Vào nội dung chính
BRICS - ĐỒNG TIỀN CHUNG

BRICS: Đồng tiền chung thay đô la Mỹ, tham vọng thực hay ước vọng?

Theo chương trình của hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Johannesburg, một dự án tiền tệ chung sẽ cho phép các nước thành viên, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, giao dịch với nhau mà không cần thông qua đồng đô la vua sẽ ra đời. Mục tiêu còn là để tránh các trừng phạt tiền tệ từ Washington. Tham vọng thực tế hay đòn truyên truyền ?

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại trung tâm hội nghị Sandton Convention Centre tại Johannesburg, ngày 24/08/2023.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại trung tâm hội nghị Sandton Convention Centre tại Johannesburg, ngày 24/08/2023. AP - Marco Longari
Quảng cáo

Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi có điểm gì chung? Thoạt nhìn thì không có gì nhiều, ngoại trừ một quyết tâm: đấu tranh chống bá quyền Hoa Kỳ. Và có thể một ngày nào đó họ sẽ có một đồng tiền chung . Điều này nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Brics mở ra từ 22/08/2023 tại Johannesburg. Một đồng tiền chung sẽ cho phép họ thoát khỏi các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ, nhưng cũng thể hiện sự thống nhất trong nhóm có nhiều đặc điểm khác nhau. Nhưng dự án có hiện thực không? France 24 tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia.

Năm nước BRICS đặt ra cho mình một thách thức thiết lập hệ thống tiền tệ riêng chống lại người khổng lồ Mỹ, đang có vai trò không thay thế được trong hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai và các thỏa thuận Bretton Woods ( về vận hành hệ thống tài chính quốc tế sau Thế chiến thứ hai). Tháng 6 vừa qua, trong Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính mới ở Paris, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã công khai chỉ trích chính sách bá quyền của Mỹ đối với các hiệp định thương mại và đề xuất tạo ra một loại tiền tệ cho nhóm BRICS, theo mô hình đồng Euro.

 Alexandre Kateb, nhà kinh tế học và chủ tịch cơ quan tư vấn tài chính  The Multipolarity Report giải thích: “Khi bạn muốn đổi đồng rúp lấy đồng real của Brazil, bạn phải thông qua đồng đô la, thông qua các ngân hàng Mỹ. Việc thoát khỏi đồng đô la là một thách thức sống còn đối với những nước nằm ở ngoại vi hệ thống tiền tệ quốc tế”.

Ý tưởng về một đồng tiền chung dường như càng trở nên tham vọng hơn trong khuôn khổ nhóm nước có sức nặng kinh tế đáng kể này. BRICS chiếm tỷ trọng  1/4 GDP thế giới và 42% dân số thế giới. Thương mại giữa Trung Quốc và Nga bùng nổ; Bắc Kinh cũng là khách hàng số một của xuất khẩu Brazil.

Nhưng nói đồng tiền chung không có nghĩa là đồng tiền duy nhất. Dự án của BRICS không có tham vọng như đồng euro. Julien Vercueil, nhà kinh tế và giảng viên tại Viện nghiên cứu Văn minh phương Đông Pháp (Inalco), nhấn mạnh đó chỉ là, “một đồng tiền chung song song với đồng tiền các quốc gia và tạo điều kiện bù lại sự mất cân bằng thương mại giữa các quốc gia sử dụng nó”.

Alexandre Kateb giải thích thêm : “Các cá nhân sẽ không thể sử dụng loại tiền tệ này, nhưng nó sẽ dùng trong các giao dịch, cho phép các quốc gia này tiến hành các trao đổi thương mại của họ ”.

Đường nét mờ nhạt

Nếu nguyên tắc có vẻ được xác định thì đường nét của dự án vẫn còn mờ nhạt. Agathe Demarais, chuyên gia về địa chính trị, tác giả cuốn sách “Backfire” bàn về tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế, không che giấu sự hoài nghi của mình trước những cái mà bà đánh giá chỉ là biểu tượng. “Hiện tại chúng ta mới ở giai đoạn những tuyên bố chính trị. Theo quan điểm của tôi, một đồng tiền riêng của BRICS là vô nghĩa. Nếu bạn muốn có một nền kinh tế tiền tệ thống nhất, bạn phải có hoàn cảnh thuế khóa và kinh tế gần như tương đồng với nhau, thế nhưng các nước BRICS hoàn toàn khác nhau. Theo tôi như thế là phi thực tế.”

Sự khác biệt về kinh tế và chính trị  giữa các nước BRICS là rất lớn. Thật khó để tưởng tượng một cấu trúc hài hòa giữa Trung Quốc, Nga, các chính quyền độc tài, với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các nước có văn hóa dân chủ, vẫn theo đuổi quan hệ thương mại yên bình với phương Tây.

Trung Quốc cầm cương

Trong số các nước BRICS, Trung Quốc, do có vị thế là cường quốc thế giới, có thể sẽ cầm cương đồng tiền chung, mặc dù hệ thống tiền tệ của nước này vẫn bị Nhà Nước kiểm soát rất chặt. Phần lớn chi phí điều chỉnh và điều phối đồng tiền chung sẽ đè nặng lên Trung Quốc.

Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp khủng hoảng nợ của các quốc gia thành viên? Ai sẽ đóng vai trò này người cho vay, và trong những điều kiện nào ở kịch bản này?

Còn rất nhiều câu hỏi không có câu trả lời khi để cập đến áp dụng cụ thể. Để một loại tiền tệ chung có thể vận hành, cần có sự nhiệt tình đồng thuận của những tác nhân thương mại chính, đó là các doanh nghiệp. Liệu họ có sẵn sàng từ bỏ đồng đô la không?

 Agathe Demarais lưu ý: "Có một khoảng cách giữa ý chí chính trị của chính phủ và ý chí của các công ty. Ở Ấn Độ hoặc Brazil, các công ty được tự do làm những gì họ muốn. Rất phức tạp khi yêu cầu họ thay đổi quy trình của họ , để khai vào một mẫu đơn mới với ngân hàng... về phương diện chuẩn bị, việc này không thể thực hiện được trong thời gian ngắn."

Thách thức của trừng phạt Mỹ

Dù áp dụng thực tế của tham vọng như vậy vẫn chưa có được nhưng động cơ của các nước BRICS đã định hình rõ và được lý giải bằng bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng. Trước các trừng phạt của Mỹ, các nước mới nổi đã nhận thức được họ rất yếu nên dễ bị tác động.

Theo ông Alexandre Kateb, đường ranh đỏ đã bị vượt qua với cuộc chiến ở Ukraina và các biện pháp trừng phạt tài chính chưa từng có đối với Nga. "Việc phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga là một bước ngoặt: Đây là lần đầu tiên một quốc gia bị tước chủ quyền tiền tệ. Hoa Kỳ và G7 đã vượt qua một ngưỡng mới."

Ngay cả trước cuộc xâm lược Ukraina, phương Tây đã nhiều lần chứng tỏ khả năng cản trở kinh tế khi đối phó với các đối thủ của họ. Agedit Demarais đánh giá thời điểm quan trọng đầu tiên bắt nguồn từ năm 2012, khi Iran bị loại khỏi hệ thống Swift, hệ thống cho phép thực hiện chuyển khoản ngân hàng. "Rồi đến năm 2014, có những lệnh trừng phạt Nga, một đối tác kinh tế lớn của phương Tây. Và cuối cùng, vào năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu và các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn."

Trong bối cảnh thế giới biến động mà ở đó đồng đô la có thể đóng vai trò là vũ khí kinh tế phục vụ lợi ích của phương Tây, các nước mới nổi đang tìm cách thoát ra. Vậy đồng đô la đã hết thời làm bá chủ ? Không quá nhanh. “Nếu nhìn vào số liệu thống kê, chúng ta chắc chắn thấy đồng nhân dân tệ tăng giá kể từ tháng 2 năm 2022 khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraina, vì Nga giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng ngày nay, chúng ta không thấy sự bùng nổ của các loại tiền khác ngoài đồng đô la hay đồng euro. Hệ thống tài chính quốc tế không có đường nhánh nào có thể tránh được Hoa Kỳ”, Agathe Demarais lưu ý.

Julien Vercueil bổ sung thêm: "Việc các nước châu Á đang tăng trưởng nhanh hơn Hoa Kỳ nhất thiết kéo theo khả năng giao dịch bằng đô la ít hơn. Nhưng người ta nhận thấy rằng nhu cầu toàn cầu về đô la vẫn rất mạnh, ngài các nước BRICS: Rõ ràng toàn bộ hệ thống tiền tệ quốc tế đã tạo cấu trúc xung quanh đồng đô la như một loại tiền tệ thống trị, và không ai, kể cả Trung Quốc, quốc gia vẫn buôn bán rất nhiều với Hoa Kỳ, cũng không có lợi khi đồng đô la sụp đổ.  "

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.