Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - MÔI TRƯỜNG

Ủy viên châu Âu về khí hậu : Đạt thỏa thuận tại COP28 là “nhiệm vụ khó khăn”

Khoảng chục ngày trước khi diễn ra Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP28, ủy viên châu Âu Wopke Hoeksra, phụ trách về khí hậu lưu ý, việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng tại COP 28 sẽ là một “nhiệm vụ khó khăn”. 

Ảnh minh họa: Một mỏ than lộ thiên tại Bielszowice, Ba Lan.
Ảnh minh họa: Một mỏ than lộ thiên tại Bielszowice, Ba Lan. © Wikipedia/Ludek
Quảng cáo

Trang tin LaLibre của Bỉ cho biết, khi trả lời phỏng vấn các hãng tin Âu vào hôm qua 21/11/2023, ủy viên châu Âu Hoekstra đã nhấn mạnh, một trong những điểm bất đồng liên quan đến việc thành lập một “quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại" mà các nước giàu đã đồng ý đóng góp để hỗ trợ cho các nước đặc biệt dễ bị tổn thương. 

Ủy viên châu Âu Hoekstra cho rằng, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên là nước đóng góp chứ không phải nước thụ hưởng “quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại". Bởi vì quỹ này chủ yếu hỗ trợ khả năng thích ứng của một quốc gia khi phải gánh chịu thảm họa khí hậu. 

Cũng trong ngày hôm qua 21/11, BloombergNEF (BNEF) công bố báo cáo cho thấy các nước G20 trong năm 2022 đã thông qua mức tài trợ cao kỷ lục (gấp đôi so với năm 2021) vào các nhiên liệu hóa thạch. Giã từ năng lượng hóa thạch chính là tâm điểm của Hội nghị khí hậu COP28 tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. 

Thế nhưng, tại Ba Lan, nhân dịp ngày « Black Friday », Thứ Sáu Đen, vốn được xem là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng Sinh, công ty năng lượng PGG, cũng là nhà khai thác mỏ lớn nhất châu Âu, đã quyết định giảm giá than, kích thích tiêu dùng, cho dù ô nhiễm môi trường từ than đá là nguyên nhân gây nhiều tử vong ở nước này. 

Từ Vacxava, thông tín viên Martin Chabal cho biết thêm :  

« PGG, công ty khai khoáng lớn nhất châu Âu, đề xuất một mã khuyến mại để mua than rẻ hơn. Mọi việc diễn ra giống như mua hàng trên các trang mua sắm trực tuyến. Khách hàng chọn than, chấp thuận giỏ hàng đã chọn và nhập mã khuyến mại PGG112023 và được giảm 200 zloty, tương đương khoảng 50 euro, cho mỗi tấn than họ mua. 

Nhưng đây cũng chẳng phải lần đầu tiên doanh nghiệp này bán hạ giá than. Hồi tuần trước, công ty PGG từng giảm giá một số sản phẩm, bởi vì các nhà sản xuất than đang trải qua giai đoạn phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, lượng hàng tồn kho còn quá nhiều trong khi mức tiêu thụ thì vẫn đang giảm mạnh.  

Hồi năm 2018, 1/3 dân số Ba Lan sưởi ấm bằng than, nhưng nay con số này chỉ còn là 1/5. Việc nguồn hàng dự trữ không ổn định do chiến tranh Ukraina và tình trạng thiếu hụt vào mùa đông năm 2022 đã khiến một số người Ba Lan thay đổi thói quen dùng than. 

Nhiều người chuyển sang các giải pháp thay thế và ít gây ô nhiễm hơn. Nhiều hiệp hội môi trường đã nhắc lại rằng ô nhiễm không khí do than đá giết chết gần 45.000 người mỗi năm ở Ba Lan ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.