Vào nội dung chính
CHÂU PHI - THƯỢNG ĐỈNH KHÍ HẬU

Thượng đỉnh khí hậu Nairobi: Châu Phi khẳng định tiềm năng ‘‘tăng trưởng xanh’’

Thượng đỉnh châu Phi đầu tiên về khí hậu đã kết thúc hôm qua, 06/09/2023,  54 nước châu Phi ra ‘‘Tuyên bố Nairobi’’, mang tên thủ đô nước chủ nhà Kenya. Tuyên bố chung khẳng định lập trường thống nhất của khối về khí hậu, làm cơ sở cho các đàm phán của châu lục trong hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 cuối năm nay.

Thượng đỉnh châu Phi đầu tiên về khí hậu khép lại hôm 06/09/2023, tại Nairobi, Kenya.
Thượng đỉnh châu Phi đầu tiên về khí hậu khép lại hôm 06/09/2023, tại Nairobi, Kenya. AP - Khalil Senosi
Quảng cáo

Châu Phi là nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi chỉ chịu trách nhiệm về 3% lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, lục địa này cũng là nơi có thể mang lại các giải pháp căn bản cho cuộc chiến khí hậu toàn cầu, với tiềm năng về sản xuất năng lượng tái tạo, cũng như về nguyên liệu cần thiết cho các năng lượng tái tạo với trữ lượng dồi dào (40% trữ lượng thế giới về cobalt, mangan hay platine cần cho chế tạo bình điện).

Việc toàn thể các nước châu Phi chính thức khẳng định tiềm năng ‘‘tăng trưởng xanh’’ của lục địa là một thông điệp gây phấn chấn trong giới bảo vệ môi trường châu lục. Tường trình của thông tín viên Albane Thirouard từ Nairobi:

‘‘Cam kết phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp xanh hoặc các ngành công nghiệp xanh, kêu gọi một cơ chế tài chính cho phép giảm nợ, hoặc thậm chí đề xuất thiết lập thuế cac-bon.Trong Tuyên bố Nairobi, các nguyên thủ quốc gia châu Phi chắc chắn nhấn mạnh đến nhu cầu về tài chính, nhưng điều chủ yếu là họ đã làm nổi bật nhiều hơn tiềm năng của lục địa này.

Đây là điều làm phấn chấn Durrel Halleson, phụ trách về đối ngoại của tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF Châu Phi. Ông nói: “Lần đầu tiên, các nước châu Phi khẳng định quan điểm riêng của châu Phi về biến đổi khí hậu. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã tự nhìn nhận mình là một khu vực dễ bị tổn thương. Nhưng điều rút ra từ tuyên bố chung này là chính châu Phi có thể mang lại các giải pháp.Khi nhìn vào những cam kết, khi nhìn vào con số nguyên thủ quốc gia có mặt ở đây, tôi tự nhủ có lẽ lần này mọi chuyện sẽ bắt đầu thay đổi.’’

Ông Frederick Kwame Kumah là thành viên của Tổ chức Động vật hoang dã Châu Phi (African Wildlife Foundation)Ít tháng trước hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, hội nghị thượng đỉnh này mang lại cho ông hy vọng. Ông nói : “Hội nghị đã đạt được nhiều thứ hơn là tôi mong đợi.Tôi nghĩ điều chúng ta cần bây giờ là một cơ chế theo dõi các cam kết, một hệ thống được lập ra để buộc các chính phủ, khu vực tư nhân và những bên khác phải thực hiện những lời hứa đã được đưa ra. Nhưng riêng những điều đạt được đã là một khởi đầu tốt đẹp, chúng tôi đang đi đúng hướng!’’

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​cũng chỉ trích việc nhấn mạnh đến quyền phát thải cac-bon trong hội nghị thượng đỉnh này, điều mà nhiều nhà môi trường coi là một ‘‘giải pháp sai lầm’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.