Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH - COVID-19

Covid-19 : Phim lẻ được phát hành trực tuyến thay vì chiếu ở rạp

Gần hai tháng sau ngày dỡ bở lệnh phong tỏa, đông đảo khán giả Pháp vẫn chưa trở lại các rạp chiếu phim. Trong 6 tuần lễ liên tục, lượng khách mua vé đi xem xinê vẫn chỉ đạt tới ngưỡng một triệu khán giả mỗi tuần, tức là chưa bằng một phần ba so với cùng thời kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất đã chọn phát hành phim trên mạng thay vì ra mắt phim ở rạp.

Logo của mạng phát hành phim và video trực tuyến Netflix.
Logo của mạng phát hành phim và video trực tuyến Netflix. REUTERS - Dado Ruvic
Quảng cáo

Đó là trường hợp sắp tới đây của các bộ phim quay cho màn ảnh lớn như ‘‘Bronx’’ của đạo diễn Olivier Marchal, bộ phim hài cổ trang của Pháp ‘‘Brutus chống César’’ của đạo diễn Kheiron hay là tác phẩm ‘‘Forte’’ thuộc dòng phim tình cảm xã hội của nữ đạo diễn Katia Lewkowicz.

Theo bà Sidonie Dumas, giám đốc điều hành hãng phim Gaumont, tác phẩm mới của đạo diễn Olivier Marchal, ban đầu dự trù được phát hành vào mùa thu 2020, sẽ được khởi chiếu trên mạng Netflix vào đầu tháng Chín. Sở dĩ hãng phim Gaumont chọn cách phát hành trực tuyến là vì theo ban giám đốc, bộ phim này sẽ có nhiều cơ hội thu hút đông đảo người xem hơn, thay vì được cho ra mắt khán giả ở rạp trong bối cảnh hiện tại, với tất cả những điều kiện ràng buộc của thời hậu Covid-19.

Mang tựa đề ‘‘Bronx’’, mật hiệu của nhóm điều tra xung quanh vụ án đẫm máu tại Marseille, bộ phim gợi hứng từ cuộc đối đầu giữa hai băng đảng, đồng thời cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đội cảnh sát đặc nhiệm trên cùng một vụ án. Đây là tác phẩm thứ sáu của đạo diễn Olivier Marchal.

Trước khi trở thành đạo diễn, ông từng là cảnh sát điều tra thời còn trẻ. Sau này, khi chọn nghề viết kịch bản và quay phim, Olivier Marchal luôn khai thác thế giới của tội phạm và băng đảng. Bộ phim mà ông hằng ngưỡng mộ trong thể loại này là tác phẩm ‘‘Heat’’ của Michael Mann quy tụ hai ngôi sao lớn trên cùng một màn bạc... Robert de Niro và Al Pacino : cao thủ tranh tài, đọ sức kịch liệt, đấu trí nảy lửa.  

Bộ phim ‘‘Bronx’’ được quay toàn bộ ở thành phố Marseille vào mùa thu năm 2019 với ngân sách chung lên tới gần 20 triệu euro, phim quy tụ một dàn diễn viên chuyên nghiệp như Jean Reno, Gérard Lanvin, Stanislas Merhar, diễn viên nhạc rap Kaaris… Hãng phim Gaumont đã chi khá nhiều tiền cho việc hợp tác sản xuất bộ phim.

Kể từ nhiều tuần lễ qua, Gaumont chờ xem kết quả của các bộ phim được chiếu ở rạp và thực tế cho thấy là ngay cả những bộ phim có khả năng ‘‘hút khách’’ dễ dàng nhất, doanh thu vẫn thấp hơn nhiều so với mong đợi. Có lẽ cũng vì thế mà Gaumont đã xem xét khả năng nhượng lại quyền phát hành và khai thác bộ phim này cho mạng Netflix từ nhiều tuần qua, vì như vậy hãng phim mới dễ thu hồi vốn và biết đâu chừng sẽ lập kỷ lục về số người xem, dù là trên mạng.

Một điều chắc chắn là khán giả Pháp, dù có nhiệt tình cách mấy, vẫn chưa thật sự muốn đi xem phim ở rạp. Doanh thu của các rạp chiếu phim không ngừng sụt giảm, từ -50% cuối tháng 6 tiếp tục giảm tới mức -70% vào cuối tháng 7. Điều đó đã khiến cho nhiều rạp phim nổi tiếng ở Paris như Le Grand Rex, Le Balzac, Le Nouvel Odéon buộc phải tạm thời đóng cửa, phần lớn cũng vì doanh thu thường nhật quá thấp, không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động. 

Vào đầu tháng 08/2020, đạo diễn Kheiron thông báo nhượng quyền phát hành bộ phim truyện thứ ba của anh mang tựa đề ‘‘Brutus vs César’’. Quy tụ một dàn viễn viên nổi tiếng, trong đó có Thierry Lhermitte, Gérard Darmon và Ramzy Bedia, bộ phim dã sử cổ trang này kể lại những ngày cuối cùng của hoàng đế La Mã César, nhưng dưới góc độ châm biếm hài hước. Dự trù được cho ra mắt tại các rạp trong tháng tới, rốt cuộc bộ phim ‘‘Brutus vs César’’ sẽ được mạng Amazon Prime Video độc quyền khai thác kể từ ngày 18/09 trở đi.

Quyết định phát hành trực tuyến không hẳn làm cho nhà đạo diễn hài lòng. Tuy nhiên, giới sản xuất đã đầu tư hàng triệu euro vào bộ phim này, do vậy đôi bên buộc phải tìm kiếm giải pháp ổn thỏa nhất, giúp cho phía các nhà sản xuất thu hồi chi phí là chuyện thường tình, còn về phía tác giả kiêm đạo diễn Kheiron, bộ phim của anh trong bối cảnh hiện tại sẽ có thêm cơ hội được phổ biến rộng rãi, thu hút được càng nhiều người xem chừng nào, thì càng tốt chừng nấy. 

Theo chuyên gia ngành truyền thông Pascal Lechevallier, thời Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các mạng phát hành phim và video trục tuyến như Netflix, Amazon hay Disney+. Sự kiện một hãng phim lớn như Gaumont quyết định hợp tác với Netflix là một tín hiệu mạnh mẽ đối với ngành điện ảnh.

Không ai biết được chừng nào khán giả mới trở lại xem phim ở rạp và các nhà sản xuất cần nguồn tài trợ để đầu tư vào các dự án khác. Trong khi đó, các mạng như Netflix,  Amazon hay Disney+ đang ráo riết chạy đua để giành lấy thị phần. Trong tương lai gần, các mạng này còn buộc phải tuân thủ các quy định của Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Netflix hay Amazon phải mua 30% các nội dung sản xuất tại châu Âu. Bằng cách này, châu Âu có thể bảo vệ giới sản xuất phim bị các mạng phim cạnh tranh dữ dội.

Tuy nhiên trước mắt, việc các hãng phim Pháp chấp nhận hợp tác qua việc nhượng quyền khai thác phim trên mạng, làm cho hệ thống các rạp chiếu phim vốn đã bị lung lay trong thời phong tỏa, nay lại càng suy yếu thêm. Theo lời ông Pascal Rogard, giám đốc của cơ quan SACD, bảo vệ tác quyền của giới điện ảnh truyền thông và kịch nghệ, dịch Covid-19 chẳng những đã điều tiết thị trường, mà còn thay đổi luôn luật chơi. Các mạng phát hành phim và video đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các rạp chiếu phim. 

Trong thời kỳ phong tỏa, Netflix đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục khi hợp tác với công ty MK2 để phát hành dòng ‘‘phim di sản’’ chủ yếu là những tác phẩm kinh điển của Truffaut, Chaplin hay là Malick. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây Netflix càng đầu tư nhiều vào dòng phim nghệ thuật hay mời các tác giả hàng đầu hợp tác như Martin Scorsese (The Irishman), Alfonso Cuarón (Roma), Noah Baumbach (Câu chuyện hôn nhân), hai anh em đạo diễn Joshua và Ben Safdie (Uncut Gems), như vậy Netflix giành lấy quyền ưu tiên phát hành trên mạng. 

Bên cạnh đó, quy định phát hành phim ở Pháp bị coi như là lỗi thời. Phim chiếu ở rạp chỉ có thể được phát hành và khai thác nhiều tháng sau dưới dạng đĩa hình hay qua mạng chiếu video trực tuyến. Quy định lỗi thời này giải thích phần nào vì sao nhiều hãng phim Pháp trong bối cảnh đặc biệt thời hậu Covid-19, lại chọn phát hành trực tuyến thay vì đem phim đi chiếu ở rạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.