Vào nội dung chính
COVID-19 - VĂN HÓA

Bảo tàng Mỹ Metropolitan được mở lại sau 6 tháng đóng cửa

Metropolitan Museum of Art, còn được gọi ngắn gọn là Met tại New York, nổi tiếng là một trong những bảo tàng có uy tín nhất thế giới. Sau gần 6 tháng phải đóng cửa trong mùa dịch Covid-19, viện bảo tàng Metropolitan chuẩn bị đón tiếp công chúng trở lại vào ngày 29/08/2020 với nhiều ràng buộc do các quy định giãn cách xã hội.

Ảnh minh họa: Viện bảo tàng Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ) chuẩn bị đón tiếp công chúng trở lại vào ngày 29/08/2020 sau gần 6 tháng đóng cửa vì Covid-19.
Ảnh minh họa: Viện bảo tàng Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ) chuẩn bị đón tiếp công chúng trở lại vào ngày 29/08/2020 sau gần 6 tháng đóng cửa vì Covid-19. AFP/Archivos
Quảng cáo

Tính trung bình hàng năm, Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thu hút 7 triệu lượt khách tham quan. Thế nhưng, kể từ cuối tháng 8 trở đi, bảo tàng Met sẽ hạn chế lượt người thăm viếng thường nhật. Số khách được vào xem triển lãm cũng như các bộ sưu tập thường trực bị giới hạn ở mức 25%. Một cách cụ thể, chỉ có khoảng 5.000 khách tham quan mỗi ngày, tức chỉ bằng một phần tư so với mức độ bình thường. Vào những ngày cuối tuần và nhân dịp các cuộc triển lãm lớn viện bảo tàng Metropolitan có thể đạt tới mức 40 hay 50 ngàn khách mỗi ngày, tức là còn cao hơn cả bảo tàng Louvre ở Paris và bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg. 

Ngoài các quy định giãn cách xã hội, khách vào thăm Viện bảo tàng Metropolitan sẽ phải đeo khẩu trang và các du khách buộc phải giữ khoảng cách với nhau tối thiểu là hai mét. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bảo tàng Met chỉ đóng cửa vào ngày thứ Hai hàng tuần. Nay với thời hậu phong tỏa, Metropolitan sẽ đóng cửa mỗi tuần hai ngày. Với tất cả những điều kiện ràng buộc ấy, ban điều hành bảo tàng không hy vọng thu lời mà chỉ có thể hạn chế mức thất thu khi từng bước nối lại chương trình sinh hoạt văn hóa. Sau gần 6 tháng đóng cửa, Viện bảo tàng Metropolitan cho biết đã bị thua lỗ gần 100 triệu đô la.

Hầu như vào cùng một thời điểm với Metropolitan, Viện bảo tàng lớn thứ nhì của thành phố New York là Bảo tàng Whitney, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại Mỹ thế kỷ XX và XXI cũng thông báo sẽ mở cửa trở lại, ban đầu là trong tuần lễ từ 24/08 đến 29/08, nhưng sau đó đã quyết định dời lại hơn một tuần và chính thức mở cửa đón tiếp khách tham quan vào ngày 03/09/2020.

Mặc dù chính quyền thành phố New York đã bật đèn xanh cho phép các cơ sở và trung tâm văn hóa hoạt động trở lại nhưng nhiều viện bảo tàng quan trọng, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museau of Modern Art) gọi tắt là MoMA, vẫn chưa thông báo ngày mở cửa trở lại.

Về phía nhà hát lớn Metropolitan của thành phố New York, sân khấu này theo dự kiến chỉ hoạt động lại vào dịp lễ cuối năm. Buổi biểu diễn đầu tiên được lên lịch là vào ngày 31/12/2020, trong khi đó, đa số các nhà hát chuyên ngành sân khấu nhạc kịch Broadway vẫn phải đóng cửa cho đến ít nhất là tháng Giêng năm 2021.  

Sự kiện Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được mở lại là một điều đáng mừng, nhưng chỉ phản ánh một phần tất cả những khó khăn của giới chuyên ngành văn hóa ở Hoa Kỳ. Theo khảo sát gần đây  của Viện nghiên cứu Brooking Institution (một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington) có khoảng 2,7 triệu việc làm đã bị cắt giảm trong lãnh vực văn hóa tại Mỹ. Đối với các ngành kinh doanh dịch vụ và sản phẩm văn hóa, bao gồm các lãnh vực điện ảnh, ca nhạc, thời trang, mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, mức thất thu lên lên tới hơn 150 tỷ đô la trong năm 2020.

Cũng theo báo cáo của Viện Brooking Institution, các viện bảo tàng, các phòng triển lãm cũng như các sân khấu biểu diễn nghệ thuật tron tình trạng ‘‘đứng mũi chịu sào’’, đã bị thiệt hại trực tiếp một cách nặng nề. Chỉ riêng trong ba ngành này, đã có gần 1,4 triệu việc làm bị cắt giảm, tức là tương đương với 50% số người bị mất việc trong toàn bộ ngành văn hóa ở Mỹ nói chung.

Do nghệ thuật biểu diễn phụ thuộc rất nhiều vào khán giả, các biện pháp phòng dịch hầu như đều cấm các cuộc tập hợp đông đảo, cho nên các ngành liễn quan đến sân khấu bị tác hại lâu dài, mức thua  lỗ lên tới 42,5 tỷ đô la, tương đương với gần một phần ba mức thất thu chung của ngành văn hóa. Nhạc sĩ và ca sĩ bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp theo là giới nhà văn, tác giả và các diễn viên. Một lãnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nhiều là nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc, minh họa, quảng cáo …..) với hơn 120.000 người bị mất việc làm.

Mức thiệt hại còn tùy thuộc theo từng bang. Bang California đứng đầu danh sách,  bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 453.332 việc làm bị cắt giảm và mất 43,1 tỷ đô la doanh thu. Hai bang New York và Texas về hạng nhì và hạng ba. Chỉ riêng hai thành phố lớn New York và Los Angeles, mức thiệt hại lên tới hơn 15 tỷ đô la doanh thu và vì thế cho nên, hai thành phố này đã buộc phải cắt giảm 400.000 việc làm.

Trước một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy,  giới chuyên ngành văn hóa ở Hoa Kỳ đang kêu gọi chính phủ liên bang tiến hành một kế hoạch chấn hưng gọi là ‘‘New Deal của thế kỷ 21’’, giống như chính sách mà Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã từng ban hành hầu đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc Đại Khủng Hoảng vào những năm 1930. Hiện giờ các biện pháp của chính quyền liên bang Mỹ nhằm hỗ trợ kinh tế chủ yếu liên quan các khâu sản xuất và dịch vụ.

Theo báo cáo của Viện Brooking Institution, các biện pháp hỗ trợ lãnh vực văn hóa cũng nên có một vị trí quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế, rất nhiều người làm việc trong ngành văn hóa thường hoạt động độc lập hay theo mô hình tự kinh doanh và vì thế cho nên họ không được tính vào các dữ liệu liên quan đến việc làm. Theo kết luận của Viện Brooking Institution, đã đến lúc cần phải xem xét cách giúp đỡ trực tiếp giới nghệ sĩ cũng như những người chuyên hoạt động trong các lãnh vực văn hóa và sáng tạo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.