Vào nội dung chính
HOA KỲ - VIRUS CORONA

Covid-19 : Các Viện bảo tàng Mỹ mất gần 30 tỷ đô la

Theo báo cáo gần đây nhất do Liên minh các Bảo tàng Mỹ (Alliance of American Museums) công bố trong tháng qua, tính trung bình một viện bảo tàng Mỹ bị thất thu hơn 850.000 đô la trong năm 2020. Trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, hiện có tới 35.000 viện bảo tàng lớn nhỏ. Khi tính gộp lại, dịch Covid-19 đã làm cho toàn bộ các bảo tàng Mỹ bị thiệt hại ở mức 29,75 tỷ đô la.

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ, mở cửa trở lại vào ngày 27/08.2020, sau thời gian đóng cửa vì đợt dịch hồi mùa xuân.
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ, mở cửa trở lại vào ngày 27/08.2020, sau thời gian đóng cửa vì đợt dịch hồi mùa xuân. AP - Bebeto Matthews
Quảng cáo

Vào tháng 04/2020, Liên minh các bảo tàng Mỹ AAM đã từng gióng lên hồi chuông cảnh báo : chỉ sau một tháng buộc phải đóng cửa, toàn bộ các viện bảo tàng đã mất 4 tỷ rưỡi đô la (3,8 tỷ euro). Hơn nửa năm sau đó, mức thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra lại càng nặng nề hơn. Cho đến cuối năm 2020, các bảo tàng lớn và nhỏ sẽ bị mất đến 35% ngân sách hoạt động thường niên. Các cơ sở lớn thuộc vào hạng "giàu" (như Bảo tàng Guggenheim ở New York), cố gắng cầm cự nhờ có sẵn nguồn vốn dự trữ, còn các bảo tàng cỡ trung bình như Viện bảo tàng Bass, ở Miami Florida, thì lại có nguy cơ ngưng hoạt động luôn vào năm 2021, nếu không nhận được thêm nguồn tài trợ công cũng như tư.

Nhiều bảo tàng Mỹ sẽ bị đóng cửa luôn ?

Không phải ngẫu nhiên bản báo cáo của Liên minh các bảo tàng Mỹ AAM được công bố vào thời điểm khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực giữa chính quyền tiền nhiệm và ban lãnh đạo tân cử. Vào mùa xuân 2020, khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch hỗ trợ kinh tế, các viện bảo tàng đã yêu cầu được giúp đỡ ở mức 4 tỷ đô la, do ngành này tuyển dụng hàng trăm ngàn nhân viên và đem về hàng chục tỷ đô la doanh thu hàng năm, bao gồm cả việc bán vé cho khách tham quan, kinh doanh các dòng sản phẩm văn hóa cũng như cho doanh nghiệp tư nhân thuê cơ sở để tổ chức sự kiện ..... Rốt cuộc, chính quyền liên bang chỉ trợ giúp toàn ngành 150 triệu đô la, một mức quá thấp theo đánh giá của bà Laura Lot chủ tịch AAM, cũng như giới chuyên ngành quản lý các viện bảo tàng.

Các bảo tàng Mỹ bị suy yếu do mất nguồn thu nhập, doanh thu giảm sút đáng kể khi các quầy bán vé đều buộc phải đóng cửa, mà không có giải pháp thay thế. Theo bà Susie Wilkening, giám đốc công ty kiểm toán thực hiện cuộc khảo sát hồi tháng 11/2020 tại hơn 850 viện bảo tàng tiêu biểu trên khắp nước Mỹ, các cơ sở văn hóa này sẽ mất đi một phần ba ngân sách hoạt động. Trên tổng số 35.000 bảo tàng, khoảng một nửa có thể cầm cự trong vòng 6 tháng, nhưng bên cạnh đó hàng ngàn bảo tàng khác có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn, nếu không tìm được nguồn vốn tài trợ, từ đây cho tới mùa xuân năm 2021.

Hiện giờ, một phần ba các viện bảo tàng ở Mỹ vẫn không tiếp đón công chúng và chưa biết chừng nào sẽ được mở lại. Một số viện bảo tàng Mỹ đã hoạt động trở lại vào mùa hè năm 2020, nhưng tính trung bình chỉ tiếp đón 35% khách tham quan so với mức bình thường. Một số bảo tàng khác sau một thời gian hoạt động buộc phải đóng cửa một lần nữa, trước đà lây lan của dịch Covid-19, trong đó có các bảo tàng ở Washington D.C tạm thời ngưng hoạt động kể từ hôm 23/11. Thống đốc các bang Colorado, Illinois, Minnesota cũng ra lệnh đóng cửa nhiều cơ sở văn hóa, để kềm chế dịch bệnh. 

Các bảo tàng Mỹ đành phải sa thải nhân viên

Sự kiện các bảo tàng Mỹ bị thất thu nghiêm trọng dẫn tới ngay việc sa thải nhân viên. Theo khảo sát của Liên minh AAM, hơn một nửa các viện bảo tàng đã cắt giảm khâu tiếp đón và dịch vụ lễ tân (68%). Thông thường tại các bảo tàng lớn, cứ trên 10 nhân viên là có đến 7 người làm việc cho khâu phục vụ. Bảo tàng Nghệ thuật New York Metropolitan (MET), bị thâm hụt đến 150 triệu đô la, nên buộc phải sa thải 20% số nhân viên của mình. Bảo tàng Mỹ thuật Boston, cũng bị thua lỗ ở mức 100 triệu đô la (30 triệu chỉ riêng trong mùa hè vừa qua), cũng đành phải cắt giảm một nửa đội ngũ nhân viên của mình. 

Tuy một số viện bảo tàng đã được chính quyền trợ cấp thông qua chương trình "Paycheck Protection Program" (PPP) tạo điều kiện cho tất cả các ngành nghề (kể cả các cơ sở văn hóa) có thêm tiền trong ngân khoản để có thể chi trả lương tháng, nhưng biện pháp này vẫn chưa đủ để vượt qua những khó khăn còn chờ đợi ở phía trước. Trong số các cơ sở đã được giúp đỡ, phải kể đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, hai Bảo tàng Guggenheim và Whitney ở New York. Viện bảo tàng Brooklyn, từng nhận được 4,5 triệu đô la trợ cấp, nhưng vẫn không tránh khỏi việc sa thải 17% nhân viên. 

Một số quỹ đầu tư tư nhân thông qua sự đóng góp của các nhà tỷ phú Mỹ cũng bày tỏ tinh thần đoàn kết qua các khoản trợ giúp các viện bảo tàng. Chẳng hạn như Qũy J.Paul Getty Trust đã tài trợ 10 triệu đô la cho các viện bảo tàng thành phố Los Angeles, Quỹ Andrew W. Mellon đã mở chương trình khẩn cấp với đợt tài trợ đầu tiên là 24 triệu đô la cho khoảng 10 viện bảo tàng cỡ trung bình. Tuy nhiên, các nỗ lực giúp đỡ tài chính ấy vẫn chưa đủ. Viện bảo tàng Bass ở Miami, Florida đã nhận được gần một triệu đô la nhưng khó có thể trụ vững tới mùa xuân năm 2021, do mức tác hại của dịch Covid-19 quá nặng nề.

Thời buổi khó khăn : "gia bảo" đem bán đấu giá 

Cũng theo bản báo cáo, các bảo tàng thường hay tổ chức các đêm dạ hội hay gala theo chuyên đề hầu quyên góp nhằm mục đích từ thiện hay là gây thêm quỹ hoạt động, thế nhưng trong thời Covid-19, các sinh hoạt như vậy đều bị hạn chế tối đa. Trong khi đó các đợt quyên góp trực tuyến cũng không đem lại nhiều kết qủa như mong đợi, nguồn thu nhập đến từ các chiến dịch vận động trên mạng đã giảm đến gần 34% so với năm ngoái. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn ấy, các viện bảo tàng Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đem bán đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật của nhiều tác giả nổi tiếng, thậm chí một số bức tranh có nhiều giá trị vì quý hiếm, được giới chuyên gia liệt vào hàng "gia bảo". 

Theo mạng thông tin chuyên ngành Artnet, có nhiều tác phẩm từ các viện bảo tàng Mỹ sẽ được đem ra bán đấu giá từ đây cho tới cuối năm, trị giá ban đầu được ước tính hơn 100 triệu đô la và qua đấu giá, các bảo tàng hy vọng bán cao hơn nhiều so với mức thẩm định. Hồi tháng 10, Viện bảo tàng Brooklyn đã thu về 20 triệu đô la nhờ bán 12 tác phẩm nghệ thuật tại Sotheby's. Bảo tàng Baltimore ở Maryland cũng đang do dự trước quyết định có nên bán ba tác phẩm hàng đầu trong bộ sưu tập của mình, để huy động 65 triệu đô la hầu duy trì khả năng hoạt động trong thời gian tới. Bảo tàng nghệ thuật Indianapolis, tại Newfields, cũng cho biết dự tính bán khoảng 20 % món đồ cổ trong bộ sưu tập, gồm hơn 54.000 tác phẩm trong kho lưu trữ. Các bảo tàng Mỹ buộc phải lựa chọn trong đớn đau : hy sinh nguồn nhân viên hay bảo tồn di sản nghệ thuật, chừng nào tương lai còn bấp bênh, tình hình chưa có hy vọng sáng sủa trở lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.