Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG ĐÔNG - KHÔNG KÍCH

Cả ngàn thường dân Trung Đông chết trong các các vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ

Nhật báo Mỹ The New York Times vào hôm qua, 18/12/2021, đã công bố kết quả một cuộc điều tra cho biết các chiến dịch quân sự bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ, chủ yếu là các vụ không kích tại Afghanistan, Syria và Irak, đã vô tình giết hại cả ngàn dân thường.

Máy bay không người lái Predator của quân đội Mỹ trên bầu trời Kandahar, miền nam Afghanistan, ngày 31/01/2010.
Máy bay không người lái Predator của quân đội Mỹ trên bầu trời Kandahar, miền nam Afghanistan, ngày 31/01/2010. © AP - Kirsty Wigglesworth
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, tiết lộ này đã phản bác lập luận thường xuyên được Mỹ đưa ra, theo đó họ đã tiến hành một cuộc chiến tranh “sạch”, với các vụ oanh kích “chuẩn xác”, chỉ giết quân thánh chiến mà không gây vạ lây cho dân. 

Dựa trên 1.300 báo cáo của Lầu Năm Góc về các vụ việc, mà nhật báo Mỹ đã được tham khảo trong khuôn khổ luật minh bạch trong các cơ quan hành chính (FOIA), New York Times xác định rằng trong vòng 5 năm, quân đội Mỹ đã thực hiện hơn 50.000 cuộc không kích vào Afghanistan, Syria, Irak và đã thừa nhận việc giết lầm 1.417 dân thường trong các cuộc không kích ở Syria và Irak kể từ năm 2014, và 188 người khác ở Afghanistan kể từ năm 2018. 

Các nhà báo đã phân tích tài liệu và đi điều tra tại hiện trường để kiểm chứng thông tin chính thức tại hơn 100 địa điểm bị tấn công. Họ thấy là con số thương vong dân sự mà Lầu Năm Góc đã thừa nhận là “quá thấp” vì kết luận dựa trên các suy đoán sai lầm. Tờ báo nêu ra một số ví dụ: Nhiều người chạy đến địa điểm bị oanh kích bị coi là chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chứ không phải lực lượng cứu hộ; nhiều người chạy xe máy bị xem là quân thánh chiến di chuyển “theo đội hình” và là “dấu hiệu” của một cuộc tấn công sắp xảy ra. 

Ngoài ra, còn có sự kém hiểu biết về văn hóa. Các binh sĩ Mỹ đã đánh giá chẳng hạn là “không có thường dân" trong một ngôi nhà mà họ theo dõi nhân mùa chay Ramadan của người Hồi Giáo, trong khi mà nhiều gia đình ngủ trong đó vào ban ngày để tránh nắng nóng lúc phải nhịn ăn. 

Hình ảnh chất lượng kém hoặc công việc giám sát không đầy đủ thường góp phần gây ra các cuộc không kích chết người và cũng làm chậm các nỗ lực điều tra. Trong số 1.311 trường hợp được New York Times xem xét, chỉ 216 trường hợp được quân đội Mỹ coi là "đáng tin". Các báo cáo về thương vong dân sự đã bị từ chối vì các đoạn video không cho thấy thi thể trong đống đổ nát hoặc vì chúng không đủ dài để đưa ra kết luận. 

Điểm đáng tiếc được The New York Times nêu bật là “không một báo cáo nào kết luận là phía Mỹ có lỗi và những người sai phạm bị xử lý kỷ luật”. Tờ báo Mỹ đã trích dẫn một phát ngôn viên của Centcom, tức bộ chỉ huy quân đội Mỹ phụ trách vùng Trung Đông, lưu ý: “Ngay cả với công nghệ tốt nhất trên thế giới, những sai lầm vẫn xảy ra, cho dù là do thông tin sai lệch hoặc do hiểu sai về thông tin có sẵn … Chúng tôi làm mọi điều để tránh gây tổn hại. Chúng tôi đang điều tra tất cả các trường hợp đáng tin cậy. Và chúng tôi lấy làm tiếc về mọi mất mát sinh mạng vô tội.”  

Đối với bài báo, nhận định chung từ hơn 5.400 trang tài liệu là Lầu Năm Góc Mỹ chấp nhận rằng “vạ lây là điều không thể tránh khỏi.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.