Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN

Thụy Điển đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu nhưng không nhiệt tình

Kể từ ngày 01/01/2023, Thụy Điển chính thức lên làm chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 6 tháng. Stockholm sẽ đứng đầu trong các cuộc đàm phán và những thoả hiệp với Nghị Viện Châu Âu. Một trong những ưu tiên của Vương quốc Scandinavia trong nhiệm kỳ này là thúc đẩy tự do thương mại và loại trừ xu hướng bảo hộ mậu dịch. Lập trường này của Thuỵ Điển có thể tạo ra căng thẳng trong khối 27 nước, trong bối cảnh Pháp và Đức muốn có chính sách cứng rắn hơn, bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước đạo luật « bảo hộ mậu dịch » của Hoa Kỳ - Inflation Reduction Act.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, ngày 20/10/2022.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, ngày 20/10/2022. REUTERS - PIROSCHKA VAN DE WOUW
Quảng cáo

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Hery Jean-Jacques tường trình : 

“Tại Bruxelles, mọi người không chờ đợi là Thụy Điển sẽ gây nhiều xáo trộn hay nhiệt tình quá trớn khi nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Trên thực tế, vương quốc vùng Scandinavia vốn dĩ luôn giữ một khoảng cách nào đó đối với Liên Hiệp Châu Âu. Bằng chứng là việc quốc gia này từ chối sử dụng euro - đồng tiền chung châu Âu. 

Do vậy, với thái độ dè dặt, Stockholm đã thông báo ý định khởi động lại nhiều cuộc đàm phán và thoả thuận thương mại mặc dù bối cảnh không mấy thuận lợi. Nhiều quốc gia, trong đó có cặp đôi Pháp - Đức đã đứng lên chống lại Hoa Kỳ và luật giảm lạm phát Inflation Reduction Act - một kế hoạch hỗ trợ trị giá 420 tỷ đô la, bị tố cáo là “bảo hộ mậu dịch”. Đạo luật này chỉ dành cho các doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ. Theo Ủy viên châu Âu, Thierry Breton, phụ trách Thị trường nội địa của khối, điều đó sẽ bóp méo sự cạnh tranh, gây bất lợi cho những doanh nghiệp của Liên Âu.  

Về thương mại, các ý định của Thụy Điển có vẻ như là đi ngược lại với tham vọng của Pháp-Đức, muốn chống lại Hoa Kỳ. Do vậy cần phải đạt được một thoả hiệp và giúp cho guồng máy châu Âu vận hành trơn tru. Nhưng bằng cách nào ? Câu trả lời có lẽ sẽ có những chỉ dấu đầu tiên nhân phiên họp sắp tới của hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức, dự trù được tổ chức vào cuối tháng Giêng. Paris và Berlin có thể nhân cơ hội đó làm rõ hơn lập trường của hai nước trong hồ sơ này.” 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.