Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Rượu mùi Chartreuse của Pháp, mặt hàng ''quý hiếm'' tại Hoa Kỳ

Từ hơn bốn thế kỷ nay, Chartreuse là một loại rượu mùi được giới tu sĩ ẩn dật sản xuất tại vùng Isère, miền đông nam nước Pháp. Được chế biến như một loại rượu thuốc, Chartreuse kết hợp tới 130 loài thảo dược khác nhau. Chartreuse được người Pháp dùng như rượu tiêu hóa (digestif). Còn nếu muốn dùng như rượu khai vị (apéritif), thì nên pha loãng với soda từ ba đến năm lần.

Tu sĩ Jean-Jacques, một trong hai tu sĩ biết bí mật tinh chế rượu Chartreuse, kiểm tra việc sản xuất rượu Chartreuse, ngày 25/11/2011, tại Voiron, tỉnh Issère, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, Pháp.
Tu sĩ Jean-Jacques, một trong hai tu sĩ biết bí mật tinh chế rượu Chartreuse, kiểm tra việc sản xuất rượu Chartreuse, ngày 25/11/2011, tại Voiron, tỉnh Issère, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, Pháp. AFP - JEAN-PIERRE CLATOT
Quảng cáo

Công thức gốc của Chartreuse có từ năm 1605 và giờ đây Chartreuse chủ yếu gồm hai loại : loại màu xanh lục có vị nồng đậm (55 độ cồn), còn loại màu vàng óng có vị dịu hơn một chút (43 độ). Từ đầu thế kỷ XVII cho tới nay, rượu mùi Chartreuse là đặc sản của tu viện dòng Chartreux (Carthusian trong tiếng Anh). Dòng này do vị thánh Bruno le Chartreux sáng lập vào năm 1084. Trong thời gian đầu, rượu Chartreuse chỉ được tìm thấy ở hai thành phố Grenoble và Chambéry, thuộc vùng Isère. Với thời gian, Chartreuse trở nên phổ biến ở khắp nơi. Riêng tại Hoa Kỳ, rượu mùi này lại càng được xem là một sản phẩm thịnh hành, nhất là tại các quán bar, nhà hàng hay khách sạn hạng sang. Chartreuse được dùng để pha chế các loại cocktail thời thượng. Dù ở Pháp hay ở Mỹ, khách hàng vẫn phải mua rượu gốc, chỉ được sản xuất tại tu viện Grande Chartreuse, ở vùng Isère. 

Chỉ có điều là từ khoảng 4 tháng nay, rượu mùi Chartreuse ngày càng khan hiếm trên thị trường Hoa Kỳ. Theo báo New York Times, giá trung bình của một chai màu xanh lục (37cl) là khoảng 40 đô la, trong khi rượu Cognac, giá có thể cao hơn gấp đôi. Do giá cả phải chăng, cho nên trong mắt người tiêu dùng, Chartreuse không được xếp vào hàng xa xỉ phẩm. Tại Mỹ, nhiều khách hàng có thói quen dùng sản phẩm này từ nhiều thập niên qua, trước khi Chartreuse trở thành một loại rượu mạnh được nhiều thực khách yêu chuộng khi được pha chế thành nhiều loại cocktail có màu sắc quyến rũ và vị thơm hấp dẫn. 

Vì cứ nghĩ rằng mặt hàng này dễ tìm, mua lúc nào cũng có, cho nên nhiều người thích uống Chartreuse chưa bao giờ thực sự quan tâm đến nguồn gốc của loại rượu mùi. Thế nhưng, theo báo New York Times, các cửa tiệm phân phối rượu tại các vùng đô thị lớn ở Hoa Kỳ đã hết sạch hàng kể từ đầu năm nay. Khách vẫn có thể đặt mua trên mạng từ các vùng địa phương khác hay mua hàng nhập thẳng từ Pháp, nhưng số chai được bán vẫn bị giới hạn. 

Hạn chế số chai mua mỗi lần để tránh nạn tích trữ 

Theo tờ báo Mỹ, sự khan hiếm này không đến từ hệ thống phân phối hoặc vì thuế nhập khẩu gia tăng. Rượu Chartreuse ngày càng ít đi chủ yếu cũng vì giới tu sĩ ẩn dật vùng Isère quyết định giới hạn khối lượng sản xuất hàng năm. Tại cửa hàng Astor Wines & Spirits ở thành phố Manhattan, New York, khách hàng chỉ được mua mỗi lần một chai Chartreuse. Nhưng dù có hạn chế, cửa tiệm này vẫn không còn hàng để bán kể từ tháng Giêng năm 2023. Ngay cả khách đi du lịch ở Pháp khi đến tận vùng Isère để ghé thăm tu viện Grande Chartreuse cũng chỉ được quyền mua mỗi người hai chai mà thôi. Giá vẫn giữ nguyên y như cũ (khoảng 48 euro một chai 70cl) nhưng tu viện này tìm cách hạn chế tối đa việc phổ biến cũng như tích trữ, dòng tu sĩ Chartreux không muốn tăng thêm mức sản xuất hầu đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. 

Quyết định hạn chế sản xuất ở đầu nguồn đã tác động đến toàn bộ mạng lưới phân phối. Tại Pháp, người dân không tiêu thụ nhiều Chartreuse cho lắm, cho nên điều đó không ảnh hưởng gì đến thói quen ăn uống của họ. Trong khi tại Hoa Kỳ, sự kiện Chartreuse trở nên khan hiếm đã tác động trực tiếp đến các nhà hàng, quán bar, nơi các loại cocktail pha chế với Chartreuse chẳng hạn như kiểu rượu pha ''Sammy's Paradise'' được bán với giá 24 đô la một ly. Còn loại rượu pha ''Last Word'' dựa vào một công thức có từ đầu những năm 1910, kết hợp Chartreuse với một chút rượu gin, rượu mùi maraschino và nước chanh vắt được bán với giá gần 30 đô la một ly. 

Do thiếu Chartreuse, nhiều quán bar, nhà hàng hay khách sạn tại Mỹ chuyển sang khai thác nhiều loại rượu mùi khác, thế nhưng thành phần thực khách có nhiều tiền cũng như dân sành điệu sẵn sàng chịu bỏ ra vài chục đô la cho một ly rượu, vẫn quan niệm rằng : thà uống một loại cocktail khác còn hơn là uống rượu pha Chartreuse (có mùi hồi, đinh hương và hạt thì là) mà lại dùng một thứ rượu khác để thay thế. 

Từ lâu, rượu mùi Chartreuse vẫn được xem là loại rượu mạnh dành cho thế hệ trung niên hoặc người cao tuổi. Nhưng kể từ đầu những năm 2000, Chartreuse lại trở thành sản phẩm thịnh hành trong ngành ''mixology'' gồm những người chuyên pha chế cocktail, nâng phong trào thủ công thành một bộ môn nghệ thuật. Vào mùa xuân năm 2020, khi đại dịch Covid khiến cho nhiều quốc gia ban hành lệnh phong tỏa. Vào lúc ấy, rất nhiều quán bar hay nhà hàng buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng liền. Đáng lẽ ra, doanh thu của Chartreuse phải đi xuống. Bất ngờ thay, mức bán của loại rượu mùi này lại tăng gấp đôi, phần lớn cũng vì nhiều người học cách pha chế cocktail tại nhà. Theo công ty xuất khẩu Chartreuse Diffusion, lượng tiêu thụ tăng rất nhanh trên thị trường Mỹ. Doanh thu của Chartreuse nhờ vậy đạt 30 triệu đô la mỗi năm và tăng đều đặn trong ba năm liền. 

Chartreuse : càng cất giữ lâu lại càng cao giá 

Sản phẩm càng đắt khách, đáng lẽ ra người bán hàng càng lấy làm mừng. Nhưng dường như điều đó không làm cho giới tu sĩ dòng Chartreux hài lòng cho lắm. Trong một bức thư được công bố hồi tháng Giêng năm 2023, tu viện Grande Chartreuse nhắc nhở việc sản xuất rượu mùi Chartreuse không phải là để kinh doanh làm giàu, mà chủ yếu nhằm mục đích đỡ bớt gánh nặng chi phí đời sống trong tu viện. Báo New York Times trích dẫn cha Michael K. Holleran, một tu sĩ từng giám sát công việc sản xuất Chartreuse từ năm 1986 đến năm 1990, cho biết : Không thể nào tăng thêm sản lượng Chartreuse mà không ảnh hưởng đến đời sống của tu viện. Bản chất dòng Chartreux là tu sĩ, chứ không phải là doanh nhân. Mục tiêu tối hậu của những người chọn cách tu ẩn dật là sống một cách hết sức đơn giản, họ cần sự im lặng và đức tin trong cầu nguyện. 

Sản lượng của Chartreuse hiện ở mức 1,6 triệu chai mỗi năm, đây là mức sản xuất cao nhất tính từ cuối những năm 1800. Phần lớn (hơn 40%) được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, kế đến là các nước Úc, Anh, Đức hay Mexico… Trong dòng văn hóa đại chúng, Chartreuse từng xuất hiện trong phim ''Death Proof'' của Quentin Tarantino hay video ca nhạc của nhóm hard rock ZZ Top. Chartreuse bắt đầu trở nên khan hiếm tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2023, trong khi giá trung bình ở Pháp vẫn không có gì thay đổi. Ngược lại, giá của Chartreuse có thể đạt tới mức cao ngất ngưỡng nhận các kỳ bán đấu giá quốc tế. 

Chẳng hạn như vào trung tuần tháng 03/2023, văn phòng đấu giá Baghera Wines, có trụ sở tại Genève Thụy Sĩ, đã tổ chức một cuộc bán đấu giá rượu Chartreuse lớn nhất trong lịch sử. Tất cả các lô hàng, kể cả các kiểu chai Chartreuse xưa, đã được bán sạch nội trong hai tiếng đồng hồ. Theo tờ báo Pháp Le Figaro, đôi khi một chai Chartreuse bỏ quên trong hầm rượu, lại trở thành một sản phẩm đắt tiền : giới sưu tầm có thể chi 2.000 euro cho một chai Chartreuse sản xuất vào hai thập niên 1930-1940. Giá có thể lên đến 6.000 euro cho một chai có nhãn hiệu trước năm 1903 và 20.000 euro trước năm 1878. Từ một đặc sản của vùng Isère, rượu mùi Chartreuse trên đất Mỹ nay lại trở thành quý hơn Cognac, hiếm hơn Champagne. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.