Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - OANH KÍCH

Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích nhà ga, ít nhất 25 người chết

Đúng sáu tháng kể từ khi Matxcơva phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, và cũng đúng ngày Độc Lập của Ukraina, hôm qua, 24/08/2022, một vụ oanh kích của quân Nga vào một nhà ga xe lửa đã khiến ít nhất 25 người chết và hàng chục người bị thương, theo thông báo của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.  

(Ảnh minh họa) - Một đoàn tàu khởi hành từ Dnipro chạy ngang qua khu vực có các đống đổ vỡ sau một cuộc không kích nhắm vào một cửa hàng bán lốp xe ở phía tây thành phố Lviv, Ukraina, ngày 18/04/2022.
(Ảnh minh họa) - Một đoàn tàu khởi hành từ Dnipro chạy ngang qua khu vực có các đống đổ vỡ sau một cuộc không kích nhắm vào một cửa hàng bán lốp xe ở phía tây thành phố Lviv, Ukraina, ngày 18/04/2022. AP - Philip Crowther
Quảng cáo

Trong bài phát biểu trực tuyến trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, ông Zelensky cho biết Nga đã bắn một tên lửa vào một nhà ga ở vùng Dnipropetrovsk, miền trung Ukraina, trúng vào các toa tàu chở đầy hành khách. Theo tổng thống Ukraina, tổng cộng có ít nhất 22 người chết, trong đó có 5 người chết thiêu trong một toa tàu. Tuy nhiên, hôm nay, số nạn nhân đã lên tới 25 người chết.

Sáng sớm hôm qua, nhiều vụ nổ đã xảy tại nhiều thành phố của Ukraina, như Kharkiv, Zaporijjia và Dnipro, theo thông báo của các chính quyền địa phương. Trong đêm qua, nhiều vụ nổ khác cũng đã được ghi nhận ở một thị trấn ngoại ô Kiev và ở Kryvy Rig, sinh quán của tổng thống Zelensky.

Lập tòa án xét xử “tội xâm lược” 

Trong khi đó, một quan chức cao cấp của Ukraina hôm nay cho hãng tin AFP biết chính quyền Kiev dự định thành lập ngay từ năm tới một tòa án quốc tế để xét xử tổng thống Nga Vladimir Putin và những người có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.  

Kế hoạch thành lập tòa án để xử về “tội xâm lược” sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Andrii Smirnov, phó văn phòng tổng thống Ukraina. Theo lời ông Smirnov, đó là phương án tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xét xử những kẻ có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Ukraina. 

“Tội xâm lược” là một khái niệm tương tự như “tội ác chiến tranh”, đã từng được sử dụng trong các phiên tòa Nuremberg và Tokyo ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt.  

Tòa án Hình sự Quốc tế đã bắt đầu điều tra về các tội ác mà tòa án này có thẩm quyền xét xử (tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh), nhưng tòa không thể điều tra về các cáo buộc về “tội xâm lược”, vì cả Nga lẫn Ukraina đều chưa phê chuẩn Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.