Vào nội dung chính
HOA KỲ - KHOA HỌC

Nếp sống thành thị : Người Mỹ ngày càng đi ngủ sớm ?

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi khá nhiều về đời sống xã hội cũng như cung cách sinh hoạt. Chế độ làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn giúp tiết kiệm thời gian di chuyển. Một số người tiêu dùng tập nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn tiệm. Các hộ gia đình thích xem phim trực tuyến thay vì đến rạp xem phim. Riêng tại Hoa Kỳ, nhiều người dân thành thị ngày càng ăn tối sớm và đi ngủ sớm.

Một số người đứng xem trận đấu bóng chày vào lúc xế chiều giữa Kansas City Royals và Tampa Bay Rays ở Kansas, Hoa Kỳ, ngày 15/07/2023.
Một số người đứng xem trận đấu bóng chày vào lúc xế chiều giữa Kansas City Royals và Tampa Bay Rays ở Kansas, Hoa Kỳ, ngày 15/07/2023. AP - Charlie Riedel
Quảng cáo

Trong bài viết mang tựa đề ''Nước Mỹ đang trở thành một quốc gia đi ngủ sớm'', tờ báo The Wall Street Journal (số đề ngày 19/07/2023) cho biết ngay tại New York, nhiều quán ăn thời thượng ở trung tâm Manhattan bây giờ không còn nhận khách trễ. Do nhà bếp phải đóng cửa sớm hơn thường lệ,  thực khách nên gọi món ăn trước 8 giờ tối (20g). Trong thời gian gần đây, giờ ăn tối thường bắt đầu vào 5 giờ chiều (17g) thay vì 6 giờ chiều (18g) như trước đây. Hiện tượng này không chỉ riêng gì New York, mà còn xảy ra tại các vùng đô thị lớn như Chicago hay Boston.

Theo báo The Wall Street Journal, hiện tượng này phần lớn có lẽ là do tác động của chế độ làm việc từ xa. Một khi vừa tắt máy vi tính, người làm việc ở nhà (chủ yếu giới nhân viên trong cách ngành ngân hàng, bảo hiểm, kế toán hay dịch vụ), có thể ra phố ngay để mua sắm hay đi ăn tối với bạn, còn trước kia người đi làm phải mất một khoảng thời gian mới về tới nhà (đôi khi gần cả tiếng) trước khi được ra ngoài phố.

Mỹ : Ăn tối lúc 5 giờ chiều sẽ trở thành thông lệ ?

Dù sao đi nữa nếp sống của người dân New York đã có phần thay đổi. Theo The Wall Street Journal, nhiều hàng quán ở trung tâm thành phố bắt đầu mở cửa đón khách sớm kể từ 5 giờ chiều trong khi các suất biểu diễn nhạc kịch trên sân khấu Broadway được lên lịch vào lúc 7 giờ tối (tức sớm hơn một giờ) vào mỗi ngày thứ Sáu. Một sự thay đổi ''không tưởng'' so với ba năm về trước, nhất là đối với những người dân New York nào thích thức khuya. Thành phần này nhận thấy rằng thành phố của họ đang thay đổi, và cuộc sống ''về đêm'' ngày càng trở nên đơn điệu tẻ nhạt.

Cũng về chủ đề này, trang thông tin Robb Report nhận xét hóm hỉnh rằng, trước kia, ăn tối sớm là chuyện của giới cao niên, giờ đây hầu như điều này không còn đặt thành vấn đề, nhiều người Mỹ hầu như ở mọi lứa tuổi đều có thói quen ăn sớm hơn. Theo đà này, câu hỏi đặt ra là phải chăng ăn tối vào lúc 5 giờ chiều sẽ trở thành một thông lệ ?

Trang thông tin này giải thích, trong xã hội Mỹ, bữa ăn tối sớm thường dành cho những người đã về hưu. Họ đi ăn sớm để có những chỗ ngồi tốt nhất trong nhà hàng, khách chưa đông nên chất lượng phục vụ càng tốt hơn, giới cao niên ăn sớm để về nhà sớm, còn xem kịp giờ các chương trình yêu chuộng của họ như Matlock, Columbo hay The Golden Girls …..

Nhưng giờ đây, thói quen đã dần thay đổi. Thực khách bất kể lứa tuổi đều có thói quen ra ngoài ăn uống từ lúc ban chiều. Người dân thành thị không chỉ chọn giờ ăn tối sớm, các sinh hoạt giải trí khác cũng như vậy, từ việc đi xem xinê, xem kịch, triển lãm hay nghe nhạc tại các quán rượu …. Điều đó tác động đến cách tổ chức sinh hoạt. Các nhà hát hay sân khấu lớn đều có xu hướng đóng cửa sớm hơn, bế mạc trước nửa đêm, đó không phải là giờ ''giới nghiêm'' mà lại giống như trong chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem.

Một cách cụ thể, theo số liệu của ứng dụng Yelp, số thực khách đặt bàn tại các quán ăn trước 5 giờ chiều đã tăng gấp đôi so với cách đây 3 năm. Số lượng khách dùng dịch vụ chuyên chở Uber để đi từ nhà đến các hàng quán (từ 4 đến 5 giờ chiều) đã tăng 10% kể từ năm 2019. Trong khi đó, sau 8 giờ tối, số lượng thực khách đi ăn nhà hàng lại giảm 9%.

Để thích ứng với sự thay đổi, các hàng quán giờ đây cũng điều chỉnh giờ giấc hoạt động, mở cửa sớm, nhưng cũng đóng cửa sớm hơn. Một số hàng quán ở Los Angeles trước năm 2019 thường đóng cửa vào lúc 11 giờ đêm. Bây giờ, các quán ăn nhận thực khách cuối cùng vào khoảng 8 giờ tối và gọi món ăn trước 8 giỡ rưỡi. Tuy nhiên, việc đóng cửa sớm lại gây ngạc nhiên nơi giới chuyên viên phục vụ tại các quầy rượu hay quán bar, trước kia thường mở cửa khuya, nhưng giờ đây lại không còn đông khách .

Sân khấu Broadway cũng thay đổi giờ biểu diễn

Theo The Wall Street Journal, hiện tượng này ban đầu xuất hiện trong ngành ẩm thực, giờ đây đã lan rộng ra ngành sân khấu Broadway ở New York. Trên hơn 35 vở nhạc kịch được diễn mỗi ngày, có đến một phần ba thay đổi giờ biểu diễn vào mỗi thứ Sáu (7 giờ tối thay vì 8 giờ tối). Đối với giới chuyên tổ chức điều hành các sân khấu, việc đổi giờ biểu diễn sớm hơn là điều không thể tưởng tượng được cách đây vài năm. 

Trước năm 2019, không có nhà tổ chức nào mà lại xếp lịch biểu diễn sớm như vậy, vì khán giả Mỹ đến từ các vùng ngoại ô hoàn toàn không có đủ thời gian vào trong trung tâm thành phố để xem kịch. Nhưng giờ đây, xu hướng chung của khán giả Mỹ ở Manhattan (New York) và các khu vực ngoại thành đều muốn đi xem nhạc kịch sớm để rồi về nhà sớm, họ đến và rời trung tâm thành phố vào những giờ không bị quá kẹt xe. Còn các suất biểu diễn trong những ngày khác, dành để phục vụ du khách (hơn 60 triệu lượt người xem hàng năm) và thành phần này không có nhu cầu về sớm để hôm sau còn phải dậy sớm đi làm.

Cũng theo The Wall Street Journal, các số liệu của tạp chí Playbill cho thấy nhiều nhà hát lớn bắt đầu tính đến chuyện mở rộng giờ biểu diễn sớm sang các ngày khác. Trong khi đó, nhiều rạp chiếu phim cũng bổ sung các suất chiếu sớm hơn vào buổi sáng, nhưng đồng thời cắt bỏ bớt các suất chiếu phim muộn sau 10 giờ đêm. Theo đà này, nhiều người đặt câu hỏi : New York có còn xứng đáng với danh hiệu ''Thành phố không bao giờ ngủ''?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.