Vào nội dung chính
PHÁP - KHÍ HẬU

‘‘Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu’’: Paris hy vọng tìm lối thoát nhờ sức dân

Khủng hoảng Khí hậu - Sinh thái là thách thức số một của nhân loại. Không có sự tham gia chủ động và rộng rãi của người dân, các biện pháp của chính phủ rất khó hóa giải được thách thức khổng lồ này. Sau khủng hoảng Áo Vàng chưa từng có cuối 2018, đầu 2019, Paris quyết định mở đường để công dân tham gia trực tiếp vào tiến trình xây dựng giải pháp, không thông qua chính phủ (1). ‘‘Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu’’ là niềm tin đặt vào xã hội dân sự - công dân, với sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, tiến trình dân chủ "trực tiếp" chưa từng có này cũng gây không ít hoài nghi.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippines phát biểu khai mạc Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, Paris, 04/10/2019.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippines phát biểu khai mạc Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, Paris, 04/10/2019. Ian LANGSDON / POOL / AFP
Quảng cáo

1 - Vì sao chính quyền Pháp tổ chức Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu ?

Trong hai năm cầm quyền đầu tiên, tổng thống Pháp bị phê phán đã lơ là mục tiêu Khí hậu và Sinh thái. Đúng vào lúc phong trào ‘‘Áo Vàng’’ nổi lên, phản đối sắc thuế sinh thái ‘‘bất công’’ đánh vào xe hơi, tổng thống Macron đã quyết định lập một Ủy Ban Cấp Cao về Khí Hậu (HCC), ngày 27/11/2018. Quyết định thành lập Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu (Convention Citoyenne pour le Climat) được chính thức đưa ra sau đó, sau ba tháng Thảo luận toàn quốc để tìm lối thoát cho khủng hoảng xã hội ‘‘Áo Vàng’’, kết thúc hồi tháng 4/2019.

Nói đến sự ra đời của Hội Nghị Công Dân về Khí Hậu này không thể bỏ qua vai trò xúc tác quan trọng của ‘‘Gilets Citoyens’’ - một nhóm phi chính thức, ra đời đầu năm 2019, trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng. Nhóm bao gồm khoảng 100 nhà tranh đấu vì đổi mới nền dân chủ, một số thành viên phong trào Áo Vàng, đại diện nhiều phong trào sinh thái, chuyên gia, nhà nghiên cứu về nền ‘‘dân chủ tham gia’’ và nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự.

‘‘Gilets Citoyens’’ đã gửi thư ngỏ, ngày 23/01/2019, đến tổng thống. Bức thư - mang tựa đề ‘‘Hãy thành công cuộc Thảo luận Toàn quốc : Để mang lại một động lực mới cho nền dân chủ’’ – được gửi đến tổng thống, như một sự hưởng ứng đối với nỗ lực của chính quyền, một tuần sau khi khai mạc cuộc Thảo luận Toàn quốc, với mục tiêu ‘‘biến nỗi giận dữ thành giải pháp’’.

Mục tiêu của ‘‘Gilets Citoyens’’ là cùng với chính quyền thúc đẩy một tiến trình dân chủ ‘‘chưa từng có’’, ‘‘hướng đến các mục tiêu lớn lao’’, ‘‘nắm bắt cơ hội lịch sử'', để sao cho mọi công dân có thể tích cực tham gia ‘‘sáng tạo nên nền dân chủ của tương lai’’ nhằm tìm ra các giải pháp cho khủng hoảng. Trong suốt thời gian Thảo luận Toàn quốc, ‘‘Gilets Citoyens’’ đã phối hợp với chính quyền để thảo luận về việc thiết lập cơ chế cho sự ra đời của Hội Nghị Công Dân về Khí Hậu (2).

2 – Mục tiêu của "hội nghị Diên Hồng" vì Khí Hậu này là gì ?

Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu bao gồm 150 công dân tình nguyện – được lựa chọn qua thể thức bốc thăm (trong số 250.000 số điện thoại) – có trách nhiệm đưa ra các đề xuất cụ thể về tiến trình chuyển tiếp sang nền kinh tế sinh thái.

150 công dân tham gia Hội nghị này là một ‘‘nước Pháp thu nhỏ’’, với tỉ lệ đại diện cho toàn bộ dân cư Pháp về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, nơi cư trú… Hội nghị diễn ra tại chính trụ sở của Hội Đồng Kinh Tế, Xã Hội và Môi Trường (CESE), Paris. Bản thân CESE - định chế có vai trò quan trọng các hoạt động lập pháp của Quốc Hội Pháp - bao gồm các đại diện của "xã hội dân sự" (giới chủ, nghiệp đoàn, hiệp hội).

Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu sẽ vạch ra các biện pháp cụ thể. Các biện pháp này sau đó sẽ được đưa ra Quốc Hội bỏ phiếu, hoặc thông qua trưng cầu dân ý, hoặc do chính phủ ban hành qua các quy định. Mục tiêu trọng tâm của hội nghị đặc biệt này là các biện pháp nhằm ‘‘giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ít nhất là 40%, trước năm 2030, so với năm 1990’’ và việc cắt giảm phải được thực thi ‘‘một cách công bằng’’.

Phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị, ngày thứ Sáu 04/10/2019, thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh hội nghị này là ‘‘một hình thức dân chủ tham gia chưa từng có’’ (tại Pháp) và ‘‘không hề có vùng cấm nào’’.

Báo Le Monde lưu ý, để tránh cho các nỗ lực chưa từng có này bị rơi vào quên lãng, các đề xuất của hội nghị công dân sẽ được chuyển thẳng đến Quốc Hội, hoặc đưa ra trưng cầu dân ý, không thông qua các can thiệp của chính phủ. Các đề xuất cũng sẽ được công khai hóa và chính quyền cũng sẽ phải trả lời một cách công khai.

Thủ tướng Pháp cũng nhấn mạnh đến khả năng của các công dân, mà ông gọi là ‘‘các chuyên gia của cuộc sống đời thường’’, trong việc đưa ra các giải pháp, độc lập với chính phủ, độc lập với các tập đoàn lợi ích. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu tìm giải pháp cho vấn đề Khí hậu, Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu này còn là ‘‘một cơ hội quan trọng đối với nền dân chủ’’, bởi nó có thể ‘‘sáng tạo nên một nền sinh thái của toàn dân (une écologie populaire) với tất cả ý nghĩa cao quý nhất của cụm từ này’’.

Cụ thể là, 150 công dân tình nguyện sẽ làm việc về 5 chủ đề : đi lại, ở, ăn, tiêu thụ và công việc. Vấn đề thuế các-bon sẽ đặc biệt được chú trọng. Để có thể đưa ra các đề xuất có chất lượng, 150 công dân có điều kiện tiếp cận với giới chuyên gia, kinh tế gia, các nhà nghiên cứu về xã hội, chính trị. Danh sách các chuyên gia do một ủy ban của chính phủ - bảo đảm tính độc lập của tiến trình này - phụ trách. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu có thể tham vấn bất cứ chuyên gia nào mà họ muốn, ngoài danh sách nói trên (3).

3 – Những người tham gia nhìn nhận ra sao về Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu này ?

Có hai quan điểm tương phản. Nhiều người tham dự hội nghị đặt niềm tin rất lớn vào tiến trình này. Trả lời Le Monde, bà Muriel Raulic, 47 tuổi, làm việc trong ngành sân khấu, đến từ Toulouse, ‘‘rất hài lòng’’ khi được tham gia vào Hội Nghị Công Dân vì Khí hậu, và hy vọng quan điểm bảo vệ môi trường của bà sẽ được lắng nghe. Trả lời RFI, chị Alexia, một sinh viên ngành sinh học, đặt nhiều hy vọng là hội nghị có thể "phá vỡ một số giới hạn hiện nay, do mọi người thường dè chừng các tập đoàn công nghiệp lớn".

Ngược lại có một số người không mấy tin tưởng vào kết quả. Trả lời RFI, ông Pascal, 61 tuổi, một phi công, cho biết ông ‘‘hy vọng cuối cùng sẽ có một số đề xuất cụ thể, và sau đó các đề xuất này sẽ được chính phủ hiện nay xem xét. Nhưng vấn đề là họ có đủ phương tiện để thực thi, về mặt tài chính cũng như về mặt kỹ thuật, hay không ? Và về điều này thì tôi không dám chắc’’. Ông Jean-Claude Ledoux, 54 tuổi - sống tại Lot, làm việc trong lĩnh vực bất động sản, cho thuê xe hơi chạy điện - cũng tỏ ra khá hoài nghi, với câu hỏi ‘‘Liệu người ta có thực sự cần đến chúng tôi để biết là phải làm gì hay không ?’’. Ông tỏ ra bất lực trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhiều người khác cho biết đến đây là để ‘‘học hỏi’’. Anh Grégoire Fraty, 31 tuổi, phụ trách đào tạo nghề trong một hiệp hội gần thành phố Caen, thừa nhận là ‘‘không thể hiểu được về vấn đề thuế các-bon, điều gì tốt, điều gì không’’. Bà Myriam Lassire, 48 tuổi, lái xe cho một cơ sở lọc dầu, đến từ tỉnh Rhones, cho biết rất lo ngại về tình trạng côn trùng biến mất và sản lượng nông nghiệp sụt giảm. Quan tâm trước hết của bà là các hành động ở cấp độ địa phương, trong đời sống hàng ngày, như hạn chế sử dụng xe hơi, phân loại rác thải, mua thực phẩm được sản xuất tại địa phương…

Nhìn chung, theo ghi nhận của Le Monde, mọi người đều trông đợi hội nghị này sẽ dẫn đến các ứng dụng mang tính cụ thể, ‘‘để nước Pháp có thể nêu gương, trước khi lên lớp người khác’’, như nhận định của anh Guillaume Robert, 23 tuổi, đảo Réunion, người đã lập ra trước đó một hiệp hội để nâng cao hiểu biết về môi trường trong giới học sinh.

Theo AFP, ông Thierry Pech, lãnh đạo quỹ bảo vệ môi trường Terre Nova và đồng chủ tịch ban điều hành Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu (cơ quan có trách nhiệm bảo đảm tính độc lập của tiến trình) khẳng định : Hội nghị này là ‘‘một cơ hội để đạt được các tiến bộ trong hai chủ đề lớn, Dân chủ và Khí hậu’’ (4).

Toàn thể thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu tại trụ sở của CESE, Paris.
Toàn thể thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu tại trụ sở của CESE, Paris. @copy d'écran: twitter.com/Conv_Citoyenne

4 – Phản ứng của công luận Pháp ra sao ?

Tiến trình xây dựng các giải pháp một cách dân chủ trên toàn quốc và được sử dụng trực tiếp vào quá trình ra quyết định (tại Quốc Hội hoặc trưng cầu dân ý), với sự tham gia của những công dân bình thường này, lần đầu tiên được áp dụng tại Pháp.

Ở châu Âu cũng từng có một số kinh nghiệm. Được nói tới nhiều là trường hợp Ailen (với các cuộc trưng cầu dân ý về các đề xuất của công dân, về việc phá thai và công nhận hôn nhân đồng tính). Tuy nhiên, theo một chuyên gia về lĩnh vực "dân chủ tham gia", thì tiến trình "Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu" đang diễn ra tại Pháp này có thể là một trắc nghiệm dân chủ quy mô chưa từng có, trên phạm vi toàn cầu (5).

Trong lúc nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng 150 công dân - được lựa chọn ngẫu nhiên - có đủ khả năng đưa ra được các đề xuất có trọng lượng, theo AFP, nhiều tổ chức phi chính phủ cho rằng chính quyền lợi dụng một cơ chế, được gọi là có sự tham gia của công dân như vậy, để thoái thác trách nhiệm, đánh lạc hướng công luận. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace nhấn mạnh là không nên để cho việc khởi động tiến trình dân chủ để công dân tham gia thảo luận về Khí hậu này làm ‘‘quên đi thực tế là chính phủ đã liên tục cố tình không làm gì’’. Greenpeace cũng kêu gọi những người tham gia ‘‘vượt qua những giới hạn mà chính phủ áp đặt’’. Theo Greenpeace, mục tiêu mà chính phủ Pháp đề ra là quá thấp, để có thể đạt được cái đích ‘‘trung hòa về khí thải’’ (tức lượng khí thải phát ra và hấp thụ về là bằng không) vào cái ngưỡng năm 2050.

Trong một thông cáo được công bố trên trang mạng Reporterre, nhiều hiệp hội, trong đó có các thành viên của phong trào Nổi Dậy chống Hủy Diệt (Extinction Rebellion), lên án ‘‘các giải pháp vặt vãnh hay những lời hứa hẹn hão huyền và không bao giờ được tôn trọng chỉ phục vụ cho mục tiêu duy nhất (của chính quyền) là câu giờ’’.

Ngược lại, bà Laurence Tubiana - kinh tế gia và nhà ngoại giao, một kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 mang tính lịch sử, và cũng là đồng chủ tịch của ban điều hành Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu - đặt niềm tin vào tiến trình của Hội Nghị Công Dân vì Khí hậu, bởi theo bà, ‘‘xã hội hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều như người ta vẫn nghĩ, tiến bộ hơn nhiều so với giới chính trị’’.

Tuy nhiên, người lãnh đạo Quỹ châu Âu về Khí hậu cũng thừa nhận, để có kết quả, các cuộc thảo luận tại Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu này phải "vượt qua được phạm vi chật hẹp của 150 công dân trực tiếp tham gia, để đến với toàn thể xã hội’’. Đây cũng chính là nguyện vọng của ông Zahra – một trong 150 thành viên Hội Nghị - đó là làm sao để các thông điệp liên quan đến Khí hậu tới được với dân cư khu phố khó khăn thành phố Metz, nơi ông sinh sống.

 

Ghi chú

1 - Xem thêm Phong trào Áo Vàng Pháp : "Bùng nổ xã hội" đầu tiên vì vấn đề sinh thái, RFI, 05/12/2018, hay bài ‘‘Áo Vàng’’ : Pháp hoãn thuế carbone, Trump chế giễu Macron, RFI, 08/12/2019.

2 - Hiệp hội Nền Dân Chủ Mở (Démocratie ouverte) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Cô Mathilde Imer, đồng chủ tịch Nền Dân Chủ Mở, hiện là một trong ba chuyên gia về ‘‘dân chủ tham gia’’, thành viên ban điều hành (bảo đảm tiến trình độc lập của) Hội Nghị Công Dân về Khí Hậu, cùng với nhà chính trị Loïc Blondiaux và nhà xã hội học Jean-Michel Fourniau.

3 - Về các hoạt động của Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, từ nay đến tháng Giêng 2020, mời tham khảo trên trang www.conventioncitoyennepourleclimat.fr.

4 - Xem thêm : "Sau phong trào Áo Vàng : Pháp cần một khế ước xã hội mới", RFI, 10/12/2019.

5 - Phỏng vấn nhà chính trị học Loïc Blondiaux trong bài "Convention citoyenne pour le climat: Une expérience démocratique unique à l’échelle internationale", Ouest-France, ngày 04/10/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.