Vào nội dung chính
BELARUS - CHIÊN TRANH UKRAINA

Tổng thống Alexandre Loukachenko có thực sự muốn Belarus tham chiến tại Ukraina ?

Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko hôm thứ Hai (10/10) thông báo đất nước ông sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của đồng minh Nga tại Ukraina. Một quyết định có hệ quả lớn cho một chế độ cho đến giờ vẫn cố giữ khoảng cách với cuộc chiến.

Tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko (P) họp với các tướng lĩnh quân đội tại Minsk, ngày 10/10/2022.
Tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko (P) họp với các tướng lĩnh quân đội tại Minsk, ngày 10/10/2022. AP - Nikolai Petrov
Quảng cáo

Tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko đã khẳng định hôm 10/10 rằng đất nước ông sẽ triển khai một nhóm quân « phối hợp » với Nga trong khuôn khổ cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina.

Nhà chính trị chuyên quyền, 68 tuổi lãnh đạo Belarus từ năm 1994, đã khẳng định sẵn sàng đón nhận trên lãnh thổ của nước mình nhiều đơn vị quân đồng minh Nga hơn nữa. Để biện minh cho hành động leo thang chiến tranh này, ông ta đã dẫn ra vụ nổ trên cây cầu Kertch nối Crimée với Nga và nói đến những mối đe dọa « khủng bố » giả định bắt nguồn từ Ba Lan và Litva.

Loukachenko, người đi dây thận trọng

Hiện mới chỉ là những lời đe dọa. Nhưng các thông tin cho thấy công ty đường sắt Belarus đang chờ đón những đoàn tàu quan trọng đến từ Nga và các trại huấn luyện quân sự ở Belarus đang chuẩn bị đón các binh sĩ Nga. Những chi tiết đó cho thấy « Alexandre Loukachenko sẵn sàng chuyển từ lời nói sang hành động », Nadja Douglas, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu của Berlin, nhấn mạnh.

Sự ủng hộ của Belarus tích cực hơn cho nỗ lực chiến tranh của Matxcơva khiến chuyên gia này bất ngờ. Từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraina, Alexandre Loukchenko vẫn tỏ ra thận trọng, « luôn phủ nhận việc đất nước của ông tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh này », chuyên gia Nadja Douglas cho biết.

« Điều cho thấy Belarus không phải là nước trung lập đó là Alexandre Loukachenko đi theo hướng của Vladimir Putin và cổ vũ quyết tâm tuyên chiến của Putin. Khẩu khí chống phương Tây của ông ta cũng góp phần làm tăng thêm các căng thẳng », bà Ekaterina Pierson – Lyzhina, chuyên gia về Belarus thuộc Đại học Bruxelles nhận định. 

Khởi đầu cuộc xâm lăng của Nga, Belarus đã được dùng làm hậu cứ cho đợt tấn công đầu tiên vào Kiev. Đã có nhiều đạn pháo và tên lửa Nga bắn từ Belarus vào lãnh thổ Ukraina, bà Ekaterina Pierson-Lyzhina lưu ý.

Nhưng song song đó, ông ta cũng cố chứng tỏ như là đồng minh có lý trí của Nga và là một người có thể đối thoại của phương Tây. Alexandre Loukchenko đã từng muốn thể hiện như một « con người hòa bình ».

Vốn có tiếng là người đi dây trong ngoại giao, ông ta lặp lại tuyên truyền của Matxcơva, theo đó hành động của Nga là chỉ để đáp trả những khiêu khích của Ukraina và phương Tây. Hồi tháng 5, ông quả quyết rằng « tất cả đã diễn ra không dự tính ». Thậm chí Alexandre Loukachenko còn « phạm thượng khi quân » với Vladimir Putin khi sử dụng từ « chiến tranh » trong khi Matxcơva vẫn khăng khăng gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

Theo phân tích của chuyên gia Ekaterina Pierson-Lyzhina thì đó là thái độ phù hợp với « phong cách ngoại giao của Alexandre Loukachenko, ông ta cố chứng tỏ ít nhiều cũng có tự chủ đối với Matxcơva ».

Người Belarus chống chiến tranh

Đầu tháng 9, lãnh đạo chế độ Minsk thậm chí đã thông báo một bộ luật ân xá liên quan đến nhiều tù chính trị. Đây là hành động  chìa tay ra với phương Tây, bởi việc thả tù chính trị là một trong nhưng đòi hỏi của phương Tây như là điều kiện trong trường hợp nếu hủy bỏ các trừng phạt đối với Belarus do bị cho là dính líu đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, như giải thích của nhà báo Belarus Igor Ilyash trong một bài viết đăng trên trang mạng Worldcrunch.

Nhưng điều chủ yếu là «  Alexandre Loukachenko không muốn đưa quân vào Ukraina bởi vì ông ta biết rằng đại đa số người dân Belarus phản đối việc đất nước của họ nhảy vào cuộc chiến tranh »  nhà chính trị  Nadja Douglas giải thích.

Chính quyền Belarus đã cố sức trấn áp mạnh tay phong trào phản kháng sau khi Alexandre Loukachenko tái đắc cử tổng thống năm 2020 trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Ông Loukachenko không hề muốn lại bị vướng vào các cuộc biểu tình phản kháng mới.  

Khái độ do dự của ông ta không chỉ liên quan đến dư luận chống đối của dân chúng. «  Sự trung thành của quân đội cũng rất tương đối. Tổng thống Belarus chủ yếu dựa vào lực lượng an ninh nội địa, không  quan tâm đến các đơn vị quân đội bảo vệ biên giới. Ông ta không thể trông cậy vào các binh sĩ không phải là những người có động cơ » tích cực bảo vệ ông, chuyên gia Nadja Douglas phân tích.

Tuy nhiên, Alexandre Loukachenko dường như sẵn sàng bất chấp tất cả những lý do khiến ông phải giữ khoảng cách. Tại sao ông ta lại  trở nên hiếu chiến như vậy ? Có thể là bởi « sức ép của Nga đã trở nên quá lớn », theo chuyên gia Ekaterina Pierson-Lyzhina.

Minsk sợ rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra về Liên minh Nga và Belarus - xích lại gần nhau về chính trị nhằm thiết lập một thực thể siêu quốc gia theo kiểu Liên hiệp giữa hai quốc gia- sẽ dẫn đến « thống nhất hai nước dưới sự kiểm soát của Matxcơva . Chính quyền Belarus bắt đầu lo sợ không chỉ cho quyền tự trị của mình mà còn cho chủ quyền của đất nước », nhà nghiên cứu Nadja Douglas nhận định. 

Vụ nổ trên cầu Kertchđã có thể được dùng như là nhân tố kích hoạt. Minsk có thể sử dụng vụ việc như một cái cớ với diễn giải vụ việc là Ukraina đã tấn công đất Nga. Theo nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong Liên minh Nga –Belarus, thì Belarus phải tham gia vào cuộc xung đột.

Matxcơva được lợi gì ?

Với Matxcơva, việc Belarus can dự sâu vào trong cuộc chiến tranh của họ ở Ukraina trước tiên có tầm quan trọng biểu tượng : Nó làm cho Vladimir Putin phần nào thoát khỏi thế lẻ loi trước một Ukraina được toàn thể các nước NATO hậu thuẫn.

Nhưng đồng thời việc đó cũng giúp tổng thống Nga củng cố sự chi phối đối với người láng giềng, chuyên gia Nadja Douglas ghi nhận. Nếu như Alexandre Loukachenko thực sự đưa quân sang Ukraina, ông ta sẽ rất khó lấy lại được bài ngoại giao vốn là xử khéo với cả phương tây và Nga cùng lúc. Nhưng « đó là cách để Matxcơva gia cố lòng trung thành của chính quyền Belarus », Nadja Douglas khẳng định.

Sự đóng góp quân sự tuy nhiên lại là vấn đề đáng tranh luận. Quân đội Belarus có khoảng 40 nghìn lính « được trang bị không mấy hiện đại và không hề có kinh nghiệm trận mạc thực tế », theo chuyên gia Douglas . Hiện nay vấn đề đặt ra là tập trung 10 nghìn quân ở biên giới với Ukraina, « điều này sẽ không có tác động nhiều trước các đội quân Ukraina được trang bị và huấn luyện tốt hơn ». 

Matxcơva không trông đợi Belarus động viên quân dự bị. «  Alexandre Loukchenko sẽ không bao giờ đặt vũ khí vào tay dân, những người có thể sẽ quay lại chống chính ông ta » Ekaterina Pierson Lyzhina khẳng định. Theo chuyên gia này, cam kết gia tăng của Belarus trên con đường chiến tranh « gây ra bất an ở phía bắc cho Kiev ». Nhìn từ Matxcơva, vấn đề chính là lợi ích chiến lược. Cho dù không có gì ấn tượng lắm, quân đội Belarus vẫn tồn tại và có thể ngăn cản Ukraina dồn toàn bộ lực lượng lên mặt trận vùng miền nam và Donbass.

Các chuyên gia cũng nhận thấy đây cũng là một rủi ro chính trị rất lớn cho Alexandre Loukachenko. Sự chi phối của ông với đối với đất nước chắc chắn đủ mạnh để có thể chính thức tham chiến mà không làm bùng lên một phong trào nổi dậy mới ỏ trong nước, nhưng « nếu các quan tài binh sĩ tử trận ở Ukraina được đưa trở về Belarus, thì tình hình sẽ trở nên không lường trước được với chế độ », chuyên gia Ekaterina Pierson Lyzhina khẳng định. 

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.