Vào nội dung chính
ĐỨC-TRUNG QUỐC

Thủ tướng Đức công du Trung Quốc : Berlin kêu gọi bình đẳng trong quan hệ thương mại

Kết thúc chuyến công du Trung Quốc trong chưa đầy một ngày, hôm qua, 04/11/2022, thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi « đẩy mạnh hợp tác kinh tế » vì lợi ích chung. Bắc Kinh nhấn mạnh đến một mối bang giao có « có lợi cho cả đôi bên ». 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/11/2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/11/2022. via REUTERS - POOL
Quảng cáo

Sau khi hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong buổi làm việc với đồng cấp Lý Khắc Cường, đã tuyên bố, về kinh tế, Berlin chủ trương một mối quan hệ « cân bằng, có qua có lại », kể cả trong lĩnh vực đầu tư. Đức mong rằng Trung Quốc cũng phải mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào Hoa Lục.

Liên quan đến chiến tranh Ukraina thủ tướng Scholz kêu gọi ông Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Matxcơva để thuyết phục Nga chấm dứt xâm lăng Ukraina. Vẫn theo lời thủ tướng Đức, Berlin và Bắc Kinh « nhất trí » cho rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết chiến tranh Ukraina thì đây sẽ là « một mối nguy hiểm chung cho toàn thế giới, kể cả với Trung Quốc ».

Bất chấp những chỉ trích gay gắt ngay trong chính phủ liên minh, thủ tướng Đức vẫn duy trì chuyến công du Trung Quốc với mục đích đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Tuy nhiên, dường như chuyến đi không đạt nhiều kết quả. Trong thông cáo tổng kết chuyến đi Trung Quốc của thủ tướng Scholz, Berlin không nêu những hợp đồng cụ thể đã được ký kết.

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình:

« Những ai từng kỳ vọng vào một bước ngoặt trong chính sách của Berlin với Bắc Kinh ắt hẳn sẽ thất vọng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại ông phản đối mọi ý tưởng tách rời khỏi Trung Quốc. Trên thảm đỏ mà các nhân viên sân bay mặc đồ bảo hộ phòng chống Covid màu trắng đã trải trên lối đi, có khoảng một chục doanh nhân Đức, trong đó có lãnh đạo tập đoàn xe hơi Volkswagen hay BASF. Trong những bộ âu phục sậm màu, họ chờ đợi ký được nhiều hợp đồng với Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến Bắc Kinh từ khi Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ.

Thực ra cho đến tối qua, cho đến khi thủ tướng Đức lên đường về nước, không ai biết đã có những hợp đồng nào được thông qua nhân chuyến đi ngắn ngủi này hay không. 23 giờ bay, 11 giờ có mặt tại chỗ, Olaf Scholz có nhiều vấn đề cần trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc. Trong đó có các quy định về trao đổi mậu dịch và đầu tư bất lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, khó khăn của các tập đoàn sản xuất do các đợt phong tỏa phòng chống Covid liên tiếp. Bên cạnh đó còn phải kể đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, nhân quyền …

Theo phía Đức, tất cả những chủ đề này đã được đề cập đến. Berlin muốn xoa dịu những chỉ trích, đặc biệt là từ phía châu Âu, về chuyến đi của ông Olaf Scholz lần này. Trong khi đó thì ngành ngoại giao Trung Quốc đang rất hài lòng về sự hiện diện của thủ tướng Đức tại Bắc Kinh ».

Bắc Kinh thông báo hợp tác với Đức trong lĩnh vực vac-xin. Trước khi lên máy bay trở lại Berlin, thủ tướng Scholz cho biết người nước ngoài tại Hoa Lục sử dụng vac-xin của tập đoàn BioNTech ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.