Vào nội dung chính
GABON - ĐẢO CHÍNH

Gabon : Tổng thống Ali Bongo là ai ?

Quân đội Gabon, hôm 30/08/2023, đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ tổng thống mới tái đắc cử Ali Bongo Ondimba. Nhóm binh sĩ này cho rằng cuộc bầu cử tổng thống ngày 26/08 không minh bạch. Ali Bongo đang bị quản thúc tại gia. Phe đảo chính đã bổ nhiệm người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, tướng Brice Oligui Nguema làm tổng thống chuyển tiếp. Tìm hiểu về cuộc đời Ali Bongo cho phép hiểu phần nào tại sao xảy ra cuộc đảo chính.

Tổng thống Gabon Ali Bongo tham dự Hội nghị thượng đỉnh One Forest tại dinh tổng thống ở Libreville, Gabon, ngày 02/03/2023.
Tổng thống Gabon Ali Bongo tham dự Hội nghị thượng đỉnh One Forest tại dinh tổng thống ở Libreville, Gabon, ngày 02/03/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Được bầu vào năm 2009 sau cái chết của cha ông, tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba trong vòng 14 năm đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh nhằm củng cố quyền lực. Bất chấp các cuộc bầu cử gây tranh cãi và cơn đột quỵ, người thừa kế của « triều đại Bongo » vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước, khiến những người ủng hộ ông coi ông như một con phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn.

Lãnh đạo Gabon trong vòng 14 năm, Ali Bongo đã nhiều lần phải gồng mình để củng cố quyền lực kế thừa từ cha mình. Cuộc đảo chính ngày 30/08 dường như đã chấm dứt triều đại Bongo cai trị đất nước Gabon trong suốt 55 năm qua.

Vài giờ trước khi có thông báo về việc giải tán các định chế của Nhà nước Gabon bởi một nhóm binh sĩ trên kênh truyền hình Gabon 24, Ali Bongo vừa mới được công bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26/08 và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với 64,27% phiếu bầu, theo kết quả chính thức, nhưng bị « bóp méo » theo phe đảo chính.

Sau cái chết của người cha, Omar Bongo – một người bám chặt vào ghế tổng thống và khắc nghiệt, năm 2009, Ali Bongo được bầu làm tổng thống. Trong 14 năm cầm quyền, vị tổng thống vốn được coi là khiêm tốn và tốt bụng đã trở thành một « thợ săn » không nương tay đối với những « kẻ phản bội » và « trục lợi » cấp cao trong bộ máy Nhà nước, những người cho rằng ông sẽ không qua khỏi cơn đột quỵ ở Ả Rập Xê Út vào năm 2018.

Ali Bongo sau đó đã biến mất trong vòng 10 tháng và ra nước ngoài. Thời gian dưỡng bệnh và theo những khóa vật lý trị liệu dồn dập đã biến ông thành một « người từ cõi chết trở về », nhưng lại khiến quyền lực của ông bị lung lay.

Kể từ đó, các đối thủ của ông thường xuyên hoài nghi về trí tuệ và thể chất của ông trong việc điều hành đất nước, thậm chí có người còn cho rằng ông có một người đóng thế. Nhưng những người thường xuyên gặp ông như các nhà ngoại giao thì nhận định rằng mặc dù chân và tay phải ông bị cứng, khiến ông không thể di chuyển dễ dàng, nhưng cái đầu vẫn hết sức minh mẫn.

Người thừa kế bị phản đối

Ông tên thật là Alain-Bernard Bongo, sinh năm 1959 tại Brazzaville, Cộng hòa Congo, với cha là một người lính. Ông dành phần lớn tuổi trẻ ở Pháp, nơi ông học phổ thông trung học và học luật tại đại học Panthéon-Sorbonne. Vào thời điểm đó, ông không hề nghĩ đến chuyện làm chính trị. Là một người đam mê âm nhạc, ông từng muốn trở thành « James Brown của Gabon » và đã ảo tượng ra một sự nghiệp ca hát, và ông đã thu âm vào năm 1978 một bản « soul, disco, funk »

Sau đó Alain-Bernard Bongo trở thành Ali Bongo khi cha ông cải đạo cả gia đình sang đạo Hồi vào năm 1973. Ông được gọi về Libreville, Gabon, để gia nhập nội các tổng thống của cha mình. Dần dần, ông được giáo dục về quy tắc « Françafrique » và về mối quan hệ thuộc địa mới giữa Pháp với các thuộc địa cũ. Năm 1989, khi mới 29 tuổi, cha ông bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng, chức vụ ông phải từ bỏ 2 năm sau đó, sau khi Hiến pháp mới được soạn vào năm 1991 yêu cầu độ tuổi tối thiểu là 35 để đảm nhận chức vụ bộ trưởng.

Song song với chức bộ trưởng Ngoại Giao, ông Ali Bongo cũng hai lần được bầu vào Quốc Hội, vào năm 1990 và 1996, tại quận Haut-Ogooué, căn cứ địa của gia tộc Bongo. Ông quay trở lại chính phủ vào năm 1999, lần này lãnh đạo bộ Quốc Phòng cho đến khi cha ông qua đời, và sau đó, được bầu vào chức vụ tối cao, 10 năm sau, vào năm 2009.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Ali Bongo thể hiện mình là một người tương phản với cha ông : không có sức thu hút và sự tự tin của một « tộc trưởng », người đã trị vì trong vòng 41 năm tại quốc gia nhỏ bé, nhưng rất nhiều dầu mỏ ở trung Phi này. Ông khó khẳng định quyền lực, đặc biệt khi đối mặt với những nhân vật có trọng lượng và bất kham trong đảng Dân Chủ Gabon (PDG) đầy quyền lực. 

Người thừa kế một phần khối tài sản kếch xù của người cha, « Người con trai » hay « Con thần Zeus » - như ông bị chế nhạo - bị phe đối lập miêu tả là xa cách với người dân, sống ẩn dật trong những dinh thự sang trọng ở Gabon và nước ngoài hoặc lái những siêu xe. Ông bị chỉ trích vì đã để các cố vấn và bộ trưởng điều hành công việc của đất nước, và đôi khi nhầm lẫn giữa « việc nước »« việc nhà ».

Những cuộc bầu cử gây tranh cãi

Ông tái đắc cử vào năm 2016, một cuộc bầu cử rất sít sao khi ông chính thức giành chiến thắng chỉ với 5.500 phiếu bầu. Vài tháng trước đó, tổng thống đã vướng phải một cuộc tranh cãi liên quan đến giấy khai sinh của ông : một trong 54 người con của Omar Bongo đã đệ đơn kiện lên tòa án Nantes vì tội « giả mạo và sử dụng giấy tờ giả ». Onaida Maisha Bongo Ondimba, 25 tuổi, một trong những người em cùng cha khác mẹ của Ali Bongo, tuyên bố rằng anh trai cô đã nói dối về nguồn gốc của mình và giấy khai sinh được lưu trữ tại cơ quan hộ tịch trung ương của bộ Ngoại Giao Pháp, có trụ sở ở Nantes, là giả mạo. Sau đó, tư pháp đã bác đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, khoảng cách nhỏ trong kết quả cuộc bầu cử đã gây ra tranh cãi và khiến bạo loạn nổ ra. Quốc Hội bị đốt cháy. Các cuộc biểu tình bị cơ quan thực thi pháp luật dập tắt, đồng thời tấn công vào trụ sở tranh cử của ứng cử viên đối thủ Jean Ping, người tuyên bố giành chiến thắng. Theo chính quyền, những bạo loạn này đã khiến 3 người thiệt mạng, còn phe đối lập thì cho rằng có khoảng 30 người đã chết. 

Đó là một cú sốc đối với Ali Bongo, sau đó là cơn đột quỵ - hai sự kiện đã thúc đẩy nhanh quá trình ông thay đổi. Thời gian an dưỡng phục hồi của ông được « điểm xuyết » bởi một cuộc đảo chính bất thành do một nhóm binh sĩ tiến hành vào ngày 07/01/2019. Ông Bongo cũng phải đối mặt cuộc nổi loạn với ý định phế truất ông của tham mưu trưởng đầy quyền lực, Brice Laccruche Alihanga.

Ali Bongo đã giao lại quyền điều hành Gabon cho Alihanga và nhiều nhân vật khác trước đó với sự tin tưởng mù quáng. Brice Laccruche Alihanga hiện đã ở tù hơn 3 năm, cùng với một số bộ trưởng trung thành và quan chức cấp cao, tất cả đều là mục tiêu bị nhắm tới của một chiến dịch « chống tham nhũng » tàn bạo.

Đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt

Kể từ đó, tổng thống Ali Bongo đã thể hiện là một người hết sức « nghiêm khắc » đối với các bộ trưởng và cố vấn, những người bị thanh tra chặt chẽ và bị sa thải ngay khi có những nghi ngờ nhỏ nhất, ở một đất nước Gabon đang ngụp lặn trong nạn tham nhũng tràn lan kể từ những thập kỷ « Françafrique », với Omar Bongo là một trụ cột biểu tượng.

Theo phe đối lập, những lời hứa suông của Bongo đã làm gia tăng hố ngăn cách giữa những người cực giàu và những người nghèo ở quốc gia này, một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi tính theo đầu người, nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào dầu mỏ.

Gần đây, Ali Bongo cũng đã trở thành một nhà chiến lược chính trị đáng gờm, giống như cha mình : ông gia tăng những vụ sa thải trong phe của mình và thu phục các nhân vật trong phe đối lập vốn bị chia rẽ, qua việc trao cho họ những chức bộ trưởng hoặc những chức « hữu danh vô thực ».

Đối với những người ủng hộ ông, tổng thống Bongo là một con phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn, với cái giá phải trả là những buổi vật lý trị liệu đau đớn. Những người ghét bỏ ông thì cho rằng ông bị lôi kéo bởi những tay chân thân tín, những người không muốn từ bỏ quyền lực và các mối lợi mà họ có được trong 55 năm « triều đại Bongo ».

Hiện tượng đảo chính có đang lây lan ở châu Phi ?

Đứng trước những lo ngại về một « hiệu ứng domino đảo chính » sẽ hoành hành ở châu Phi, báo Pháp Le Monde nhận định rằng cuộc đảo chính ở Libreville diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với các cuộc đảo chính trước đó ở những nước láng giềng. Gabon không hề bị các chiến binh thánh chiến đe dọa và binh lính Pháp đóng tại đó hầu như không hoạt động trên thực địa, đồng thời phe đảo chính cũng không hề đề cập đến sự hiện diện của Pháp ở Gabon.

Tuy nhiên, có một điểm tương đồng giữa những cuộc đảo chính này, đó là nền dân chủ ở những quốc gia nói trên hoạt động không hiệu quả. Từ Mali cho đến Gabon, những thanh niên trẻ tuổi hoan nghênh những người lính nổi loạn, bởi họ phản đối tính chính đáng của chính quyền được bầu lên từ các cuộc bầu cử không minh bạch, và tố cáo việc một đảng hoặc một gia tộc vắt kiệt tài sản của đất nước...

Nguồn : AFP, France 24, Le Monde

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.