Vào nội dung chính
BIẾ ĐỔI KHÍ HẬU - Y TẾ

Y tế: LHQ kêu gọi gia tăng cảnh báo sớm để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu

‘‘Hàng chục năm tiến bộ’’ về y tế của cộng đồng quốc tế có thể bị hủy hoại do biến đổi khí hậu, theo một báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc, công bố hôm qua, 02/11/2023. Liên Hiệp Quốc khuyến nghị tăng cường các biện pháp cảnh báo sớm tại các khu vực dễ tổn thương để hạn chế tổn thất cho người dân.

Ảnh minh họa: Một Trung tâm Chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em (CAIMI), nơi điều trị các trường hợp suy dinh dưỡng ở trẻ em tại thị trấn Coban, Alta Verapaz, (Guatemala) ngày 18/08/2023
Ảnh minh họa: Một Trung tâm Chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em (CAIMI), nơi điều trị các trường hợp suy dinh dưỡng ở trẻ em tại thị trấn Coban, Alta Verapaz, (Guatemala) ngày 18/08/2023 REUTERS - PILAR OLIVARES
Quảng cáo

Các đợt nóng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, do biến đổi khí hậu, khiến trung bình 489 nghìn người chết/năm, từ 2000 đến 2019. Riêng mùa hè 2022 tại châu Âu, đã có hơn 20.000 người chết do nóng. Tuy nhiên, châu Âu vốn đã là khu vực có hệ thống cảnh báo sớm hoạt động tốt. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tại các nước có hệ thống cảnh báo tốt, tỉ lệ tử vong do các thiên tai ít hơn đến 8 lần so với các nước không có được hệ thống như vậy. 

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Petteri Taalas, cảnh báo ‘‘sự xuất hiện của hiện tượng El Niño vào năm 2023 sẽ làm tăng đáng kể khả năng nhiệt độ sẽ tiếp tục phá kỷ lục, gây ra tình trạng nắng nóng cực độ ở nhiều nơi trên thế giới và đại dương, khiến thách thức càng lớn hơn”. Chủ đề ưu tiên của Tổ chức Khí tượng Thế giới năm nay là y tế. WMO nhấn mạnh ngành y tế cần có được ‘‘các thông tin và dịch vụ khí hậu phù hợp để đối phó với thời tiết khắc nghiệt hơn và chất lượng không khí kém, sự phát triển của các căn bệnh truyền nhiễm cũng như tình trạng mất an ninh lương thực và nước’’.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cộng đồng quốc tế “phối hợp để ngành y tế dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ liên quan đến thời tiết, khí hậu”. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng một phần tư bộ Y Tế các nước sử dụng các thông tin về thời tiết để kiểm soát các nguy cơ y tế, do khí hậu. Theo tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, “Khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về y tế, do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và khó lường hơn, khiến dịch bệnh bùng phát và góp phần làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm”.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.