Vào nội dung chính
ISRAEL - THÁI LAN - LAO ĐỘNG

Xung đột Hamas- Israel : Thiếu lao động Thái Lan, nông nghiệp Israel “điêu đứng”

Người Thái Lan là cộng đồng nước ngoài đông nhất làm việc tại Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực "chiến lược" của Nhà nước Do Thái. Nhiều người Thái cũng là nạn nhân trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Từ ngày 07/10, hàng ngàn người Thái Lan đã trở về nước khiến nông nghiệp Israel gặp khó khăn.

In this Tuesday, June 30, 2015, photo, Thai workers collect melons in a field outside Kibbutz Nahal Oz on the border between Israel and Gaza.
Lao động Thái Lan thu hoạch dưa trên một cánh đồng bên ngoài công xã Do Thái Nahal Oz, khu biên giới giữa Israel và Gaza. Ảnh chụp ngày 30/06/2015. AP - Oded Balilty
Quảng cáo

Hôm 24/11 vừa qua, 10 người Thái Lan nằm trong số các con tin đã được Hamas trao trả tự do. Kể từ đầu cuộc xung đột ngày 07/10/2023, 39 người Thái Lan đã bỏ mạng, trong số 1200 nạn nhân Israel của vụ tấn công từ Hamas.

Tại sao lao động nhập cư từ Thái Lan lại chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Israel ?  

Theo Nikkei Asia, chính quyền Israel cho biết, tính đến tháng 07/2023, khoảng 119 000 lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại nước này. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, có khoảng 22 862 lao động và chủ yếu là người Thái Lan, cộng thêm vài ngàn lao động “thực tập sinh” - “trainee” từ châu Á và châu Phi, thuộc chương trình vừa học vừa làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần dải Gaza, theo bộ Nội Vụ Israel, khoảng 6000 lao động người Thái làm việc trong các trang trại. 

Đài truyền hình Mỹ CNN cho biết, phát triển nông nghiệp ở các vùng đồng bằng miền nam Israel gần như đã ăn sâu vào bản sắc của người dân nước này. Tinh thần “khai hoang” của những người tiên phong đến các khu định cư Do Thái đã đóng góp nhiều vào nền nông nghiệp với quy mô lớn ở miền nam Israel, được coi là niềm tự hào của nhiều người, giúp Israel phần nào tự chủ được nguồn thực phẩm. 

Nhà nghiên cứu Matan Kaminer, được Nikkei Asia trích dẫn, cho rằng tuyển dụng các lao động nhập cư, đặc biệt từ Thái Lan, là một “quyết định mang tính chiến lược mà Nhà nước Israel thực hiện để thay thế các lao động người Palestine bằng các lao động nhập cư, và như vậy họ sẽ không bị phụ thuộc vào người Palestine”.  

Trả lời CNN, bộ trưởng Nông Nghiệp Israel Avi Dichter cho rằng Hamas cố tình nhắm vào nền nông nghiệp, kinh tế của Israel. Đại diện của Hiệp hội sản xuất sữa tại Israel, Lior Simcha, thì khẳng định “nông nghiệp và trồng trọt là một phần không thể tách rời của chủ nghĩa Phục Quốc Do Thái” (Zionisme), và việc khai thác đất đai là một giá trị quan trọng đối với người dân Israel.  

Chiến tranh tác động đến ngành nông nghiệp ra sao ?  

Theo bộ Nông Nghiệp Israel, được CNN trích dẫn,  khoảng 30.000 đến 40.000 công nhân hiện vắng mặt tại các trang trại của nước này, một nửa trong số đó là người Palestine bị cấm vào Israel từ Cisjordanie (Bờ Tây) do Israel chiếm đóng kể từ sau các cuộc tấn công vào tháng 10.   

Công dân Thái Lan là một trong những nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Israel. Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ hồi hương những công dân muốn về nước và kể từ khi xung đột nổ ra, ước tính 10 000 lao động Thái đã trở về Thái Lan.  

Theo CNN, các trang trại chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Israel rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng. Bò sữa thì cần được vắt nhiều lần trong ngày. Những tuần vừa qua cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều cây trồng. Nếu không được chăm sóc thì cả cây trồng và vật nuôi đều sẽ chết.   

Hơn nữa, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các lao động Thái sẽ quay lại Israel làm việc hàng loạt, chính phủ Israel đang tìm cách tuyển dụng khoảng 5000 công nhân từ các nước khác, ví dụ như từ Sri Lanka.  

Với sự thiếu vắng lao động nhập cư, nhiều tổ chức phi chính phủ như Huynh Đệ Israel đã kết nối khoảng 50 000 lao động với các trang trại cần tình nguyện viên, nhiều người lái xe từ Tel Aviv xuống miền nam để phụ giúp các trang trại thu hoạch nông sản.     

Người Thái Lan đến lao động tại Israel như thế nào ?    

Theo nhà nghiên cứu nhân chủng học Matan Kaminer, được Nikkei Asia trích dẫn, hàng trăm thực tập sinh hoặc tình nguyện viên từ Thái Lan đến Israel vào những năm 1980 và hàng người đã đến nước này vào năm 1992, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của người Palestine năm 1987.   

Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của Rebeca Raijman và Nonna Kushnirovich, thỏa thuận Hợp tác bố trí người lao động Thái Lan – Israel (TIC), được triển khai vào năm 2013, đã biến 100 % lao động nước ngoài trong ngành nông nghiệp Israel là người Thái Lan. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 84 % lao động nhập cư  người Thái ở Israel là nam giới. Những lao động này chủ yếu đến từ miền bắc Thái Lan, nơi mà tỷ lệ đói nghèo cao.     

Thỏa thuận lao động giữa hai nước cho phép người Thái làm việc ở Israel 5 năm, 3 tháng, nhưng chỉ được làm trong lĩnh vực nông nghiệp và không được lập gia đình. 

Một quan chức trong bộ Lao động Thái Lan gọi thỏa thuận với Israel là đôi bên cùng có lợi, “người lao động có thể trở về nhà với một khoản tiền lớn, họ có thể trả nợ, xây nhà mới cho gia đình và có được sự  tôn trọng của xã hội”. 

 Các lao động Thái Lan có được đối đãi tử tế ở Israel ?  

Tờ Nikkei Aisia chỉ ra rằng nhiều lao động người Thái làm việc tại các trang trại ở Israel đã bị ngược đãi. Năm 2020, báo cáo của một tổ chức phi chính phủ Kav LaOved cho biết 83 % lao động Thái được trả công dưới mức lương tối thiểu hợp pháp. Nhiều người không được bảo đảm các quyền lợi hợp pháp, làm việc trong điều kiện không an toàn và khó tiếp cận chăm sóc y tế.   

Báo cáo của Tổ chức Human Rights Watch vào năm 2015 cũng đã nêu ra các vấn đề tương tự. Hay một báo cáo về nạn buôn người năm 2022 của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì mô tả việc đối xử với một số công nhân Thái Lan trong lĩnh vực nông nghiệp ở Israel bị so sánh với “cưỡng bức lao động”.  

Theo Yahel Kurlander, tình nguyện viên của nhóm Aid for Farm Workers, được lập ra để hỗ trợ các lao động Thái Lan tại Israel, tại nhiều khu vực gần Gaza mà công nhân phải sơ tán thì các lao động Thái Lan bị bắt buộc phải tiếp tục làm việc. Một số chủ trang trại thậm chí còn nói rằng “những ai muốn ở lại thêm một tuần thì phải làm việc”.   

Đối với nhà nghiên cứu Kaminer cũng là thành viên của tổ chức Aid for Farm Workers, được Nikkei Asia trích dẫn, “cần phải ưu tiên quyền lợi của người lao động bất chấp việc các chủ nông trại muốn giữ chân họ”, nếu tình trạng hiện nay không được xử lý tốt thì sẽ ngăn cản người di cư đến Israel làm việc trong tương lai. Hơn nữa, nhiều hồ sơ vi phạm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được lập ra để xem xét. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.