Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Israel theo đuổi kế hoạch « thuộc địa hóa » lãnh thổ Palestine như thế nào ?

Kể từ sau cuộc chiến năm 1967, Israel đã tăng cường thiết lập các khu định cư Do Thái tại các vùng lãnh thổ Palestine chiếm đóng được, theo đuổi một « chính sách thuộc địa kiểu mới », bất chấp các nghị quyết phản đối của Liên Hiệp Quốc.  

Một thanh niên định cư Do Thái ở khu định cư Kfar Darom phía nam Dải Gaza, đứng cạnh một bản đồ về Israel và lãnh thổ Palestine, ngày 08/08/2005.
Một thanh niên định cư Do Thái ở khu định cư Kfar Darom phía nam Dải Gaza, đứng cạnh một bản đồ về Israel và lãnh thổ Palestine, ngày 08/08/2005. AP - LEFTERIS PITARAKIS
Quảng cáo

Vào ngày 14/05/1948, David Ben Gourion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel, ngay sau đó chiến tranh đã nổ ra giữa 5 quốc gia Ả Rập chống lại Israel. Chiến tranh kết thúc vào năm 1949 bằng một lệnh ngừng bắn và Israel đã kiểm soát được hầu như toàn bộ lãnh thổ Palestine. Diện tích của Israel lớn hơn nhiều so với nghị quyết phân chia lãnh thổ Palestine của Liên Hiệp Quốc năm 1947. Jordanie kiểm soát vùng Cisjordanie (Tây Jordanie), Ai Cập kiểm soát vùng Gaza và Jerusalem bị chia cắt giữa một bên là lực lượng Israel ở bờ tây, Jordanie ở bờ đông. Hơn một nửa người Palestine sinh sống tại đây đã phải đi chạy nạn, và giai đoạn này được gọi là cuộc đại tản cư « Nakba » có nghĩa là « thảm hoạ ».    

Đến khi Cuộc chiến tranh Sáu ngày nổ ra vào năm 1967, Israel đã giành được ưu thế, và kiểm soát được Cisjordanie, Gaza, và mở rộng về phía đông Jerusalem. Đây cũng là giai đoạn mà các khu định cư Do Thái (colonies israliennes) của Israel được thành lập và dần mở rộng tại khắp lãnh thổ Palestine (theo như bản đồ được chia cắt dưới thời thuộc địa Anh).      

Tại sao Israel lại muốn lập các khu định cư Do Thái ?    

Theo trang Alternatives Economiques, ngay sau năm 1967, chính quyền Israel muốn xây dựng các khu định cư, công xã Do Thái  - Kibbutz (tại những vùng mà Tel Aviv kiểm soát, bất chấp luật pháp quốc tế (Công ước Genève 1949) cấm một nước chiếm đóng, đưa dân của mình đến vùng lãnh thổ đã chiếm được. Các khu định cư Do Thái được bố trí dọc theo thung lũng Jordan, cho phép Nhà nước Do Thái có thể ngăn cản các cuộc tấn công từ quân đội hay các nhóm có vũ trang. Các khu định cư cũng được xây dựng xung quanh Jerusalem « để bảo vệ thánh địa. »   

Tại Cisjordanie, theo báo Pháp Le Monde, chính phủ Israel đã cho xây dựng nhiều khu công xã Do Thái  tại các vùng ít hoặc không có dân cư sinh sống. Đến năm 1970, những người Do Thái đến đây định cư một cách bất hợp pháp, ngay cả khi xét theo luật Israel. Ngoài ra, còn có các tiền đồn (avant-post), những khu vực này thường không được Nhà nước Israel chính thức công nhận nhưng thường được quân đội bảo vệ. Hầu hết các tiền đồn đều được xây dựng sau Hiệp định Oslo năm 1993, bất chấp việc Israel đã cam kết không xây dựng thêm trên vùng lãnh thổ này.  

Kể từ đầu năm nay, theo Le Figaro, hơn 13 000 khu định cư, công xã Do Thái đã được chính phủ Israel hợp pháp hóa, đây được coi là con số kỷ lục từ 10 năm qua. Chính quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thúc đẩy mạnh tiến trình này.  

Người định cư Do Thái là ai ?    

Có 3 kiểu khu định cư Do Thái, theo phân tích của Peace Now, một tổ chức của Israel ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine, được Le Monde trích dẫn, chuyên theo dõi sự tiến triển của việc xây dựng các khu định cư Do Thái tại Cisjordanie. Đầu tiên là các khu định cư của người Israel theo Chính thống giáo cực đoan, được xây dựng vì mục đích tôn giáo, thường vào lúc mà giá nhà ở dành cho những người này quá đắt, hoặc quá đông đúc, không còn chỗ. Họ thường là những gia đình đông con, nghèo khó, muốn sống xa lánh với xã hội, muốn tránh bị dò xét vì các nghi lễ tôn giáo.       

Thứ hai là những khu định cư « dân tộc chủ nghĩa », được lập lên nhằm tuyên bố chủ quyền đối với những vùng đất nhân danh đấng tối cao, hoặc là theo hệ tư tưởng « Đại Israel ». Những khu định cư Do Thái này, cũng có thể là các tiền đồn, được trang bị thiết bị quân sự, thường nằm sâu trong vùng trung tâm của Cisjordanie.      

Thứ ba là những khu định cư vì « chất lượng cuộc sống », thu hút người dân đến lập nghiệp vì lý do kinh tế, hoặc có những lý do khác. Nhưng đa phần đều là những người chính thống giáo cực đoan, hoặc dân tộc chủ nghĩa.   

Ngoài ra, những người đến định cư quanh xung quanh khu vực Jerusalem là vì muốn sống gần thành phố lớn.  

Israel đã mở rộng các khu định cư Do Thái như thế nào ?    

Các khu định cư của người Israel bao trùm khắp vùng lãnh thổ, vốn là nơi sinh sống của hơn 3 triệu người Palestine. Những khu vực mà Israel chiếm đóng tại Cisjordanie, đã biến bản đồ của vùng lãnh thổ Palestine lấm tấm đốm đen "như da báo".     

Nếu vào năm 1977, khoảng 4400 người Do Thái đến định cư tại Cisjordanie, thì năm 1987, con số này lên đến 60 000 người. Đến năm 1993, con số này lên đến 116 000 người. Ngày nay, hơn 465 400 người Israel sinh sống tại 145 khu định cư Do Thái tại Cisjordanie, tăng gấp ba trong vòng 30 năm kể từ khi kí Hiệp định Oslo. Nếu tính tổng số người định cư tại các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng từ 1967 thì con số này lên đến gần 700 000 người (theo số liệu từ 2021).    

Việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái tại các cùng chiếm đóng có hợp pháp hay không ?  

Các cuộc xung đột giữa những người Palestine và những người Do Thái thường xuyên xảy ra, và quân đội Israel can thiệp. Hành động « chiếm đóng » của Israel đã bị quốc tế và các tổ chức nhân quyền mạnh mẽ lên án. Tổ chức Amnesty International liên tục đưa ra các báo cáo chống lại Israel từ nhiều năm qua, lên án Israel phạm tội ác chống lại loài người. Vào năm 2022, báo cáo của tổ chức này dài 280 trang lên án Israel áp đặt chế độ thống trị « được thể chế hóa » đối với người dân Palestine tại tất cả nhưng nơi mà Israel kiểm soát. Báo cáo chỉ ra rằng Israel đã tịch thu đất đai, tài sản, cưỡng bức di chuyển, giết hại, gây thương tích nghiêm trọng đối với người Palestine. Trang Open Democracy thì lên án hành động « thuộc địa hóa hiện đại » của Israel.    

Riêng tại Cisjordanie, từ năm 1967, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đưa ra ít nhất 11 nghị quyết để lên án Israel việc chiếm đóng vùng lãnh thổ Palestine này và các cuộc tấn công vào thường dân. Hồi đầu năm nay, 02/2023, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã một lần nữa lên án Israel không tuân thủ các nghị quyết này và tiếp tục mở rộng các khu định cư.    

Ý tưởng một lãnh thổ hai Nhà nước có khả thi ?   

Theo Hiệp định Oslo được ký tại Washington vào năm 1993, giữa chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (không bao gồm Hamas), hai bên đề ra ý tưởng thành lập hai Nhà nước trên một lãnh thổ, thiết lập chủ quyền hạn chế của Nhà nước Palestine, tại Gaza, Jericho và các thành phố lớn ở Cisjordanie. Đổi lại, phe Ả Rập sẽ công nhận Nhà nước Israel và an ninh của nước này nếu Israel rút quân và dỡ bỏ các khu định cư. Ngoài ra, hơn 5 triệu người Palestine hiện tị nạn tại các nước Ả Rập có thể quay trở về nước.     

Thế nhưng, sự mở rộng của các khu định cư của Israel xen giữa các thành phố người Palestine đã bóp nghẹt ý tưởng hai Nhà nước. Trước cuộc xung đột giữa Hamas và Israel hồi tháng 10, gần như không có bất cứ đàm phán hay tiến trình hòa bình nào giữa Israel và Palestine. Theo báo Ouest-France, tiến trình hòa bình của Hiệp định Oslo đã bị chôn vùi từ lâu vào những năm 2000, sau cuộc « nổi dậy ném đá » lần thứ hai của người Palestine (Intifda). Giải pháp hai Nhà nước chỉ có thể thực hiện được nhờ việc phi thực dân hóa, yêu cầu Israel dỡ bỏ, di dời các khu định cư khỏi các vùng chiếm đóng. Còn theo Le Monde Diplomatique, Hiệp định Oslo, trên thực tế, chỉ củng cố chế độ thuộc địa và sự chiếm đóng của Israel.    

Tuy nhiên, kể từ năm 1967, theo Alternatives Economiques, Israel đã dỡ bỏ một số khu định cư thiết lập tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Thủ tướng Israel Menachem Begin vào năm 1982 đã sơ tán 6000 người định cư Do Thái ở Sinai, sau khi ký hiệp định hòa bình 1979 với Ai Cập, trả lại lãnh thổ này cho Cairo. Lần thứ hai, vào năm 2005, chính phủ của thủ tướng Ariel Sharon đã sơ tán 8000 người định cư tại Gaza khi rút quân khỏi đây.

Thế nhưng, số người định cư ở Cisjordanie lên đến hơn 450 000 người, cộng thêm hơn 200 000 người xung quanh khu vực đông Jerusalem, thì đây là một thách thức không nhỏ. Sau cuộc xung đột hồi cuối tháng 10, nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, nhưng trong bối cảnh bạo lực hiện nay thì Israel khó có thể nhượng bộ.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.