Vào nội dung chính
NGA - BELARUS - HỢP TÁC

Nga tăng cường quan hệ quân sự với Belarus

Đến thăm Belarus hôm qua, 19/12/2022, lần đầu tiên trong vòng 3 năm, tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với đồng nhiệm Belarus Alexander Lukachenko trong hơn 4 tiếng đồng hồ. Kết quả hội đàm là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự, nhưng không có biện pháp quan trọng nào được hai nhà lãnh đạo công bố.

Tổng thống Belarus Alexander Lukachenko (T) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Minsk, Belarus, ngày 19/12/2022.
Tổng thống Belarus Alexander Lukachenko (T) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Minsk, Belarus, ngày 19/12/2022. via REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus ở Minsk, ông Putin đã loan báo thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được trong các cuộc hội đàm "có thực chất",  nhằm tăng cường hợp tác trong "mọi lĩnh vực", đặc biệt là quốc phòng.

Ông Putin cho biết đây là "các biện pháp chung để đảm bảo an ninh" cho hai nước, đồng thời thông báo "việc cung cấp vũ khí cho nhau", cũng như việc sản xuất vũ khí chung. Nga cũng sẽ tiếp tục huấn luyện phi công Belarus để điều khiển các loại máy bay có thiết kế từ thời Liên Xô có khả năng mang bom hạt nhân.

Thông báo về việc Minsk và Matxcơva tăng cường quan hệ quân sự được đưa ra vào lúc nhiều người tại Ukraina đang lo lắng về khả năng Belarus có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Dù vấn đề hợp tác quân sự đã được tổng thống Nga và Belarus xếp ngang hàng với các hồ sơ hợp tác kinh tế và công nghiệp, thế nhưng ở Kiev, không có ai nghi ngờ về mục tiêu cuộc họp Putin-Lukachenko: Thảo luận về việc Belarus tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến, mà trước hết là khả năng mở một cuộc tấn công vào Kiev từ lãnh thổ Belarus, ngay trong mùa đông này.

Kịch bản đó dĩ nhiên không được nói ra. Ông Lukashenko chỉ lên tiếng ca ngợi viện trợ quan trọng mà Nga cung cấp cho đất nước ông khi xác định rằng: "Nga có thể không cần đến chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể không cần Nga". Về phần mình, Vladimir Putin dĩ nhiên là đã nhấn mạnh đến quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, nhưng khẳng định rằng Nga không có lợi ích trong việc thâu tóm Belarus.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua đã không ngần ngại chế nhạo tuyên bố nói trên của ông Putin, gọi đấy là “đỉnh cao của sự mỉa mai đến từ một nhà lãnh đạo đang tìm cách trong thời điểm hiện tại - chính xác là vào lúc này – thâu tóm bằng bạo lực một láng giềng hiền hòa khác sát cạnh mình”.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price muốn nói đến Ukraina, quốc gia đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mới bằng drone của Nga trong đêm 18 rạng sáng 19/12, khiến hàng nghìn người Ukraina bị mất điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.