Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC - NGOẠI GIAO

Pháp–Đức cố gắng thể hiện đoàn kết nhân kỷ niệm 60 năm hiệp định hữu nghị

Cố gắng vượt lên trên nhiều bất đồng và căng thẳng, hôm nay 22/01/2023 tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz long trọng kỷ niệm 60 năm ngày Pháp–Đức ký Hiệp Ước Elysée. Paris và Berlin khẳng định quyết tâm xây dựng một khối Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh hơn cho các thế hệ mai sau. Điều đó không che giấu nổi những bất đồng sâu rộng giữa Pháp và Đức, đặc biệt là kể từ sau chiến tranh Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay thủ tướng Đức Olaf Scholz tại đại học Paris-Sorbonne, Pháp ngày 22/01/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay thủ tướng Đức Olaf Scholz tại đại học Paris-Sorbonne, Pháp ngày 22/01/2023. AFP - CHRISTOPHE ENA
Quảng cáo

Vào lúc 11 giờ sáng nay, lãnh đạo hai nước chủ trì một buổi lễ tại đại học Sorbonne trước khi họp lại tại điện Elysée. Đây là nơi đúng 60 năm trước, ngày 22/01/1963, tướng Charles de Gaulle và thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức, Konrad Adenauer đặt bút ký hiệp định hợp tác song phương được biết dưới tên gọi là hiệp định Elysée. Văn bản này khi đó mang ý nghĩa quan trọng vì cho phép đôi bên vĩnh viễn đẩy lui hai cuộc Thế Chiến vào quá khứ để hướng tới hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong ba lĩnh vực : ngoại giao, quốc phòng và giáo dục. Hơn thế nữa, đây là bước kế tiếp trong nỗ lực của Pháp và Đức xây dựng khối châu Âu.

60 năm trước, lãnh đạo Pháp–Đức hòa giải sau nhiều năm chiến tranh, 60 năm sau, liệu rằng Paris-Berlin có thể vượt lên trên những bất đồng, đặc biệt là sau gần 1 năm chiến tranh Ukraina hay không ? Đành rằng đôi bên nhấn mạnh đến các mục tiêu chung gồm “xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh hơn, tự chủ hơn cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là một khối châu Âu tự chủ về mặt công nghiệp”. Pháp và Đức đồng thời tuyên bố phải cùng nhau đối mặt với nhiều thử thách trong bối cảnh tình hình thế giới đang căng thẳng và càng lúc càng phức tạp, chẳng hạn như trên chính sách về năng lượng đang bị chiến tranh Ukraina thách thức. Thế nhưng, ngay cả trên những hồ sơ này, có những khác biệt sâu rộng giữa Paris và Berlin. Chẳng hạn như tới nay, thủ tướng Olaf Scholz vẫn do dự trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina hay trong chính sách trừng phạt dầu khí của Nga… Về quốc phòng, đôi bên cùng muốn “độc lập” hơn với Mỹ, thế nhưng, chủ yếu ngân sách phòng thủ của Đức được dành để mua vào vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.

Phát biểu sáng nay, chủ tịch Hạ Viện Đức Barbel Bas tuyên bố kỳ vọng “quan hệ Pháp Đức chóng tìm lại được một lực đẩy mới” vì quyền lợi của mỗi bên cũng như là vì quyền lợi chung của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.