Vào nội dung chính
THỎA THUẬN HẠT NHÂN

Nối lại đàm phán hạt nhân Iran sau 5 tháng bế tắc

Lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, hôm qua, 04/08, toàn bộ các bên của Thỏa thuận hạt nhân Iran trước đây (gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), cùng Hoa Kỳ, nối lại đàm phán tại Vienna, Áo. Theo giới quan sát, hy vọng cứu vãn thỏa thuận này là khá mong manh, do bất đồng còn rất lớn.  

Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri Kani rời điện Coburg, noi diễn ra cuộc họp kín về hồ sơ hạt nhân Iran, Vienna, Áo, ngày 04/08/2022.
Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri Kani rời điện Coburg, noi diễn ra cuộc họp kín về hồ sơ hạt nhân Iran, Vienna, Áo, ngày 04/08/2022. © REUTERS - LISA LEUTNER
Quảng cáo

Theo AFP, trong ngày đàm phán đầu tiên, nhiều cuộc họp song phương đã diễn ra giữa đại diện của Liên Hiệp Châu Âu với nhiều đoàn đàm phán tại Khách sạn Cobourg, Vienna. Trước hết là với Nga, Trung Quốc, sau đó là với Iran. Đoàn Iran cũng có một cuộc đối thoại riêng với Nga, hai quốc gia vốn được coi là có quan điểm gần gũi về hồ sơ này. Theo ông Enrique Mora, nhà điều phối của Liên Âu, các cuộc thương lượng song phương như trên sẽ diễn ra từ nay đến cuối tuần.  

Hoa Kỳ gián tiếp đàm phán với Iran về việc tái lập Thỏa thuận 2015 thông qua Liên Hiệp Châu Âu. Một giới chức Liên Âu gần gũi với hồ sơ này tối hôm qua cho biết ‘‘có khả năng thực sự (đúc kết được thỏa hiệp), nhưng điều này sẽ không hề dễ dàng’’. Đặc phái viên của Mỹ, ông Robert Malley, đã có mặt ở Vienna. Trên Twitter, đại diện của Mỹ cho biết : Hoa Kỳ ‘‘không chờ đợi nhiều, nhưng sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận’’.  

Hôm nay, trả lời báo giới, phát ngôn viên về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, hối thúc Iran chấp nhận các đề xuất từ phía Hoa Kỳ. Theo phát ngôn viên này, thời gian không còn nhiều, nước Mỹ ‘‘không thể kéo dài vô tận thời gian chờ đợi Iran chấp thuận một thỏa thuận, hiện đã thành hình’’. Thỏa thuận ‘‘đã thành hình’’ mà ông John Kirby nói ở trên là dự thảo được lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell đưa ra hôm 26/07 vừa qua. Ông Borrell kêu gọi các bên chấp thuận thỏa thuận này, để tránh một cuộc ‘‘khủng hoảng nguy hiểm’’.  

Năm 2018, chính quyền Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận, đánh đổi việc dỡ bỏ trừng phạt quốc tế với việc Iran ngừng chương trình hạt nhân quân sự. Kể từ đó đến nay, do không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận 2015, Teheran gia tăng làm giàu uranium quân sự. Iran dường như sắp có đủ nhiên liệu uranium đủ để chế tạo bom nguyên tử. Chính quyền Israel – đối thủ của Iran trong khu vực – coi việc Teheran sở hữu bom nguyên tử là mối ‘‘đe dọa sống còn’’. Cuối tháng 7, bộ trưởng Quốc Phòng Israel,  Benny Gantz, cho biết Israel có thể sẽ buộc phải can thiệp vũ trang để ngăn cản tiến trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.