Vào nội dung chính
HẮC HẢI

Biển Đen: Ukraina đã phá vỡ vòng phong tỏa của Hải Quân Nga như thế nào?

Ukraina đã phá vỡ, hay ít ra là chọc thủng được vòng phong tỏa mà Nga đã thiết lập trong thực tế trên Biển Đen nhằm ngăn chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của đối thủ. Kiev được cho là đã thành công nhờ một loạt hành động quân sự đánh vào chiến hạm cũng như cơ sở của Nga trong khu vực.

Tàu Resilient Africa mang cờ Palau đi dọc theo eo biển Bosphorus qua Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 22/09/2023. Đây là chiếc tàu chở ngũ cốc đầu tiên đi từ Ukraina kể từ khi Nga tái áp dụng lệnh phong tỏa Biển Đen vào tháng 7/2023.
Tàu Resilient Africa mang cờ Palau đi dọc theo eo biển Bosphorus qua Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 22/09/2023. Đây là chiếc tàu chở ngũ cốc đầu tiên đi từ Ukraina kể từ khi Nga tái áp dụng lệnh phong tỏa Biển Đen vào tháng 7/2023. AFP - YASIN AKGUL
Quảng cáo

Ngày 24/09/2023, tàu chở ngũ cốc Aroyat, treo cờ Palau, xuất phát từ cảng Chormomorsk, phía nam Odessa (Ukraina), sau một hành trình hai ngày trên Biển Đen đã ghé cảng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, một chặng dừng tạm thời trước khi trực chỉ Ai Cập. Sau chiếc Resilient Africa trước đó ba hôm, đây là con tàu thứ hai sử dụng hành lang hàng hải do Kiev thiết lập để vượt qua hàng rào phong tỏa của Nga, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận quốc tế cho phép xuất khẩu nông sản Ukraina qua ngã Biển Đen vào tháng 7.

Theo các nhà quan sát, Ukraina như vậy đã phá vỡ, hay ít ra là chọc thủng được vòng phong tỏa mà Nga đã thiết lập trong thực tế trên Biển Đen nhằm ngăn chặn đường xuất khẩu ngũ cốc của đối thủ Ukraina. Kiev được cho là đã thành công nhờ một loạt hành động quân sự đánh vào chiến hạm cũng như cơ sở của Nga trong khu vực.

Chiến thắng "nhỏ" của Ukraina

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 22/09/2023 không ngần ngại gọi đây là một “chiến thắng nhỏ” của Ukraina, cho dù không có gì bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu dài.

Gọi là chiến thắng không sai vì đây là lần đầu tiên kể từ ngày 17/07, khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, mà liên tiếp hai con tàu đã đến cảng của Ukraina, bốc hàng rồi chở đi một cách an toàn, bất chấp việc Nga từng đe dọa rằng bất kỳ tàu thương mại nào đi đến hoặc rời cảng Ukraina sẽ bị coi là mục tiêu quân sự, một động thái đồng nghĩa với việc áp đặt lệnh phong tỏa đường biển trên thực tế.

Trước hai chiếc Resilient Africa và Aroyat, trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9, đã có năm con tàu khác rời Odessa. Tuy nhiên các con tàu đó đã cập bến kể từ khi chiến tranh bắt đầu và việc các con tàu này rời cảng mang ý nghĩa sơ tán, trong lúc hai chiếc mới đây thực sự là đã khai trương hành lang hàng hải mà Ukraina đã thiết lập trên vùng biển mà Nga vẫn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cho đến gần đây.

Trên danh nghĩa, Matxcơva không hề chính thức công nhận hành động phong tỏa Biển Đen. Thế nhưng, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 22/09, kể từ tháng 8 năm 2023, tức là sau khi quyết định hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga đã tấn công các cảng của Ukraina hơn 120 lần. Các cuộc tấn công không ngừng nghỉ có tác dụng đe dọa, khiến cho các tàu buôn ngoại quốc không còn dám lai vãng đến các cảng Ukraina. Các vụ bắn phá của Nga như vậy đã gây ra những hệ quả không khác gì một cuộc phong tỏa thực thụ.

Quốc tế hóa hành lang

Hành lang hàng hải mới mà Ukraina vừa thiết lập là gì và đã được hình thành như thế nào ? Theo ông Andrii Klymenko, tổng biên tập của Black Sea News, một tạp chí Ukraina chuyên về Biển Đen, thì chính quyền Kiev đã coi việc tạo ra một hành lang không có thỏa thuận với Nga là “mục tiêu ưu tiên”.

Trả lời nhật báo Pháp Le Figaro, ông Klymenko nói rõ: “Vào giữa tháng 7 năm nay, Ukraina đã lập bản đồ tuyến đường mới đi qua lãnh hải của mình và sau đó trình lên Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế. Hành lang này chạy dọc theo bờ biển vùng Odessa, đến Đảo Rắn rồi đến lãnh hải Rumani”. Để khuyến khích các chủ tàu nước ngoài chấp nhận rủi ro khi sử dụng hành lang này, Ukraina đã dự trù một ngân sách 500 triệu đô la nhằm bảo hiểm cho các tàu thuyền sẽ đến Odessa.

Về mặt ngoại giao, Ukraina đã ra sức vận động. Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im hơi lặng tiếng, nhưng không thể che giấu việc hai chiếc tàu Aroyat và Resilient Africa vừa phá vỡ phong tỏa Nga là hai tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Andrii Klymenko, chắc chắn sự can dự của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ vào hành lang này là một biện pháp răn đe: “Nga không thể tấn công một chiếc tàu Thổ Nhĩ Kỳ vì phụ thuộc quá nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế cũng như cơ hội cho phép công dân của họ vào châu Âu.”

Ngoài người Thổ Nhĩ Kỳ, thủy thủ đoàn của các con tàu đến Odessa còn có người Bỉ, người Azerbaijan và người Ai Cập. Ukraina dường như đang đặt cược vào việc quốc tế hóa hành lang và Nga sẽ không dám gây vạ lây.

Một chiến lược có quy mô lớn

Hành lang trên Biển Đen được cho là sản phẩm của một chiến lược quân sự có quy mô lớn từ phía Ukraina: Tăng cường màng lưới phòng không dọc theo bờ biển - ngày nay gần 80% các cuộc tấn công của Nga đều bị ngăn chặn –  chiếm lại các điểm chiến lược ở Biển Đen, và cuối cùng là mở các cuộc tấn công ngày càng nhiều và càng sâu vào hạm đội Nga và các cảng của hạm đội này.

Vào ngày 11/09, Ukraina tuyên bố đã chiếm được một số giàn khoan do Nga chiếm giữ ở phía tây bắc Biển Đen. Đây là các cơ sở không có người, nhưng được trang bị radar và các phương tiện do thám, được Nga sử dụng để giám sát giao thông hàng hải trong khu vực.

Vào cuối tháng 8, một trạm radar lớn đặt tại mũi Tarkhankout, ở cực tây Crimée, cũng bị phá hại, có thể là do một cuộc đột kích ban đêm của biệt kích Ukraina, đến từ đất liền trên những chiếc thuyền cao tốc. Theo các chuyên gia quân sự, trạm mang tên Mayak đó cho phép Nga kiểm soát tất cả các máy bay bay qua khu vực phía bắc và trung tâm Biển Đen. Một nguồn tin quân sự khẳng định: “Mục tiêu rõ ràng là chọc mù mắt lực lượng Nga”.

Trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga, nằm ở trung tâm Sebastopol, cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa, nghiêm trọng nhất là vào ngày 22/09 vừa qua.

Nga thiếu phương tiện đối phó

Hiện tại, Matxcơva chưa có phản ứng quân sự nào trước những nỗ lực phá vỡ phong tỏa trên Biển Đen. Theo Le Monde, quả đúng là phương tiện của Nga có giới hạn.

Các tàu chiến Nga không còn dám tiến gần bờ biển Ukraina kể từ khi bị tên lửa chống hạm hoặc drone của Ukraina tấn công. Hạm đội Biển Đen của Nga - không còn được tăng viện kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles – lại bị đã mất một số tàu, trong đó có soái hạm Moskva - hiện đang thiên về bảo vệ thực lực của mình hơn là tiến hành tấn công.

Hơn nữa, phương Tây, đặc biệt là Anh, đã cho biết rằng sẽ không tha thứ cho bất kỳ một cuộc tấn công vào tàu thương mại. Văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak cho biết trong một tuyên bố hôm 7/9: “Chúng tôi sẽ sử dụng các dịch vụ tình báo, giám sát và trinh sát của mình để theo dõi hoạt động của Nga ở Biển Đen”. Luân Đôn khẳng định là Không Quân Hoàng Gia Anh thường xuyên bay qua khu vực này để “ngăn không cho Nga thực hiện các cuộc tấn công bất hợp pháp vào tàu dân sự chở ngũ cốc”.

Liệu lời đe dọa đó có đủ để ngăn cản Nga thực hiện hành động quân sự? Đây là điều chưa có câu trả lời chắc chắn, những trước mắt nhiều chiếc tàu buôn đã lên đường đến Ukraina. Theo chính quyền Ukraina, hiện đã có ba chiếc tàu chở hàng đi dọc bờ biển Ukraina để đến các cảng Chornomorsk và Pivdenny, dự kiến sẽ bốc cả trăm ngàn tấn nông sản và quặng sắt để đưa sang Trung Quốc, Ai Cập và Tây Ban Nha.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.