Vào nội dung chính
UNESCO - UKRAINA

UNESCO chống nạn buôn lậu tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Ukraina

Ngay từ những tháng đầu tiên của cuộc chiến, hình ảnh các viện bảo tàng bị đốt cháy, các bộ sưu tập bị phá hủy hoàn toàn, đã lan truyền trên mạng xã hội. Một nỗi lo khác là nguy cơ các tác phẩm bị đánh cắp, bị bán ra nước ngoài. Để ngăn chặn tệ nạn này, UNESCO đang đào tạo các cơ quan thực thi pháp luật ở những nước láng giềng, đặc biệt là tại Ba Lan.

Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng đệ nhất phu nhân Ukraina Olena Zelenska trong cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 12/12/2022.
Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng đệ nhất phu nhân Ukraina Olena Zelenska trong cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 12/12/2022. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Martin Chabal từ Ba Lan tường trình:

“Việc buôn lậu các tác phẩm của Ukraina có thể diễn ra trong những năm tới. Bà Krista Pikkat, giám đốc phụ trách Văn hóa và Các Tình Huống Khẩn Cấp tại UNESCO, đang cố gắng cung cấp tất cả những công cụ cần thiết cho các nhân viên hải quan và cơ quan thực thi pháp luật sẽ phải đối mặt với vấn đề này.

Bà Pikkat cho biết: “Mục tiêu chính là phòng ngừa, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn phân tích thêm các trường hợp cụ thể, để họ có thể thấy các công cụ đó vận hành như thế nào”.

Các loại tiền bằng kim loại, các biểu tượng tôn giáo hay hiện vật khảo cổ đều được UNESCO và lực lượng biên phòng giám sát chặt chẽ. Và trong cuộc đấu tranh xuyên biên giới này, theo bà Katarzyna Zalasinska, giám đốc Viện Di Sản Văn Hóa Ba Lan, Ba Lan là một trong những đầu tàu nhờ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bà Zalasinska giải thích: “Chúng tôi đã làm việc với vùng biên giới Ukraina từ hơn 20 năm nên có rất nhiều kiến ​​thức để chia sẻ trong các buổi tập huấn”. Các kiến thức trên là một cơ sở vững chắc để phát hiện các tác phẩm có khả năng bị đánh cắp ở Ukraina và có thể nhiều năm sau chiến tranh mới được rao bán trên thị trường. Một ví dụ cụ thể là vào năm ngoái, Hoa Kỳ đã trả lại 17.000 đồng tiền kim loại bị đánh cắp trong cuộc chiến tranh Irak năm 2003.

Tình hình có thể giống như vậy đối với Ukraina. Đấy là lý do tại sao tất cả các tác nhân phải được đào tạo để hiểu rõ vấn đề. Bà Katarzeyna Zalasinska nhấn mạnh: “Rốt cuộc thì lúc nào cũng có người mua. Chính là để tránh tình trạng đó mà trong công việc của mình, Viện Di Sản Văn Hóa Ba Lan luôn hợp tác chặt chẽ với thị trường nghệ thuật Ba Lan”.

Ba Lan rất quan tâm đến việc bảo vệ di sản Ukraina và cho biết sẵn sàng lưu trữ các công trình Ukraina để tránh nạn cướp bóc và phá hoại.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.