Vào nội dung chính
ĐAN MACH - QUỐC PHÒNG - CHÂU ÂU

Đan Mạch sẽ tham gia chính sách quốc phòng của Liên Âu

Ba tháng sau khi Nga xua quân đánh chiếm Ukraina, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 01/06/2022, người dân Đan Mạch, với đa số áp đảo, đã chấp nhận cho quốc gia Bắc Âu này gia nhập chính sách quốc phòng chung của châu Âu.

Ảnh minh họa : Tại một cơ sở bảo dưỡng phi cơ của quân đội Đan Mạch. Ảnh chụp đầu năm 2022.
Ảnh minh họa : Tại một cơ sở bảo dưỡng phi cơ của quân đội Đan Mạch. Ảnh chụp đầu năm 2022. REUTERS - INTS KALNINS
Quảng cáo

Theo kết quả kiểm 99% số phiếu, đã có gần 67% cử tri Đan Mạch bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý. Theo hãng tin AFP, trước các ủng hộ viên tối qua, thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố: “Tối nay, Đan Mạch đã gởi đi một tín hiệu quan trọng. Đến các đồng minh của chúng ta ở châu Âu và trong khối NATO, và đến tổng thống Putin. Chúng ta cho thấy là, khi Putin xâm lăng một nước tự do và đe dọa sự ổn định của châu Âu, chúng ta sẽ tập hợp lại”.

Lãnh đạo đảng bảo thủ đối lập Soren Pape cũng ghi nhận, “sau 30 năm, người dân Đan Mạch đã quyết định là chúng ta phải từ bỏ ngoại lệ về quốc phòng và chúng ta phải làm việc chặt chẽ hơn với châu Âu”.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu “lịch sử” ở Đan Mạch. 

Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 1973, Đan Mạch vào năm 1992 đã bác bỏ hiệp ước Maastricht, hiệp ước thành lập Liên Hiệp Châu Âu. Để không cản trở việc thi hành hiệp ước này, vào năm 1993, Đan Mạch đã được chấp thuận cho hưởng một loạt ngoại lệ: nằm ngoài khu vực đồng euro, không tham gia chính sách chung của Liên Hiệp Châu Âu về nội vụ, tư pháp và quốc phòng. 

Chính sách quốc phòng chung châu Âu là gì?

Chính sách Quốc phòng chung, hay đúng hơn là Chính sách An ninh và Quốc phòng chung, quy định vai trò của Liên Hiệp Châu Âu trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế, theo đúng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chính sách quốc phòng chung chính là nhằm củng cố vai trò của Liên Hiệp Châu Âu trong việc quản lý các khủng hoảng trên thế giới, bổ sung và phối hợp với khối NATO.

Để đảm nhận vai trò này, các nước thành viên Liên Âu có thể quyết định lập các phái bộ dân sự hoặc tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào 3 mục tiêu duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế. Các phương tiện dân sự và quân sự là do các nước thành viên cung cấp.

Hiện giờ, các phái bộ dân sự và chiến dịch quân sự của Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu là ở châu Phi, Trung Đông, cũng như ở châu Âu. Các quyết định về chính sách an ninh và quốc phòng chung phải được Hội Đồng Châu Âu ( quy tụ lãnh đạo các nước thành viên Liên Âu ) nhất trí thông qua

Cho tới nay, do được hưởng ngoại lệ về quốc phòng, Đan Mạch đã không thể tham gia vào các chiến dịch quân sự của Liên Hiệp Châu Âu.

Người dân Đan Mạch chấp nhận tham gia chính sách quốc phòng chung của châu Âu vào lúc Thụy Điển và Phần Lan đang xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, do lo ngại về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga.  

Hôm qua, trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg thông báo là trong những ngày tới ông sẽ họp với đại diện của ba nước Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tại Bruxelles để cố thuyết phục được Ankara không chống lại việc thâu nhận hai quốc gia Bắc Âu vào NATO.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.