Vào nội dung chính
CÔNG NGHỆ - CHÂU ÂU

Châu Âu thiếu vũ khí trong trận chiến tại “vũ trụ ảo - metaverse”

Trong cuộc chạy đua công nghệ, dấn thân vào “vũ trụ ảo” (metaverse) - một thị trường tiềm năng, có thể mang lại hàng tỷ đô là cho thế giới thực, châu Âu bị bỏ lại đằng sau bởi các tập đoàn công nghệ khổng lồ từ Hoa Kỳ và châu Á.

Người chơi trò chơi thực tế ảo (Virtual Reality) tại Hội chợ trò chơi kỹ thuật số Gamescom, ở Cologne, Đức ngày 24/8/ 2022.
Người chơi trò chơi thực tế ảo (Virtual Reality) tại Hội chợ trò chơi kỹ thuật số Gamescom, ở Cologne, Đức ngày 24/8/ 2022. REUTERS - THILO SCHMUELGEN
Quảng cáo

RFI xin giới thiệu bài phân tích về thị trường công nghệ thực tế ảo đăng trên trang mạng của báo Le Monde ngày 28/08/2022.


Thuật ngữ ‘metaverse’, hay còn gọi là một vũ trụ kỹ thuật số, vũ trụ ảo, được tạo ra bởi các nền tảng công nghệ thực tế ảo mà ở trong đó con người và sự vật đều được số hóa và kết nối với nhau. Các loại thiết bị như kính 3D hoặc tai nghe cho phép con người có thể bước vào thế giới ảo, có thể mua sắm, giải trí, kiếm tiền mà vẫn có thể kết nối với thế giới thực. Những ví dụ tiêu biểu về vũ trụ ảo đó là bộ phim Matrix hoặc phim Đấu trường ảo (Ready Player One), được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của nhà văn Ernert Cline. Cuốn sách lấy bối cảnh vào năm 2045, nhân loại phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, dân số quá tải và vô vàn các vấn đề về xã hội. Để quên đi thực tại, ai cũng có cuộc sống thứ hai trong thế giới ảo được gọi là Oasis một nơi có nguồn tài nguyên khổng lồ.

Thế giới ảo nhưng lại có thể mang lại hàng tỷ đô la cho thế giới thực. Cơ quan tư vấn McKinsey cho rằng tiềm năng kinh tế hàng năm mà thị trường thế giới ảo có thể mang lại lên đến 5000 tỷ đô la, từ nay cho đến cuối thập kỷ này. Các công nghệ trong thế giới ảo như bộ nhớ đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, trở thành một cơn sốt của xã hội kỹ thuật số hiện nay.

“Metaverse - Vũ trụ ảo” được công luận chú ý nhiều hơn khi Facebook thông báo đổi tên thành Meta vào năm 2021, đồng thời thông báo khoản đầu tư 10 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2030 để phát triển vũ trũ ảo. Các tập đoàn công nghệ lớn khác của Hoa Kỳ như Microsoft và Epic Games hay Roblox cũng tham gia vào cuộc đua “ảo”. Các tập đoàn công nghệ châu Á như Sony, Samsung hay HTC cũng không bỏ lỡ thị trường này.

Tại sao thị trường ảo lại được các doanh nghiệp không phải châu Âu quan tâm đến thế ?

Trên thực tế, vũ trụ ảo, hoạt động nhờ công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality). Loại công nghệ này ngày càng xâm nhập sâu hơn vào gần như tất các lĩnh vực, không chỉ đối với những người dùng nhập vai trong các trò chơi mà cả với các doanh nghiệp. Trong các lĩnh vực như hàng không, sản xuất ô tô, xây dựng, giáo dục, truyền thông, giải trí hay cả du lịch và y tế. Tại châu Âu, tập đoàn Ikea bán nhà qua các mô hình 3D. Tập đoàn vận chuyển DHL của Đức ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality Technology) – dưới dạng camera tích hợp với điện thoại thông minh hoặc mắt kính để tối ưu hóa các dịch vụ vận chuyển. Tập đoàn xây dựng Pháp Bouygues Construction đưa khách hàng thăm các tòa nhà mẫu trước khi xây dựng. Các ứng dụng của thực tế ảo ngày càng gia tăng nơi ở châu Âu - trở thành sân chơi mới của những tập đoàn như Google, Apple hay Meta.

Vào năm 2020, ngành công nghiệp thực tế ảo của châu Âu đã tạo ra doanh thu 8 tỷ euro, con số này có thể đạt từ 35 đến 65 tỷ euro vào năm 2025 và tạo ra hơn 400 000 việc làm. Những thông số này được đưa ra trong một báo cáo của cơ quan tư vấn Ecorys, thực hiện cùng với Hiệp hội thực tế ảo XR Association, gồm Meta, Google, Microsoft của Hoa Kỳ, Sony của Nhật Bản, Sam Sung của Hàn Quốc và HTC Vive của Đài Loan. Tại Bruxelles, các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ, Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) cũng đang gây áp lực, áp đặt đế chế thế giới ảo của mình đối với châu Âu, giống như cách mà các công ty này làm đối với Internet.

Châu Âu có nguy cơ bị “đô hộ” một lần nữa trong thế giới ảo vì thiếu nguồn lực chiến đấu.Tập đoàn phần mềm số 1 của Pháp và hàng đầu của châu Âu Dassault Systems lại có vẻ kín đáo trước cuộc cách mạng ảo. Châu Âu cũng chưa có doanh nghiệp lớn nào liều lĩnh đầu tư vào thế giới ảo như Meta.

Tại sao thực tế ảo của châu Âu lại bị bỏ lại phía sau Hoa Kỳ và châu Á ?

Theo Hiệp hội thực tế ảo ở châu Âu Association XR4Europe, một trong những vấn đề mà châu lục này gặp phải đó là thị trường bị phân mảnh và quy mô chưa đủ lớn để cạnh tranh bình đẳng với Mỹ và các tập đoàn lớn của châu Á. Sự phân mảnh này được thể hiện ở nguồn kinh phí chưa tương xứng với những thách thức mà thực tế ảo đặt ra. Các thiết bị như kính, tai nghe, hay công nghệ tái tạo cảm giác - xúc giác, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Nếu như châu Âu lập ra một kế hoạch hỗ trợ tài chính thì có khả năng cạnh tranh với châu Âu trong vũ trụ ảo. Tuy nhiên các quỹ của châu Âu lại không dồi dào trong lĩnh vực này.

So với khoản 10 tỷ đô la đầu tư vào vũ trụ ảo của riêng tập đoàn Meta, Ủy Ban Châu Âu đưa ra khoản đầu tư 170 triệu euro từ năm 2018, phục vụ nghiên cứu vào phát triển các công nghệ ảo. Từ năm 1990, tất cả các quỹ châu Âu tài trợ nghiên cứu trong hơn 450 dự án về thực tế ảo cộng lại, chỉ hơn 1 tỷ euro.

Vào cuối năm 2018, dự án XR4QL, trực thuộc Hiệp hội XR4 Europe, được tài trợ 1,5 triệu euro cho khoảng 30 sáng kiến phát triển thực tế ảo.

Trên thực tế, châu Âu hoàn toàn có tiềm năng phát triển thực tế ảo. Theo bà Morgan Bouchet, giám đốc phụ trách chương trình “XR, tin học không gian và vũ trụ ảo” tại Orange, châu Âu có thể dựa vào một hệ sinh thái công nghệ, gồm những người lập trình, các studio và các thương hiệu uy tín để tiếp cận công nghệ thực tế ảo một cách dễ dàng. Ở châu Âu có các studio tốt nhất thế giới về thiết kế tương tác (như hoạt hình hay trò chơi điện tử). Pháp và Đức là hai công ty đi đầu trong lĩnh vực thực tế ảo.

Ví dụ như ở Bochum, Đức, nền tảng Heath Reality được tài trở bởi các quỹ châu Âu, cung cấp các dịch vụ ảo trong trị liệu. Các nhà sản xuất ô tô của Đức như Audi, BMW, Volkswagen cũng quan tâm đến thực tế ảo. Tại Pháp, triển lãm Laval Virtuel Europe lần thứ 25 sẽ được tổ chức vào năl 2023. Triển lãm trưng bày các loại thiết bị giúp người dùng bước vào vũ trụ ảo như tai nghe, kính thực tế tăng cường hay các thiết bị xúc giác. Một số doanh nghiệp của Pháp như Airbus, Peugot-Citroen đều có khả năng về thế giới ảo. Tập đoàn Dassault Systèmes của Pháp có phương tiện để trở thành GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) của châu Âu trong vũ trụ ảo. Tập đoàn này đã cung cấp các giải pháp thực tế ảo như mô phỏng cơ thể con người trong thực tế ảo trước khi can thiệp y khoa, hay thiết kế các mô hình máy bay 3D trước khi sản xuất.

Các công ty khởi nghiệp cũng quan tâm đến thực tế ảo. Lynx là start-up duy nhất của Pháp thiết kế và sản xuất tai nghe thực tế ảo hỗn hợp. Tuy nhiên quy trình lắp ráp được thực hiện ở Đài Loan. Chủ doanh nghiệp này hy vọng có thể sớm xây dựng nhà máy ở châu Âu và có thể cạnh tranh với các loại tai nghe của Meta (Quest Meta). Phần Lan cũng có 1 start up Varjom chuyên sản xuất kính tai nghe thực tế ảo.

Châu Âu cũng có các nền tảng thiết kế thế giới ảo như Engage của Irland hay VrrOOm củaPháp. Chủ doanh nghiệp Massive Immersive, chuyên tư vấn và đào tạo các dự án sử dụng công nghệ cho phép nhập vai vào thế giới ảo, ông James Zopissa cho biết để có thể đương đầu với các đối thủ bên kia bờ Đại Tây Dương và châu Á, “thì hỗ trợ tài chính của châu Âu là rất cần thiết và cần phải có một chính sách hỗ trợ cụ thể”.

Vậy chính sách hỗ trợ của châu Âu là gì ?

Trong thời gian Pháp làm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu nửa đầu năm 2022, bất chấp thách thức “metaverse” do Meta đưa ra vào mùa thu năm 2021, châu Âu lại không đề xuất chiến lược nào.

Năm 2020, Uỷ Ban Châu Âu đã lập một Liên minh công nghiệp về thực tế ảo để đối thoại với những cốt cáng trong lĩnh vực này. Liên minh này đáng lẽ ra vào tháng 6/2022 phải đệ trình “tài liệu chiến lược về hệ sinh thái thực tế ảo và thực tế tăng cường, bao gồm cả các khuyến nghị về chính sách công”. Việc công bố tài liệu này bị hoãn lại đến tháng 9. Châu Âu sẽ dựa theo khuyến nghị mà ủy ban này đưa ra để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp trong lĩnh vực thực tế ảo.

Theo một phát ngôn viên của Bruxelles, trong giai đoạn 2023-2024, “Ủy Ban Châu Âu sẽ có chiến lược hỗ trợ phát triển các công nghệ và thiết bị sử dụng trong thế giới ảo. Điều này nhằm mục đích hỗ trợ việc tiếp nhận các công nghệ này trong các lĩnh vực chủ chốt như ngành xây dựng, sản xuất, y tế và truyền thông”. Tuy nhiên, ông Alain Gallez, đại diện của Hiệp hội thực tế ảo châu Âu XR4Europe cho hay : “ trong ngắn hạn, thì chúng tôi không biết làm sao một doanh nghiệp châu Âu có khả năng phát triển tương đương với quy mô của Meta. Tập đoàn này đang đặt cược vào phát triển đa nền tảng.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.