Vào nội dung chính
NICKEL - INDONESIA - TRUNG QUỐC

Nickel Indonesia: Sự lệ thuộc của Jakarta và mặt trái của đầu tư Trung Quốc

Với trữ lượng 21 triệu tấn, Indonesia là nước có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, chiếm gần 24% tổng trữ lượng toàn cầu. Indonesia cũng là nhà sản xuất nickel đứng đầu thế giới. Thế nhưng, lĩnh vực này của Indonesia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc : các công ty trong ngành công nghiệp nickel ở Indonesia chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc.

Nickel từ mỏ lộ thiên gần Kendari, tỉnh Sulawesi, miền đông nam Indonesia, tháng 03/2012.
Nickel từ mỏ lộ thiên gần Kendari, tỉnh Sulawesi, miền đông nam Indonesia, tháng 03/2012. Getty Images - Photography by Mangiwau
Quảng cáo

Trong bài viết « Indonesia, nickel và Trung Quốc » đăng trên trang mạng nghiên cứu về châu Á Asialyst ngày 14/02/2024, chuyên gia Indonesia, Anda Djoehana Wiradikarta, nhắc lại là năm 2020, Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng chưa qua chế biến vì Jakarta muốn đưa lĩnh vực xử lý nickel để sản xuất pin điện, bình ắc quy thành chìa khóa cho chương trình phát triển quốc gia. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OCDE) thành lập, « mục tiêu của chính sách này là tăng cường các cơ sở chế biến trong nước, đưa giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng nickel trở lại nền kinh tế Indonesia và kích thích tạo việc làm và phát triển kinh tế ở Indonesia », cho dù một chính sách như vậy là đi nguợc lại với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, mà Indonesia là một thành viên.

Trung Quốc là bên lợi nhất

Cũng theo chuyên gia Indonesia, Anda Djoehana Wiradikarta, 70% nhu cầu nickel toàn cầu liên quan đến lĩnh vực sản xuất thép không gỉ (inox). Indonesia là nước sản xuất inox lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ nhưng là nước xuất khẩu lớn nhất. Ngoài thép không gỉ, nickel còn được sử dụng trong ngành sản xuất ắc quy ô tô điện. Vào tháng 12/2023, Hong Kong CBL, một công ty con của nhà sản xuất pin điện CATL của Trung Quốc, đã mua cổ phần của PT Indonesia Battery Corporation, một công ty con của PT Aneka Tambang, doanh nghiệp Nhà nước của Indonesia về khai thác mỏ, để sản xuất pin điện, bình ắc quy.

Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Indonesia, năm 2021 chiếm hơn 22% xuất khẩu nickel của quốc gia Đông Nam Á, vượt xa Hoa Kỳ (11%), Nhật Bản (8%), Ấn Độ (6%) và Singapore (5%) (theo số liệu của CIA World Factbook – Dữ kiện Thế giới, một ấn bản thường niên của Tình báo Mỹ CIA về các quốc gia). Đến năm 2023, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai vào Indonesia, chỉ sau Singapore, và đứng trước Hồng Kông, Nhật Bản và Malaysia.

Xét về số lượng, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á tiếp nhận nhiều đầu tư nhất từ dự án « Những con đường tơ lụa mới » (Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - BRI) của Trung Quốc. Các nhà máy luyện nickel ở Indonesia là một phần của dự án BRI. Trong bài phát biểu trước Quốc Hội Indonesia năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cho thấy tầm quan trọng của Indonesia trong dự án này.

Về phía Indonesia, Jakarta coi đầu tư của Trung Quốc là phương tiện phát triển cơ sở hạ tầng vốn còn đang thiếu hụt và chưa cho phép Indonesia khai thác tốt nhất tiềm năng tăng trưởng. Đặc biệt, Jakarta muốn Trung Quốc giúp đỡ trong các dự án về năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng : nhiều quan chức Indonesia phàn nàn về việc phương Tây miễn cưỡng tài trợ cho kế hoạch Indonesia đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và về mức lãi suất mà Jakarta xem là cao. Dự án « Những con đường tơ lụa mới » đã cho phép Indonesia có vốn đầu tư nhất là vào xây dựng hệ thống tàu cao tốc, mạng lưới tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, nối Jakarta với Bandung, thành phố đông dân thứ ba ở Indonesia, và phát triển ngành công nghiệp nickel.

Vào năm 2021, Luhut Binsar Pandjaitan, bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, khẳng định các khoản đầu tư của Trung Quốc đáp ứng nhu cầu của chính phủ và Trung Quốc « không ra lệnh gì cả ». Tuy nhiên, theo Bhima Yudhistira Adhinegara, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật ở Jakarta, trong lĩnh vực nickel, chính Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​các thỏa thuận đã ký với lndonesia. Ông tiết lộ Trung Quốc kiểm soát tới 61% tổng sản xuất nickel của Indonesia, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước Indonesia chỉ kiểm soát được 5%.

Sự ngờ vực trong công luận Indonesia

Còn chuyên gia về chính sách kinh tế của Trung Quốc, Hongyi Lai, thuộc Đại học Nottingham, Anh Quốc, được Asialyst trích dẫn, giải thích là trong dư luận Indonesia hiện đang có một mối ngờ vực nhắm vào Trung Quốc và ảnh hưởng của nước này tại Indonesia. Trước sự nghi ngờ này, hồi tháng 05/2023, cho dù nhiều vụ tai nạn tại các nhà máy nickel đã xảy ra, bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, ông Luhut, một mặt khẳng định : « Các nhà đầu tư Trung Quốc có một vai trò quan trọng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ », mặt khác cho rằng nếu không có các nhà đầu tư Trung Quốc, Indonesia sẽ không thể xuất khẩu 34 tỷ đô la chế phẩm nickel. 

Điểm đáng chú ý là trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Jokowi, sự lệ thuộc của Indonesia vào Trung Quốc ngày càng gia tăng, trong khi cách hành xử của Trung Quốc về điều kiện lao động và quyền của người lao động, quan hệ với cư dân địa phương, bảo vệ môi trường đều đi ngược lại nỗ lực của người Indonesia nhằm xây dựng một xã hội dân chủ.

Báo Pháp Courrier International ngày 04/02/2024 giới thiệu bài viết của BBC News Indonesia « Tại Indonesia, thời vàng son của nickel đã qua », theo đó Melky Nahar, điều phối viên của Mining Advocacy Network, đã cáo buộc ông Joko Widodo, khi làm tổng thống, đã trải « thảm đỏ » cho đầu tư của Trung Quốc mà không chú ý đến nhiều vấn đề ngay trên lãnh thổ Indonesia, trong đó phải kể đến các xung đột về đất đai, vấn đề sức khỏe và tác hại đối với môi trường.

Bài viết của BBC News Indonesia cho biết nhiều công ty Trung Quốc đổ xô đến Indonesia, sau khi chính phủ quốc gia Đông Nam Á này cấm xuất khẩu quặng nickel thô hồi năm 2020. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia khi đó đã tăng đột ngột. Tuy nhiên, đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, chỉ đạt mức 3%, so với 8,4% của năm 2021. Tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc đạt 5,2%, nhưng Ngân hàng Thế giới dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong 2 năm tới đây sẽ chỉ ở mức khoảng 4%.

Mohammad Faisal, kinh tế gia - giám đốc điều hành của Trung tâm Cải cách Kinh tế, nhận định với BBC News Indonesia là Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản. Vì thế, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài gặp trở ngại và điều này tác động đến sự lệ thuộc của Jakarta vào các khoản đầu tư này của Trung Quốc.

Mặt trái của đầu tư Trung Quốc

Trở lại với bài viết trên trang mạng nghiên cứu về châu Á Asialyst, Yeta Purnama, nhà nghiên cứu của cơ quan tư vấn có tên là Trung tâm nghiên cứu về Kinh tế và Luật, lưu ý nếu như các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia không hướng sự ưu tiên vào sức khỏe và sự toàn, thì tình cảm bài Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ gia tăng. Và các vụ tai nạn gây thiệt hại về nhân mạng trong lĩnh vực nickel có thể sẽ làm xấu đi hình ảnh của cả hai nước trên thế giới.

Gần đây nhất, theo báo Pháp Sud-Ouest ngày 27/12/2023, vụ tai nạn tại nhà máy luyện nickel trên đảo Sulawesi hôm 24/12 đã khiến 19 người chết (11 lao động Indonesia và 8 nhân công Trung Quốc) và vài chục người bị thương nặng phải nhập viện. Chỉ riêng tại khu công nghiệp rộng gần 3000 ha này, có khoảng 70 000 lao động làm việc cho các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Quả thực, điều kiện lao động tại các doanh nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực nickel ở Indonesia ngày càng bị lên án. Không chỉ người lao động Indonesia mà ngay chính người lao động Trung Quốc cũng phải chịu những điều kiện lao động tồi tệ, thậm chí là nghiêm trọng hơn so với với nhân công Indonesia bởi vì theo tác giả bài viết trên Asialyst, người lao động Indonesia dẫu sao cũng có thể lập nghiệp đoàn để tự bảo vệ mình.

China Labor Watch, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, Mỹ, điều tra về điều kiện lao động tại các doanh nghiệp Trung Quốc, ghi nhận các hành xử của họ trong giai đoạn 2021-2023 : tịch thu hộ chiếu, vi phạm hợp đồng lao động, giữ tiền lương của nhân công, sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ an toàn lao động, không có giấy phép lao động từ phía Indonesia, hạn chế việc người lao động di chuyển, các hành vi bạo lực nhắm vào thân thể khi người lao động vi phạm quy định …

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.