Vào nội dung chính
HỘI NGHỊ AN NINH MUNICH

Khai mạc Hội nghị An ninh Munich, với trọng tâm ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’

Lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia, và 100 bộ trưởng các nước, tham gia Hội nghị An ninh Munich, tại Đức, khai mạc hôm nay, 16/02/2024 và sẽ kéo dài đến ngày 18/02. 

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, đến dự phiên khai mạc Hội Nghị An ninh Munich, ngày 16/02/2024, Munich, Đức.
Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, đến dự phiên khai mạc Hội Nghị An ninh Munich, ngày 16/02/2024, Munich, Đức. AP - Matthias Schrader
Quảng cáo

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 lấy mục tiêu ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’ làm trọng tâm, diễn ra vào lúc chưa bao giờ thế giới ‘‘cùng lúc phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đến như vậy’’ kể từ hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm, như nhận định của chủ tịch Hội nghị, nhà ngoại giao Đức Christoph Heusgen.

Từ Berlin thông tín viên Pascal Thibaut nhấn mạnh một số điểm chính của hội nghị Munich:

Hai nhân vật vắng mặt nhưng đóng vai trò trung tâm tại Munich. Thứ nhất là cựu tổng thống Donald Trump, với những tuyên bố mới đây về NATO, đã gây ra nhiều chỉ trích tại châu Âu. Phó tổng thống Mỹ có kế hoạch phát biểu vào chiều nay. Các nước châu Âu sẽ không bỏ lỡ dịp để phản ứng và nêu bật các thách thức cần phải hóa giải, nếu Donald Trump tái đắc cử.

Một sự vắng mặt quan trọng khác là tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng nhiều quan chức Nga không được hoan nghênh. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ tham dự hội nghị vào ngày mai, sau khi ký kết hai thỏa thuận an ninh song phương với Đức và Pháp, tại Berlin và Paris hôm nay.

Tổng thống Ukraina từng có mặt tại Munich cách nay hai năm, ít ngày trước cuộc xâm lăng của Nga. Ngày mai, chắc chắn tổng thống Ukraina sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Ukraina nhiều hỗ trợ hơn nữa.

Một chủ đề quan trọng khác hiện tại, đó là tình hình ở Gaza. Tổng thống Israel Herzog, thủ tướng Palestine, cũng như nhiều giới chức cao cấp trong vùng sẽ có mặt tại Munich. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cũng sẽ tham dự hội nghị Munich. Tại các hành lang của khách sạn Bayerischer Hof, nhiều cuộc thảo luận sẽ diễn ra với mục tiêu tháo gỡ tình hình tại chỗ, trước mắt là về mặt nhân đạo, và trong trung hạn là về mặt chính trị.

Theo chuyên gia về địa chính trị khu vực Trung Đông Yasmina Asrarguis, hội nghị về an ninh quốc tế quan trọng này là ‘‘một cơ hội’’ cần tận dụng. Bà nhấn mạnh ‘‘nhiều khi các cuộc đối thoại trong khuôn khổ hẹp, và những bước tiến nhỏ lại có thể tạo điều kiện cho một hội nghị hòa bình quan trọng hơn’’, và ‘‘việc chuẩn bị cho các thỏa thuận Oslo, đặt nền móng cho hòa bình giữa Israel và Palestine, đã từng được bắt đầu với các cuộc thảo luận kiểu như vậy tại Na Uy.’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.