Vào nội dung chính
IRAN - TRUNG ĐÔNG - ẢNH HƯỞNG

Iran dùng cuộc chiến ở Gaza để tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông

Nhờ có những phe cánh vũ trang tại Liban, Yemen hay Irak, Teheran bề ngoài tỏ ra không cần can dự vào xung đột, nhưng thực tế vẫn tăng cường vị thế trong vùng trước các nước phương Tây.

Ảnh từ video của Hamas đăng ngày 20/12/2023: Các chiến binh của Hamas sử dụng súng AM-50 Sayyad do Iran chế tạo.
Ảnh từ video của Hamas đăng ngày 20/12/2023: Các chiến binh của Hamas sử dụng súng AM-50 Sayyad do Iran chế tạo. © APa
Quảng cáo

RFI lược dịch bài phân tích trên nhật báo Le Figaro để giải mã vai trò của Iran trong khu vực nóng này.

Ở Trung Đông, lợi ích của các cường quốc trong khu vực trải rộng ra các nhánh của họ ở khắp mọi nơi. Tại đó, rất hiếm khi một cuộc chiến tranh kéo dài lại có thể giữ được trong phạm vi biên giới quốc gia. Kể từ khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công khủng bố vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, xung đột đang dần lan rộng ra khỏi tâm chấn của nó.

Tại Irak và Syria, lực lượng dân quân người Shia thân Iran đang gia tăng các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ. Ở Hồng Hải, lực lượng Houthi ở Yemen, cũng là thân Iran, phóng tên lửa vào các tàu hàng nước ngoài và thậm chí tấn công trực thăng Mỹ. Quân đội Israel và Hezbollah, nhánh vũ trang của Iran ở Liban, thường xuyên đụng độ ở khu vực biên giới.

Kể từ cuộc cách mạng Hồi Giáo năm 1979, Iran coi Israel là kẻ thù không đội trời chung. Iran đang cho thấy là quốc gia được hưởng lợi chính trong khu vực từ vụ tấn công của Hamas. Với việc lực lượng thân tín (Hamas) đang thực hiện một cuộc chiến gần như là dưới sự ủy nhiệm của họ ở Trung Đông và chương trình hạt nhân được hồi sinh, Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đặt ra một thách thức mới cho phương Tây.

Sự kiện 07/10 đã làm thay đổi tất cả

Joe Biden hy vọng sẽ giải tỏa xung đột với Iran. Mùa hè năm 2023 đã được đánh dấu bằng việc trả tự do cho một số tù nhân Mỹ, đổi lấy việc  nước Cộng hòa Hồi giáo được nhận một số khoản tiền bị Washington phong tỏa. Sự tĩnh lặng tương đối của các phong trào do Teheran tài trợ và vũ trang trong khu vực đã tạo ra ảo tưởng về sự yên bình, trong khi đó chương trình hạt nhân của Iran có giảm tốc độ một chút. Nhưng sự kiện ngày 07/10 đã thay đổi tất cả và phá vỡ khoảng thời gian tạm lắng mong manh này.

Tuần trước, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã trực tiếp xung đột với lực lượng Houthi, tấn công các căn cứ của lực lượng phiến quân này tại Yemen, để cố gắng khôi phục lại thông thương ở Hồng Hải.

Về hồ sơ hạt nhân, Teheran phục hồi với tốc độ chóng mặt. Cơ Quan năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế ( AIEA) tố Iran đã tăng tốc làm giàu Uranium lên tới 60%, từ 3 kg lên 9 kg mỗi tháng. Iran đã hủy bỏ kết quả nhiều năm đàm phán ngoại giao với các nước phương Tây, cũng như họ đã làm thất bại ý đồ của Isrel muốn cản trở chương trình chế tạo bom hạt nhân bằng các vụ ám sát nhằm vào mục tiêu cụ thể như các nhà khoa học hay tấn công tin học.

Câu hỏi mà mọi người giờ đây đặt ra là: Liệu mồi lửa trên các mặt trận của Iran và các đồng minh của nước này trong “trục kháng chiến” có thể làm bùng lên xung đột rộng hơn không?

Sự thận trọng trong cách thông tin của Iran chứng minh rằng chắc chắn Tehran không tìm kiếm một cuộc xung đột trực tiếp với phương Tây hay Israel.

Kể từ ngày 07/10, lợi ích của Iran trong khu vực đã ngày càng được nâng cao mà nước này không cần phải bắn một phát súng nào. Một nhà ngoại giao Pháp nhận xét : “ Không cần can dự trực tiếp, Iran đã thành công trong việc lật lại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út, làm dâng cao chủ nghĩa bài Do Thái trên thế giới và với sự vô dụng của chính quyền Palestine, Teheran đã chứng tỏ họ như là lãnh đạo của trục kháng chiến ”.

Chính quyền Iran, không khác gì các chế độ Ả Rập khác, trước ngày 07/10,  không hề quan tâm đặc biệt đến chính nghĩa của người Palestine. Teheran không muốn gây nguy hiểm cho Hezbollah, công cụ răn đe tốt nhất, lực lượng bảo vệ mạnh mẽ nhất trong khu vực với kho vũ khí tên lửa và tên lửa khổng lồ. Hezbollah là công cụ để Iran đối phó với các hành động trả đũa có thể xảy ra từ Israel hoặc Hoa Kỳ. Cho đến nay, Iran vẫn thận trọng không đưa ra một lý do nào có thể khiến họ động binh. Nhưng Tehran sẵn sàng gây chiến với kẻ thù của mình bằng cách kích hoạt những cánh tay vũ trang của họ. Trong khi đó, các phe cánh vũ trang lệ thuộc vào Iran cũng đang sử dụng cuộc xung đột để củng cố vị thế thứ bậc của họ ở Tehran và tăng áp lực nhằm đuổi người Mỹ ra khỏi khu vực.

Iran không còn lẻ loi nữa

Ảnh hưởng của Iran trong khu vực ngày càng tăng nhanh hơn, nhất là khi họ không còn lẻ loi. Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina vào tháng 2/2022, Teheran có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh và Mátxcơva, kể cả về hồ sơ hạt nhân.

Iran dựa vào hai đồng minh của mình là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là các cường quốc, để lách lệnh cấm vận của phương Tây và để ngăn chặn mọi biện pháp trừng phạt mới có thể được thông qua ở Liên Hiệp Quốc, nhờ vào quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Đổi lại, Teheran cung cấp vũ khí cho Nga và cung cấp dầu cho Trung Quốc. Năm 2003, sự can thiệp tai hại của Mỹ vào Irak đã gây ra sự thay đổi trong khu vực theo hướng có lợi cho Iran. Năm 2013, việc tổng thống Barack Obama từ chối can thiệp vào Syria đã tạo ra một động lực mới cho Iran trong khu vực.

Liệu cuộc chiến giữa Israel và Hamas có phải là một nấc thang mới cho ảnh hưởng của Iran?

​Hoa Kỳ không muốn can dự vào leo thang chiến tranh ở Trung Đông. Về chính sách đối ngoại, Joe Biden đã kế thừa di sản của hai người tiền nhiệm Donald Trump và Barack Obama, những người đã muốn thúc đẩy nước Mỹ đầu tư nhiều hơn vào châu Á để đối phó với Trung Quốc, theo hướng thoái dần hoạt động ở Châu Âu và Trung Đông.

Washington, vốn không còn muốn giải quyết xung đột bằng vũ lực, cho đến nay đã tránh được leo thang, trong đó có cả việc ngăn cản Israel tấn công Hezbollah ở Liban trong những ngày đầu tiên sau sau sự kiện 07/10. Nhưng sau Ukraina, Trung Đông gợi nhắc lãnh đạo Mỹ rằng họ sẽ khó rời đi nhanh như vậy...

Không mấy quốc gia trong khu vực muốn tham gia cùng với Iran và Nga. Chính phủ Liban bất lực, không có khả năng kiểm soát hoặc thậm chí kiềm chế Hezbollah. Ả Rập Xê Út không muốn làm chệch hướng các cuộc đàm phán với phe Houthi,  đồng thời không muốn bị dân Ả Rập xa lánh, cũng như không muốn từ bỏ hoàn toàn mối quan hệ hợp tác với Israel. Riyadh và các nước vùng Vịnh có cảm giác bị Washington bỏ rơi, khi Nhà Trắng bắt đầu nới lỏng vấn đề khu vực và tập trung nỗ lực vào việc phổ biến vũ khí hạt nhân hơn là ngăn chặn các lực lượng dân quân Shiite thân Iran. Vì thế họ xích lại gần với Matxơva và một số khác thì với Tehran.

Ai Cập và các cường quốc Ả Rập khác vẫn kỳ vọng Hoa Kỳ và các đồng minh hành động để lập lại trật tự và luật pháp quốc tế, đồng thời ngăn chặn xung đột biến thành chiến tranh mở.

Ngay cả khi chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, những nỗ lực của Iran nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ vẫn sẽ được ưu tiên hơn cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.