Vào nội dung chính
ÂM NHẠC - BEETHOVEN

Beethoven: Pháp tham gia lễ kỷ niệm 200 năm Bản giao hưởng số 9

Cách đây đúng hai thế kỷ, Bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven, đã được trình diễn lần đầu tiên tại nhà hát hoàng gia Vienna Kärntnertor, tại thủ đô nước Áo. Do thính lực của nhạc sĩ Beethoven lúc bấy giờ đã suy giảm đến mức coi như ông bị điếc, cho nên buổi ra mắt tác phẩm để đời này đã được giao cho nhạc trưởng người Áo Michael Umlauf.

Ảnh chân dung Ludwig van Beethoven của họa sĩ Joseph Karl Stieler, năm 1820.
Ảnh chân dung Ludwig van Beethoven của họa sĩ Joseph Karl Stieler, năm 1820. Wikipedia
Quảng cáo

200 năm sau, lễ kỷ niệm trọng thể ngày khai sinh Bản giao hưởng số 9 của Beethoven sẽ được tổ chức tại bốn thành phố châu Âu. Theo báo Le Figaro, vào ngày 07/05/2024, kênh truyền hình Pháp-Đức Arte sẽ phát sóng gần như trực tiếp màn trình diễn Bản giao hưởng số 9 của Beethoven (còn thường được gọi là "Ode to Joy" - Khúc ngợi ca niềm vui). Buổi trình diễn này sẽ lần lượt diễn ra tại Leipzig, Paris, Milano và Vienna, vốn là những địa danh từng để lại dấu ấn quan trọng trong đời của Beethoven.

Chương trình kỷ niệm 200 năm Bản giao hưởng số 9 sẽ được phát sóng cùng lúc trên nền tảng trực tuyến và trên kênh truyền hình Arte. Đêm nhạc chuyên đề bắt đầu vào lúc 9 giờ tối với một bộ phim tài liệu nói về nguồn gốc cũng như hoàn cảnh sáng tác bản giao hưởng số 9. Theo báo Le Figaro, buổi trình diễn ra mắt tác phẩm vào tháng 05/1824 tại thủ đô Vienna được xem là một trong những cột mốc lịch sử quan trọng, không những đối với chủ nghĩa lãng mạn, mà còn ghi khắc ngày ra đời của một trong những tác phẩm vĩ đại hàng đầu của làng nhạc giao hưởng.

Giấc mơ xây dựng một châu Âu hòa bình 

Theo ông Bruno Patino, giám đốc đài truyền hình Pháp-Đức Arte, trong bối cảnh chính trị hiện thời, một thông điệp như vậy về tình bác ái lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Thông điệp chính vẫn là thể hiện qua tiếng nhạc của Beethoven ‘‘giấc mơ xây dựng một châu Âu hòa bình’’. Song song với đêm nhạc chuyên đề, kênh truyền hình Arte còn hợp tác với nguyệt san Zadig của Đức để cùng phát hành một số báo đặc biệt ''Dreaming Europe'', tạp chí này sẽ được xuất bản vào từ ngày 24/04/2024.

Kể từ 22 giờ 20 trở đi, 4 thành phố sẽ lần lượt biểu diễn bốn chương trong Bản giao hưởng số 9 Beethoven. Mỗi chương có tiết tấu và độ dài khác nhau, ngắn nhất là chương nhì khoảng 10 phút, còn dài nhất là chương thứ tư cũng là chương cuối cùng, dài hơn 24 phút.

Theo thứ tự, chương đầu tiên được biểu diễn bởi Dàn nhạc Gewandhaus tại thành phố Leipzig (Đức), do nhạc trưởng Andris Nelsons điều khiển. Chương thứ hai do Dàn nhạc Giao hưởng Philharmonie tại Paris đảm trách, theo sự hướng dẫn của Klaus Mäkelä. Chương thứ ba được biểu diễn bởi Dàn nhạc Ý Teatro de Scala ở Milano, theo chỉ đạo của nhạc trưởng Riccardo Chailly. Chương thứ tư và cũng là chương quan trọng nhất được Dàn nhạc Giao hưởng Vienna biểu diễn cùng với nhạc trưởng Joana Mallwitz.

Ngoài dàn nhạc, bà Joana Mallwitz còn điều khiển ban hợp xướng trong phân đoạn ‘’Khúc hát niềm vui’’ (Schiller's Ode to Joy). Đây là lần đầu tiên nhà soạn nhạc Beethoben thử nghiệm kết hợp trong chương cuối bản giao hưởng, tiếng đồng ca của một nhóm người ở cùng một cấp độ với dàn nhạc cụ. Thủ đô Vienna của Áo có vinh dự khép lại buổi lễ kỷ niệm này, vì đây là nơi Bản giao hưởng số 9 từng được trình diễn lần đầu tiên trước công chúng.

Bản giao hưởng số 9 của Beethoven có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác cổ điển Tây phương. 200 năm sau ngày ra đời, kiệt tác của Beethoven giờ đây thuộc vào hàng đỉnh cao nghệ thuật thế giới, đạt đến tầm vóc di sản nhân loại, không kém gì bộ Sử thi trường thiên của Homère, Thần khúc ''Divina Commedia'' của Dante, vở kịch Kiệt tác "Faust" của Goethe hoặc vở opera ‘’Cây sáo thần’’ của Mozart ….

Khát vọng tự do, tinh thần bác ái

Mang chủ đề lý tưởng và hoài bão của con người, Bản giao hưởng số 9 từng được Ludwig van Beethoven (1770-1827) ấp ủ trong suốt cuộc đời. Thời thanh niên, Beethoven từng say sưa với những tư tưởng cách mạng Pháp, ông sau đó đã gợi hứng từ bài thơ ''An die Freude'' (Ode à la Joie /Hướng tới niềm vui - 1785) của thi hào người Đức Schiller. Dựa vào ý thơ đề cao tinh thần lạc quan của chủ nghĩa khai sáng, Beethoven đã viết màn hợp xướng trong chương cuối của bản Giao hưởng số 9, để rồi từ đó tạo ra chuẩn mực khuôn thước cho nhiều tác giả thuộc thế hệ đi sau.

Có thể nói, ảnh hưởng lớn của tác phẩm này, cho tới nay vẫn chưa lỗi thời. Do giai điệu đã đi vào dòng văn hóa đại chúng từ lâu, cho nên trong nhiều thập niên liền, bản giao hưởng này tiếp tục gợi hứng cho phim ảnh, nhạc kịch, video quảng cáo hay múa ballet (của Maurice Béjart). Quan trọng hơn nữa, điệu nhạc không lời trong chương thứ tư được dùng làm bài ca chính thức của Liên hiệp châu Âu.

Sinh thời, tư tưởng tự do và tinh thần bác ái luôn thôi thúc Beethoven trong sự nghiệp sáng tác. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề này đã manh nha trong nhiều tác phẩm khác của ông trước khi được hoàn chỉnh trong chương cuối của bản Giao hưởng số 9. Một cách chính thức, Beethoven đã viết bản giao hưởng số 9 theo đơn đặt hàng vào năm 1817 của Hiệp hội The Society of London, tiền thân của Royal Philharmonic Society. Cho dù đã mất thính lực, nhưng Beethoven vẫn dốc sức làm việc trên bản giao hưởng trong 6 năm liền, từ năm 1818 đến năm 1824.

Tuy vậy, nhiều giai điệu và hình tượng âm nhạc đã xuất hiện ngay từ đầu những năm 1810, tức gần một thập niên trước đó. Tiết tấu lạc quan, tiếng nhạc hân hoan bàng bạc xuyên suốt tác phẩm. Có lẽ cũng vì vậy mà tác phẩm thường được biết đến với tên gọi ''Hymne à la Joie'' (Bản ngợi ca niềm vui). Bản giao hưởng số 9 nói lên tư tưởng đấu tranh của nhân loại, nhiều dân tộc không ngại thử thách gian nan để tìm cho mình con đường độc lập, bình đẳng và bác ái. Điệu nhạc vì mang tính phổ quát, cho nên ý nghĩa càng thêm quan trọng. Hai thế kỷ sau ngày ra đời, Bản giao hưởng số 9 vẫn là một bản tuyên ngôn về tự do, khúc hoan ca cho khát vọng hòa bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.