Vào nội dung chính
COP28 - DẦU LỬA

COP28 : OPEC chủ trương « bác bỏ mọi thỏa thuận nhắm vào năng lượng hóa thạch »

Vào lúc các bộ trưởng trở lại Dubai để tiếp tục đàm phán ba ngày trước khi Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP28 khép lại, mọi chú ý tập trung vào lập trường quyết liệt của khối các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC. Tổng thư ký OPEC hôm 08/12/2023 kêu gọi các thành viên « khẩn cấp bác bỏ trước mọi thỏa thuận » làm phương hại đến các hoạt động của ngành than đá và dầu khí.

Các đại biểu đến dự COP28 tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 09/12/2023.
Các đại biểu đến dự COP28 tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 09/12/2023. REUTERS - THOMAS MUKOYA
Quảng cáo

Trong thư gửi đến 13 thành viên trong khối các nước xuất khẩu dầu hỏa, bao gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nước chủ nhà COP28, tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais nhận định rằng thảo luận về các mục tiêu khai trừ năng lượng hóa thạch là điều « không thể chấp nhận được », bởi đó chỉ là những « chiến dịch mang tính chính trị và sẽ đe dọa đến sự phồn thịnh và tương lai của người dân tại những quốc gia chúng ta ». Tài liệu nói trên cũng đã được gửi đến đại diện của 10 nước đối tác với OPEC, trong đó có Azerbaijan, Malaysia, Mêhicô và nhất là Nga.

Bộ trưởng Pháp đặc trách về Chuyển Đổi Năng Lượng Agnès Pannier Runacher bày tỏ « thịnh nộ » trước những tuyên bố nói trên của OPEC. Bà nhắc lại « các loại năng lượng hóa thạch là nguyên nhân tạo ra hơn 75 % lượng khí thải CO2 hâm nóng trái đất. Mục tiêu đề ra là giữ cho nhiệt độ trên hành tinh không tăng thêm quá 1,5 % từ nay đến cuối thế kỷ. Do vậy, quan điểm của OPEC đe dọa trực tiếp đến những nước phải đối mặt với thiên tai nhiều hơn cả, và dân cư tại các nước nghèo là những nạn nhân đầu tiên » do biến đổi khí hậu mang lại. Bộ trưởng Chuyển Đổi Năng Lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera xem lập trường của OPEC là « đáng khinh bỉ ».

Dù tình hình có vẻ đen tối, song bộ trưởng Môi Trường Canada sáng nay tỏ ra lạc quan hơn và hy vọng là năng lượng hóa thạch sẽ được nhắc đến trong bản tuyên bố chung kết thúc COP28 và trong mọi trường hợp « thế giới đang từng bước giảm mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch ». Canada là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu khí nên tiếng nói của Ottawa được đánh giá là « có trọng lượng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.