Vào nội dung chính
NGA-GORBACHEV-PUTIN

Gorbachev và Putin, hai lãnh đạo hoàn toàn đối chọi

Tang lễ của cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, qua đời ngày 30/08/2022, sẽ được cử hành ngày mai, 03/09. Hãng tin TASS cho biết, ông sẽ được chôn kế bên người vợ Raissa, từ trần năm 1999. Theo thông báo của điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dự tang lễ, vì "lịch làm việc của tổng thống quá dày đặc". Tuy vậy, theo các hình ảnh trên đài truyền hình Nga, hôm qua ông Putin có đến bệnh viện ở Matxcơva để viếng linh cữu của vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô. 

Ảnh tư liệu: Tổng thống Nga Putin và cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev tại  Schleswig, Đức, ngày 21/12/2004.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Nga Putin và cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev tại Schleswig, Đức, ngày 21/12/2004. AP - Heribert Proepper
Quảng cáo

Rõ ràng là chủ nhân điện Kremlin đã có những cử chỉ tối thiểu đối với người tiền nhiệm Gorbachev và điều này phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa hai nhân vật lãnh đạo đối chọi với nhau hoàn toàn. 

Lên lãnh đạo nước Nga từ năm 2000, Putin vẫn xem sự tan rã của Liên Xô là “ tai họa địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ 20. Và dĩ nhiên ông Putin, một người vẫn hoài niệm về thời Liên Xô hùng mạnh, không thể tha thứ cho Gorbachev, bị xem là kẻ đã khai tử quốc gia đầu đàn của khối Cộng Sản. 

Trái ngược với những lời ca ngợi của các lãnh đạo phương Tây, trong bức điện chia buồn hôm 31/08 gởi gia đình Gorbachev, tổng thống Nga chỉ ghi nhận một cách chung chung: “ Mikhail Gorbachev là một chính khách và một lãnh đạo đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử của thế giới. Ông đã điều hành đất nước chúng ta trong một thời kỳ có nhiều thay đổi phức tạp và bi thảm, với đầy những thách thức lớn về ngoại giao, kinh tế và xã hội.” 

Về phần Gorbachev, ông đã rất nhiều lần chỉ trích Putin, tuy vẫn xem ông là một cơ may cho sự phát triển ổn định của nước Nga. Nói chung, như nhận định của hãng tin AFP, trong hơn 20 năm tổng thống Putin cầm quyền, quan hệ giữa ông với Gorbachev vừa có sự nể trọng lẫn nhau vừa trách móc lẫn nhau, và cuối cùng đó là giữa hai ông vẫn còn sự tôn trọng, nhưng vừa có sự xa cách. 

Quan hệ ban đầu rất tốt

Thật ra thì ban đầu, khi Putin lên cầm quyền thay thế tổng thống Nga Boris Yeltsin vào năm 2000, quan hệ giữa ông với vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô rất tốt. Vào tháng 3 năm đó, Gorbachev đã không hết lời ca ngợi tân tổng thống Nga: “ Putin rất thông minh, nghiêm túc, chừng mực, tổ chức tốt: tôi rất thích những người như vậy”. Mặc dù ngay từ lúc ấy Putin đã chứng tỏ là một lãnh đạo chuyên quyền và kiên quyết dẹp tan lực lượng ly khai ở nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, “bất kể số người chết nhiều đến đâu”, nhưng theo cái nhìn của ông Gorbachev, Putin hành động như vậy “chỉ là vì lợi ích của nước Nga”. 

Đến tháng 11/2006, ông Gorbachev vẫn còn bênh vực tổng thống Nga, cho rằng sở dĩ chủ nhân điện Kremlin không phải là một “nhà dân chủ mẫu mực”, đó là vì ông thừa hưởng một đất nước trong tình trạng thảm hại. Trong cùng năm đó, nhân sinh nhật 75 tuổi của cựu tổng thống Liên Xô, ông Putin cũng có những lời ưu ái không kém, xem Gorbachev là một trong những lãnh đạo đã đánh dấu lịch sử đương đại, “nhất là đã giúp cho nước Nga tiến một bước có tính chất quyết định đến nền dân chủ”.

Gorbachev "xấu hổ" vì đã ủng hộ Putin

Nhưng chính quyền Putin sau đó đã ngày càng trở nên độc đoán, đẩy lùi mọi hy vọng về dân chủ hóa ở Nga. Thay cho những lời ca tụng, Gorbachev bắt đầu chỉ trích tổng thống Putin. Vào năm 2008, ông đã lên án “không gian tự do ngày càng bị thu hẹp” và đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất đã trở thành “bản sao tệ hại nhất của đảng Cộng Sản”.

Cuối năm 2011, trên tờ nhật báo độc lập Novaia Gazetta mà ông là đồng sở hữu chủ, Gorbachev thổ lộ rằng ông rất “xấu hổ” vì đã ủng hộ Putin khi ông lên cầm quyền. Cựu tổng thống Liên Xô nói thêm: "Chúng ta đã quen với việc tất cả đều được quyết định trước, nhưng chúng ta dầu sao cũng có tham vọng dân chủ”. 

Trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ vào năm 2012, Gorbachev đã đánh giá Putin là một người “rất nhạy cảm, xấu tính và hay thù oán, những cá tính không thể chấp nhận được đối với một lãnh đạo tầm cỡ như vậy”. 

Sau nhiều năm quan hệ đầy những thăng trầm, giữa Putin và Gorbachev không còn chỉ trích nhau nữa, nhưng cũng không còn ca ngợi nhau, mà đúng hơn là thận trọng giữ khoảng cách với nhau.

Tuy vậy, vào năm 2014, cựu tổng thống Liên Xô đã hoan nghênh việc tổng thống Putin sáp nhập vùng Crimée của Ukraina vào nước Nga. Nhân lễ kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm đó, Gorbachev đã bảo vệ lập trường của Matxcơva và lên án sự can thiệp của Mỹ: “ Tôi sẽ mạnh mẽ bảo vệ nước Nga và bảo vệ tổng thống Putin. Tôi hoàn toàn tin tưởng là Putin bảo vệ các lợi ích của nước Nga tốt hơn bất cứ ai khác.” Chính vì vậy mà kể từ năm 2016  ông Gorbachev đã bị cấm nhập cảnh Ukraina. 

Trước khi Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2018, Gorbachev đã cay đắng nhìn nhận “ xã hội ngày nay vẫn ủng hộ Putin tiếp tục làm tổng thống”.

Nói chung, Putin và Gorbachev là hai nhân vật lãnh đạo hoàn toàn đối chọi nhau, theo nhận định của tuần báo Pháp Le Point. Chỉ trong chưa tới 7 năm Gorbachev ở điện Kremlin, chiến tranh lạnh đã chấm dứt, bức tường Berlin đã sụp đổ, châu Âu không còn bị chia cắt thành hai khối, Liên Bang Xô Viết tan rã. 

Nhưng khi là người đào mồ chôn Liên Xô dù không muốn như thế, Gorbachev đã mở đường cho những năm đầy hỗn loạn dưới thời Boris Yeltsin và chính trong bối cảnh đó là Vladimir Putin đã xuất hiện như một người hùng với tham vọng phục hồi đế chế Nga và làm ngược lại hoàn toàn với người tiền nhiệm thời Liên Xô. 

Trong khi Gorbachev đã muốn dân chủ hóa một chế độ độc tài, nhưng đã thất bại, thì Putin làm đủ mọi cách để khôi phục nền chuyên chế và chống lại mọi cuộc “cách mạng màu” ở các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ, vì xem đây là mối đe dọa cho nước Nga   và cho chính chế độ độc đoán của ông.

Về quốc tế, trong khi Gorbachev, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1990, xem nước Nga là một phần của châu Âu và chủ trương là nước Nga phải sống hòa thuận với các nước láng giềng phương Tây, thì Putin có tham vọng xây dựng một “thế giới Nga” đối lập hoàn toàn với các nước châu Âu khác.

Trong khi Gorbachev trao lại tự do cho những nước trong khối Xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, giúp cho Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO mở rộng thành một khối “ Đại Châu Âu”, thì Putin lại muốn theo bước chân của Ivan Bạo chúa, không chấp nhận một châu Âu dân chủ và thân Mỹ, xem việc các nước láng giềng của Nga ngả theo Tây phương là một mối đe dọa cho tham vọng phục hồi đế chế của ông. Và chính là với một nhãn quan như vậy mà chủ nhân điện Kremlin đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. 

Tương đồng giữa Gorbachev và Putin?

Nhưng theo Le Point, có một điểm mà Putin và Gorbachev có thể giống nhau, đó là qua hành động của mình đã đưa đất nước đến một tình thế không thể kiểm soát được nữa. Chính vì muốn khôi phục sức mạnh của Liên Bang Xô Viết, Gorbachev đã cố gắng hiện đại hóa đất nước rộng lớn này, nhưng đã vô tình khiến Liên Xô tan rã và ông cũng mất chức tổng thống. Nay, với việc đưa quân sang đánh chiếm Ukraina, Putin cũng muốn khôi phục nước Đại Nga, nhưng đã hơn sáu tháng mà tổng thống Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu là chiếm toàn bộ nước láng giềng và lật đổ tổng thống Volodymyr Zelensky. Hiện giờ, ông Putin vẫn còn nhiều người dân Nga ủng hộ, họ vẫn tin là tổng thống của họ rồi sẽ thắng trận. Nhưng sự ủng hộ này sẽ kéo dài được bao lâu? Có khi nào lịch sử của Liên Xô trước đây sẽ tái diễn với nước Nga hiện nay? 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.