Vào nội dung chính
HOA KỲ - BELARUS - DI DÂN

Khủng hoảng di dân : Mỹ chuẩn bị các trừng phạt mới đối với Belarus

Hôm qua, 15/11/2021, Hoa Kỳ thông báo đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus để đáp lại những hành động « vô nhân đạo » chính quyền Minsk trong vụ khủng hoảng di dân ở biên giới giáp với Ba Lan.

Đoàn di dân tị nạn đến từ Trung Đông đồ về biên giới Belarus-Ba Lan với hy vọng vào được Châu Âu, ngày 15/11/2021.
Đoàn di dân tị nạn đến từ Trung Đông đồ về biên giới Belarus-Ba Lan với hy vọng vào được Châu Âu, ngày 15/11/2021. AP - Oksana Manchuk
Quảng cáo

Belarus bị cáo buộc đã lôi kéo người di dân tập trung đông đảo ở biên giới giáp với Ba Lan để trả đủa những biện pháp trừng phạt mà phương Tây ban hành sau các vụ đàn áp phe đối lập ở Belarus. Từ nhiều ngày qua, khoảng 2.000 đến 3.000 người, đa số đến từ vùng Kurdistan Irak, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, phải sống trong các lều trại dọc theo biên giới, giữa lúc trời đang rất lạnh.

Trước tình hình này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, hôm qua tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục trừng phạt chính quyền của tổng thống Alexandre Loukachenko về những vụ tấn công liên tục vào nền dân chủ, nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế ».

Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã thông báo chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Minsk. Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :

« Theo đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, loạt trừng phạt thứ năm này, nhắm vào các công dân và tổ chức của Belarus, chỉ là một trong những vũ khí mà Liên Âu có trong tay. Hôm qua, ông đã đề xuất một « la bàn chiến lược » cho Liên Hiệp Châu Âu. Đây là bước đầu tiên trong việc chuẩn bị cho năng lực bảo vệ an ninh và địa chính trị của châu Âu trong tương lai trước những mối đe dọa quốc tế mới.

 Ông Borrel nói : « Những gì đang diễn ra ở biên giới Belarus là một ví dụ điển hình về tình huống đòi hỏi một phương pháp mới để giải quyết xung đột, chúng ta sẽ phải quen dần với những tình huống kiểu này, vì ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình rất khó xác định, và có nhiều tình huống xung đột ở nhiều cấp độ khác nhau ».

 Ông Borrell nhấn mạnh : Nhiệm vụ của Liên Âu là trợ giúp nhân đạo cho những người di dân ở biên giới Belarus. Châu Âu sẵn sàng giúp đỡ Ba Lan, cho dù nước này đã từ chối thể hiện tình đoàn kết trong cuộc khủng hoảng di dân năm 2015. Đối với phần lớn các nước Liên Âu, đây là cơ hội để chứng tỏ sự đoàn kết của châu Âu là cần thiết trong các cuộc khủng hoảng di cư, và cũng là cách cho Ba Lan thấy giá trị của việc làm thành viên toàn phần của Liên Hiệp Châu Âu ».

Áp lực lên các lãnh đạo Belarus và Nga đã gia tăng thêm với cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron với tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng minh chính của tổng thống Loukachenko hôm qua. Theo điện Elysée, ông Macron và ông Putin đã đồng ý với nhau là sẽ làm « xuống thang » cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới và tổng thống Nga đã hứa sẽ nói chuyện này với đồng nhiệm Belarus. Về phần Ba Lan, hôm qua bộ Nội Vụ nước này thông báo vào tháng tới sẽ khởi công xây dựng một bức tường ở biên giới Belarus, dự kiến sẽ hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trước áp lực của phương Tây ngày càng tăng, hôm nay, tổng thống Belarus Loukachenko bảo đảm là ông muốn tránh cho cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan biến thành xung đột với các nước láng giềng châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.