mức tối đa 1.550 đầu đạn được triển khai trên các tên lửa tầm xa và oanh tạc cơ.  Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tổng cộng Mỹ có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân các loại trong kho dự trữ, trong khi Nga có khoảng 4.490 đầu đạn.

Đọc thêm : Mỹ đưa vào sổ đen 4 công ty hạt nhân Trung Quốc vì giúp quân đội

​Về phần mình, Trung Quốc ít đưa ra các phát biểu về mục tiêu của các đàm phán kiểm soát vũ khí nhân. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nhấn mạnh là các khác biệt về Đài Loan là ‘‘trở ngại lớn nhất’’ cho việc ‘‘ổn định quan hệ” song phương, nhưng Mỹ - Trung sẽ có các cuộc tham vấn ‘‘về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.”

Chính quyền Trung Quốc đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (Comprehensive nuclear Test Ban Treaty CTBT) dưới thời chính quyền Clinton, có hiệu lực từ 1996, tuy nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất của chính quyền Donald Trump về tham gia đàm phán với Mỹ và Nga để giới hạn chính thức về lực lượng hạt nhân tầm trung tại châu Á, với lý do kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí hạt nhân của Washington và Matxcơva. Tình hình đã có phần thay đổi với việc Mỹ và Trung Quốc có cuộc đối thoại hạt nhân đầu tiên, cùng với việc hai bên nối lại nhiều kênh đối thoại về các bất đồng trên biển, các vấn đề thương mại, công nghệ, và nhiều vấn đề khác trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, đà xích lại gần nhau Mỹ - Trung còn rất mong manh. Chuyên gia Tong Zhao của tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) nhận định : “Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lâu dài với Hoa Kỳ”. Ông không đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí, nhưng “hy vọng là nếu việc trao đổi có thể được duy trì và diễn ra thường xuyên trong tương lai, thì điều đó có thể mở ra cơ hội cho những cuộc đối thoại thực chất hơn”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.