Vào nội dung chính
ĐỨC - VŨ TRANG

Chiến tranh Ukraina : Đức ảo tưởng về lá chắn chống tên lửa để phòng vệ trước đe dọa từ Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định Berlin đã tính đến việc mua của Israel một trong những hệ thống phòng không chống tên lửa nổi tiếng của nước này. Một bước đi cho thấy cuộc chiến tranh Ukraina đã làm thay đổi bàn cờ an ninh ở châu Âu đến mức nào, thế nhưng một « lá chắn » có khả năng bảo vệ toàn bộ một đất nước như  Đức trước các tên lửa của Nga chỉ là ảo tưởng.

Patriot là hệ thống chống tên lửa duy nhất của Đức hiện nay. Ảnh tự liệu chụp một đơn vị phòng không của Đức tại Warbelow (miền bắc), ngày 18/12/2021.
Patriot là hệ thống chống tên lửa duy nhất của Đức hiện nay. Ảnh tự liệu chụp một đơn vị phòng không của Đức tại Warbelow (miền bắc), ngày 18/12/2021. AP - Michael Sohn
Quảng cáo

Hôm Chủ nhật 27/03 vừa rồi, thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình lớn nhất Đức ARD đã nêu ra khả năng trang bị một hệ thống lá chắn tên lửa để bảo vệ nước Đức trước các ý đồ manh nha gây chiến tranh của Nga.

Một đề xuất như vậy cách đây hơn hai tháng có lẽ vẫn còn được cho là không nghiêm túc ở Đức, vốn vẫn nhận là đất nước hiếu hòa. « Chúng ta phải chuẩn bị đối mặt với một thực tế của nước láng giềng (Nga) đang sử dụng sức mạnh để đạt mục đích », lãnh đạo chính phủ Đức khẳng định.

Hệ thống Arrow 3 hơn Vòm sắt của Israel

Olaf Scholz đã nói rõ rằng những lựa chọn chính đặt lên bàn là mua của Israel trọn gói hệ thống phòng không. Chủ tịch ủy ban Quốc Phòng, Nghị Viện Đức, bà Marie-Agnes Stack –Zimmerman xác nhận, một đoàn nghị sĩ Đức hôm Chủ nhật đã tới Tel Aviv để tìm hiểu thêm về khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đe dọa lãnh thổ của Israel.

Áp lực phải tăng cường hệ thống phòng không  đối với chính phủ Đức được cảm nhận thấy từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraina. Các dân biểu bảo thủ của đảng CDU đã gợi ý hồi đầu tháng Ba rằng nước Đức nên mua hệ thống lá chắn tên lửa nổi tiếng Vòm sắt (Dôme de fer) của Israel  để bảo vệ thủ đô. Hệ thống này đã chứng minh được hiệu quả chống lại cơn mưa tên lửa tầm ngắn do Hamas bắn từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel hồi tháng 05/2021.   

Một đề nghị không có ý  nghĩa gì. « Kho vũ khí của Nga hoàn toàn không giống với các loại rốc-ket mà Hamas đã sử dụng và bị hệ thống Vòm sắt bắn chặn », ông Olivier Thränert, chuyên gia về phòng thủ chống tên lửa thuộc  Center for Security Studies, trường Bách Khoa  Liên bang tại Zurich, nhận định trên France 24.

Chính vì thế Olaf Scholz và chính phủ Đức quan tâm đến hệ thống Arrow 3 hơn. Đó cũng là một hệ thống bổ trợ cho Vòm sắt của Israel, được thiết kế để bắn chặn các tên lửa tầm trung. « Đây là hệ thống phòng không, trên lý thuyết, dùng để bảo vệ trước các tên lửa như kiểu Iskander mà Nga có thể sử dụng nếu muốn tấn công Đức », Rafael Loss, chuyên gia về các vấn đề an ninh Đức thuộc Hội đồng Châu Âu về đối ngoại, khẳng định.

Đức - châu Âu tay không trước đe dọa từ trên trời ?

Đa số các chuyên gia về vấn đề quốc phòng Đức khen ngợi việc mở tranh luận xung quanh vấn đề củng cố hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đức.

Chuyên gia Rafael Loss nhận xét : «  Lâu nay mới có những tranh luận như vậy ». Hậu chiến tranh lạnh, « quốc phòng là lĩnh vực gặp khó khăn nhất, bởi người Đức nghĩ rằng không còn đe dọa nào thức sự có thể đến từ bầu trời ở châu Âu », chuyên gia này nói thêm.

Theo Rafael Loss, vụ Nga sáp nhập Crimée năm 2014 có lẽ đã làm mở mắt cho các quan chức chính trị Đức. Nhưng phải đợi đến khi Matxcơca phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, « khiến cho mối đe dọa rõ hơn, cho thấy Nga không ngần ngại dùng đến tên lửa », nhà nghiên cứu Götz Neuneck thuộc Viện Hòa bình và An ninh, Đại học Hambourg nhận định.

Nước Đức không có trong tay gì nhiều để đối phó với đe dọa như vậy. Đức chủ yếu trang bị hệ thống chống máy bay không người lái (drone) và vài tên lửa Patriot của Mỹ, sử dụng công nghệ cũ, thích ứng để tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn, ông Ulrich Kühn, giám đốc nhóm nghiên cứu   kiểm soát phổ biến vũ khí và công nghệ mới của Đức, nhận định với Franc 24.

Nhìn rộng hơn, các hệ thống phòng thủ của NATO tại châu Âu không nhằm đúng mục đích là đối phó với các cuộc tấn công có thể từ nước Nga. Hệ thống chống tên lửa đặt ở Rumani và Ba Lan « dành để ngăn chặn đe dọa chủ yếu đến từ phía nam, túc là chúng được thiết kế để bắn chặn các tên lửa Iran, nếu có », chuyên gia Ulrich Kühn giải thích.

Những lỗ hổng trên lá chắn

Tuy là ý định tốt, nhưng cuộc tranh luận lại bắt đầu không được thuận lợi ở Đức, theo nhiều chuyên gia.

 « Hiện tại có sức ép phải làm cái gì đó nhanh chóng để tạo cảm giác an toàn trong dân chúng Đức », chuyên gia Ulrich Kühn nhận định. Vấn đề chính là ở chỗ, suy nghĩ  cho rằng «  có thể có một lá chắn đủ khả năng bảo vệ toàn bộ nước Đức trước các tên lửa Nga là lệch lạc », chuyên gia Ulrich Kühn khẳng định.

Trước tiên bởi vì người ta không biết khả năng thực sự của hệ thống Arrow 3 của Israel. Đây là một hệ thống chưa hề bắn hạ một quả tên lửa tầm trung nào trong điều kiện xung đột thực sự.

Sau nữa, người Nga rõ ràng có các phương tiện để vô hiệu hóa một hệ thống như Arrow 3, chuyên gia Rafael Loss quả quyết. Như thế sẽ cần phải có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đầu đạn chống tên lửa bắn đi cùng lúc để ngăn chặn hiệu quả một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga từ trên không. Nhất là khi « một số loại tên lửa Nga có trang bị hệ thống đánh lừa khiến cho việc bắn chặn khó khăn hơn », Ulrich Kühn nhấn mạnh.

Một hệ thống thiết bị như vậy có hiệu quả sẽ phải chi phí rất tốn kém. Truyền thống Đức nói đến một chương trình trị giá « chỉ có » 2 tỷ euro. Một con số không hề nhỏ để phủ cho cả đất nước rộng lớn như Đức. Hiện tại  « có lẽ hiệu quả nhất  là xây thêm nhiều boong ke hơn là đầu tư vào lá chắc chống tên lửa nếu người ta nhận thấy Nga có thể tấn công một nước thuộc NATO bằng tên lửa », chuyên gia  Götz Neuneck nhận xét.

Rồi còn cần phải có hệ thống radar có khả năng phát hiện chính xác các tên lửa Nga đang tới gần. Như vậy lại phải thêm các chi phí bổ sung đối với một đất nước mà phòng không vốn vẫn lệ thuộc và các radar của NATO.

Sau cùng, tăng cường phòng thủ chống tên lửa cũng phải trả giá về chính trị. Đặt chân vào cái vòng luẩn quẩn này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới, chuyên gia Rafael Loss cảnh báo . Nếu nước Đức hay NATO tăng cường phòng thủ ở châu Âu, Nga sẽ đầu tư để nâng cao khả năng tấn công và cứ thế theo nhau chạy đua.

Trong bối cảnh chiến tranh ở giữa châu Âu hiện nay, người Đức có quyết tâm bảo vệ mình tốt hơn trước đe dọa từ Nga, điều này có thể hiểu được. Nhưng nó cũng mang lại nguy cơ mở ra một thế giới còn nguy hiểm hơn trong tương lai.

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.