Vào nội dung chính
UKRAINA - ĐẬP KAKHOVKA

Ukraina : Hậu quả của thảm họa vỡ đập thủy điện Kakhovka

Đập thủy điện Nova Kakhovka ở miền nam Ukraina hôm 06/06/2023 đã bị phá hỏng một phần sau nhiều vụ nổ chưa rõ nguồn gốc, khiến ngập lụt nghiêm trọng dọc theo bờ sông Dniepr đang là mối bận tâm của cả Nga lẫn Ukraina. RFI xin liệt kê vài nét chính về con đập được AFP tổng hợp.

Đập thủy điện Kakhovka, tỉnh Kherson, miền nam Ukraina.
Đập thủy điện Kakhovka, tỉnh Kherson, miền nam Ukraina. © Wikipedia
Quảng cáo

Vai trò của đập Kakhovka 

Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina, đập Kakhovka là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý vì cơ sở hạ tầng này là mục tiêu chiến lược đối với cả hai bên tham chiến ở nhiều khía cạnh. 

Đập Kakhovka là một công trình mang tính chiến lược cao. Kiev và Matxcơva cáo buộc nhau làm vỡ đập Kakhovka ở miền nam Ukraina, vốn là nguồn cung cấp nước chính cho bán đảo Crimée, và đây cũng là mục tiêu quan trọng của Nga kể từ khi nước này phát động chiến tranh chống lại Ukraina. 

Đập thủy điện trên sông Dniepr nằm ở chiến tuyến giữa các khu vực ở Ukraina do Matxcơva kiểm soát và phần còn lại của đất nước, bị vỡ vào thời điểm mà Kiev đang tích cực "khiêu khích" hệ thống phòng thủ của Nga để chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn. 

Nguồn cung cấp nước cho Crimée bị ảnh hưởng 

Nằm cách nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia 150 km, đập Kakhovka là công trình được xây dựng một phần bằng bê tông và đất, dài 3.273 mét. Đây là một trong những cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Ukraina. Theo trang web của công ty Ukrhydroenergo, công suất của nhà máy thủy điện là 334,8 megawatt (MW). 

Được xây dựng vào những năm 1950, dưới thời Liên Xô, đập Kakhovka cho phép đưa nước vào Kênh đào Bắc Crimée, xuất phát từ miền nam Ukraina và đi qua toàn bộ bán đảo Crimée, bị Matxcơva chiếm đóng và sáp nhập từ năm 2014. 

Do đó, việc phá hủy con đập này sẽ gây ra những khó khăn đáng kể cho việc cung cấp nước cho Crimée, nơi mà Kiev tuyên bố muốn tái chiếm. 

Thượng nguồn của con đập là hồ chứa nước Kakhovka, một hồ chứa nước nhân tạo được hình thành trên dòng chảy của sông Dniepr, dài 240 km và rộng 23 km. 

Cả con đập Kakhovka lẫn nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đều do quân đội Nga chiếm giữ trong những ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraina vào ngày 24/02/2022. 

Những rủi ro đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia 

Do chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia 150 km, hồ chứa nước Kakhovka phục vụ việc làm mát nhiên liệu nguyên tử của nhà máy. Việc con đập bị phá hủy làm dấy lên lo ngại về việc mực nước ở thượng nguồn bị giảm, gây ra mối đe dọa mới đối với an toàn của nhà máy. Mykhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraina cảnh báo rằng mối nguy hiểm "hiện đang gia tăng nhanh chóng"

Mặc dù vậy, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có mặt tại hiện trường, thẩm định vào hôm 06/06 rằng "không có mối nguy hạt nhân tức thì". Giám đốc nhà máy Zaporijjia, Yuri Tchernichuk cũng không tỏ ra bi quan khi ông viết trên mạng Telegram rằng hệ thống làm mát của nhà máy có thể được duy trì bởi "một số nguồn thay thế". Ông nói thêm rằng 6 lò phản ứng của nhà máy đã ngừng hoạt động với 5 lò đã "nguội" và lò còn lại vẫn còn "nóng". Đối với IAEA, bể làm mát "sẽ đủ để cung cấp nước cho nhà máy trong vòng nhiều tháng", nhưng không loại trừ khả năng xảy ra rủi ro trong dài hạn. 

Hướng tới một thảm họa sinh thái ? 

Các quan chức Ukraina cho biết 150 tấn dầu động cơ đã đổ xuống sông Dniepr hôm 06/06. Daria Zarivna, cố vấn truyền thông của cố vấn tổng thống Ukraina Andriy Yermak, cho biết trên mạng Telegram rằng dầu vẫn tiếp tục có thể rò rỉ và gây tác động tiêu cực đến môi trường. Trong một thông cáo báo chí, phủ tổng thống Ukraina đã định lượng "nguy cơ rò rỉ bổ sung" đạt mức "hơn 300 tấn dầu". Vẫn trên Telegram, Andriy Yermak đã lên án Nga là "một kẻ hủy diệt sinh thái" phạm tội ác chống lại môi trường. 

Việc đập Kakhovka bị phá hủy làm dấy lên lo ngại về những hậu quả đáng kể đối với hệ động vật và thực vật của khu vực phía nam Ukraina này. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cho biết rằng thiệt hại về môi trường đặc biệt đáng lo ngại khi toàn bộ hệ sinh thái đang phải đối mặt với thiệt hại lâu dài và không thể đảo ngược do lũ lụt. 

Kiev nhấn mạnh đến "tội ác chiến tranh" 

Với những ngôi làng "bị ngập hoàn toàn hoặc một phần", chính quyền Ukraina đã nhanh chóng lên án Nga phạm "tội ác chiến tranh" và tổng thống Volodymyr Zelensky đã triệu tập khẩn cấp Hội đồng An ninh Ukraina để bàn về chủ đề này. 

Mykhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Zelensky chỉ trích Nga : "Mục tiêu của những kẻ khủng bố rõ ràng là tạo chướng ngại vật nhằm kìm hãm các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraina." 

Theo Kiev, "khoảng 16.000 người hiện đang sống trong khu vực nguy cấp" bị đe dọa bởi lũ lụt, trong khi Matxcơva đánh giá 14 địa phương, nơi có "hơn 22.000 người sinh sống" đang ở trong tình trạng như vậy, nhưng "tình hình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát". 

Hồi tháng 10/2022, khi giao tranh nổ ra trong khu vực với cuộc phản công thắng lợi của Kiev, tổng thống Zelensky đã cáo buộc quân đội Nga phá hoại con đập và các cơ sở của nhà máy Zaporijjia. 

Ai hưởng lợi từ việc đập Kakhovka bị phá hủy ? 

Nhiều nhà quan sát phương Tây nghiêng về giả thuyết Nga phá hoại đập Kakhovka để làm chậm đà tiến của quân đội Ukraina, vào thời điểm mà Kiev đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công. 

Những trận lũ lụt sau khi con đập bị phá hủy đã khiến hàng ngàn người phải sơ tán trong giai đoạn nhạy cảm này, đồng thời có nguy cơ gây cản trở các hoạt động quân sự mà quân đội Ukraina đang tiến hành. Về mặt quân sự, mực nước dâng cao ở khu vực Kherson sẽ gây khó khăn trong việc vượt sông trong khuôn khổ một chiến dịch đổ bộ có thể được thực hiện bởi quân đội Ukraina nhằm tìm cách chiếm lại hữu ngạn sông Dniepr. 

Nhà sử học người Anh Sergey Radchencko, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins nhận định trên mạng Twitter là về mặt logic, Matxcơva sẽ là thủ phạm hợp lý bởi với việc gây lũ lụt ở hạ lưu Nova Kakhovka, quân đội Nga sẽ làm chậm đà phản công của quân đội Ukraina. Matxcơva có điều kiện câu giờ và có thể tập trung vào các khu vực khác của mặt trận, kéo dài khoảng 1.000 km. 

Stéphane Audrand, chuyên gia tư vấn độc lập của Pháp thì nhận thấy rằng Ukraina không hưởng lợi gì trong trường hợp này khi thêm một cơ sở hạ tầng – một công cụ sản xuất điện của họ bị phá hủy, đồng thời lũ lụt mang lại thêm khổ đau cho thường dân và làm hạn chế các khả năng tấn công và hậu cần của Ukraina.

Nguồn : AFP, France 24, Franceinfo

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.